(Pháp lý) - Nghị quyết T.W 4 khóa XII được các nhà nghiên cứu chính trị học, khoa học pháp lý đánh giá là một Nghị quyết đột phá mang tầm chiến lược, tăng cường pháp trị và đạo đức trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thực hiện Nghị quyết quan trọng này, năm 2017 vừa qua, hàng ngàn Đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có cả những Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Có thể nói, năm 2017, quyết tâm chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng được Đảng tăng cường mạnh mẽ, không có vùng cấm.
Xung quanh chủ đề trên, trước thềm Xuân mới 2018, Phóng viên Pháp lý đã có cuộc đối thoại đặc biệt với hai nhân vật đặc biệt: Ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó Ban Nội chính T.W – nguyên Ủy viên BTV Hội Luật gia VN và PGS.TS. Nguyễn Văn Vĩnh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chính trị học (Học viện Chính trị quốc gia HCM).
Pháp trị và đạo đức được tăng cường mạnh mẽ trong chỉnh đốn Đảng
Phóng viên: Có ý kiến nhận xét Nghị quyết T.W4 khóa XII là một quyết sách chính trị kiên quyết và mẫn cảm, có ý nghĩa đột phá mang tầm chiến lược để thực thi toàn bộ quyết sách xây dựng Đảng do Đại hội Đảng 12 đề ra. Thưa Phó Giáo sư Nguyễn Văn Vĩnh, ông có cùng quan điểm, nhận định trên không? Vì sao?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Tôi hoàn toàn đồng tình và chia sẻ với nhận định trên. Bởi vì, như chúng ta biết Đảng ta đã rất nhiều lần chỉnh đốn Đảng và mỗi nhiệm kỳ thường lấy Hội nghị Trung ương lần thứ tư để bàn về công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết T.W 4 khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện về tự diễn biến, tự chuyển hóa. Lần đầu tiên, Đảng ta đã lượng hóa 27 biểu hiện rất cụ thể trên các phương diện về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Thực sự cả về lý luận lẫn thực tiễn, Nghị quyết T.W 4 khóa XII là một quyết sách chính trị lớn của Đảng ta rất phù hợp với đòi hỏi của tình hình cách mạng trong giai đoạn mới. Đạt được những kết quả đó là do có sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN); sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí. Có thể nói, Nghị quyết T.W 4 khóa XII không chỉ đột phá về vấn đề pháp trị trong Đảng, mà còn đột phá cả những vấn đề về đạo đức Đảng viên.
Phóng viên: Ông có thể cho biết rõ hơn, nếu buông lơi vấn đề pháp trị trong Đảng thì sẽ dẫn đến những hệ lụy gì, hoặc buông lơi vấn đề đạo đức trong Đảng sẽ dẫn đến những tổn thất gì?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Nói pháp trị là đặt Đảng trong một môi trường thượng tôn pháp luật, nhấn mạnh kỷ luật chặt chẽ trong Đảng. Nói đến pháp trị là nói đến thượng tôn pháp luật, một môi trường coi trọng pháp quyền. Bản thân tổ chức và hoạt động của Đảng phải theo pháp luật, đảng viên, cán bộ phải là những người thượng tôn pháp luật nhất, nêu gương sáng về coi trọng thể chế và pháp luật. Đề cao pháp trị, tính kỷ luật kỷ cương sẽ tạo nên sức mạnh của Đảng, sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Quyết tâm đó được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện mạnh mẽ: “Phải nhốt quyền lực trong lồng thể chế và pháp luật”. Trong tình hình hiện nay một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, nếu buông lơi pháp trị trong Đảng thì tất yếu sẽ dẫn đến tha hóa quyền lực, nguy cơ sự sụp đổ chế độ là không thể tránh được.
Về vấn đề đạo đức trong Đảng, Nghị quyết T.W 4 khóa XII đã chỉ rõ những biểu hiện về suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên cần phải được ngăn chặn kịp thời. Bởi vì, người đảng viên phải luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhưng, hiện nay, có một thực tế đau đớn là, hầu hết các vụ tham nhũng ở nước ta đều dính dáng trực tiếp, hoặc gián tiếp đến đảng viên - những người có chức, có quyền. Dù những hành động tham nhũng này có được biện bạch thế nào chăng nữa thì cũng là vô đạo, phi nhân tính, bất nghĩa mà người đảng viên không được phép làm. Người đảng viên phải nêu gương trước để trở thành con người xã hội chủ nghĩa có nếp sống trong sáng, phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ lợi ích nhóm tiêu cực. Đạo đức là gốc, gốc có vững thì cây mới bền, mới tốt tươi. Nếu buông lơi vấn đề đạo đức trong Đảng sẽ chẳng khác nào như cây mất gốc. Và như vậy dù pháp luật có toàn diện, đầy đủ đến đâu, thì vẫn sẽ xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật, đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Xã hội sẽ loạn vì thiếu đạo đức.
Phóng viên: Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, Đảng đã xử lý kỷ luật 81 tổ chức và hơn 6.000 Đảng viên, trong đó Ủy ban Kiểm tra T.W đã thi hành kỷ luật 7 Đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý. Con số này còn được tăng thêm ở 6 tháng cuối năm. Hai ông có bình luận, nhận xét gì về công tác xử lý kỷ luật Đảng viên thời gian gần đây?
Ông Trần Đại Hưng: Theo tôi, vấn đề xử lý kỷ luật đảng viên trong thời gian vừa qua đã được tăng cường, không kể đảng viên ở cấp nào, cấp T.W hay cấp địa phương. Đó là một bước tích cực, tiến bộ và có thể nói những xử lý vừa qua đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng rất nhiều. Những đảng viên vi phạm dù là cấp cao được xử lý đã thể hiện tính nghiêm minh, công bằng. Tuy nhiên, trong xử lý đảng viên thời gian qua, theo tôi, có lúc, có nơi chưa thực mạnh mẽ, việc nội bộ tự phát hiện đảng viên vi phạm không nhiều, mà hầu hết các đảng viên vi phạm đều bị phát hiện từ dư luận xã hội, từ báo chí, truyền thông... Ở đây, báo chí đã phát huy trách nhiệm xã hội, nhưng bản thân một số tổ chức cơ sở Đảng bộc lộ những mặt hạn chế là không phát hiện đảng viên vi phạm trong chính nội bộ đảng. Điều đó cho thấy, việc đấu tranh, phê bình, tự phê bình trong nội bộ đảng còn yếu, đặc biệt là việc phê bình. Trong phê bình còn biểu hiện nể nang, e dè nên không đưa ra xử lý kịp thời.
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Việc xử lý cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ, đảng viên cao cấp như vừa qua thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng ta đồng thời cũng thể hiện sức sống mạnh mẽ của Nghị quyết T.W 4 khóa XII. Có thể nói Nghị quyết T.W 4 khóa XII thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng ta - một Đảng có bề dày lịch sử đấu tranh và cầm quyền. Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần thiết thực giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những tác động tích cực tạo nên sự chuyển biến vừa qua, chúng ta cũng cần đặt ra việc phải hoàn thiện cơ chế, thể chế đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và ngoài xã hội.
Phóng viên: Là một người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu sâu về môn Chính trị học, theo PGS Nguyễn Văn Vĩnh, những quy định mới đây của Ban Chấp hành T.W về xử lý kỷ luật Đảng viên liệu đã bao quát hết để xử lý vấn đề tồn tại trong xử lý kỷ luật đảng viên hiện nay chưa?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Theo cá nhân tôi, những quy định mới của Ban Chấp hành T.W cơ bản đã đảm bảo để xử lý những vấn đề kỷ luật đảng viên vi phạm. Tuy nhiên có những vấn đề Đảng cần tiếp tục hoàn thiện để công việc xử lý kỷ luật thuận lợi hơn, có căn cứ hơn và nhanh hơn. Ví dụ vấn đề ở Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND Nguyễn Xuân Anh bị bãi miễn, tập thể Ban Thường vụ Đà Nẵng bị kỷ luật cảnh cáo do vậy không thể bầu các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND là thường vụ Đà Nẵng thay Chủ tịch HĐND. Bí thư mới thì lại không phải là đại biểu HĐND nên không thể bầu làm Chủ tịch HĐND. Do vậy, vấn đề bầu Chủ tịch HĐND Đà Nẵng hiện còn đang bỏ ngỏ?! Hay là những vấn đề gần đây ở Thanh Hóa, đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã bị cách hết chức vụ trong Đảng mà vẫn còn được ký một loạt quyết định với tư cách đại diện chính quyền. Theo tôi, tới đây cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng gắn việc xử lý kỷ luật bên Đảng với chính quyền, khi các chức vụ trong Đảng không còn thì cũng đồng nghĩa chức vụ bên chính quyền không còn nữa, vì thể chế của chúng ta là thể chế nhất nguyên một Đảng Cộng sản cầm quyền.
Để tham nhũng thực sự run sợ…
Phóng viên: Năm 2017, chúng ta chứng kiến hàng loạt lãnh đạo ngân hàng, lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế của Nhà nước bị bắt liên quan đến các tội danh tham nhũng. Chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết liệt. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, nếu không sớm rút ra bài học hoặc khẩn trương bịt kẽ hở chính sách pháp luật kinh tế thì sẽ còn tiếp tục những đại án kinh tế xảy ra và hậu quả thì rất khôn lường. Vậy theo các ông, việc cần làm ngay trong năm 2018 này là gì để tham nhũng thực sự run sợ và danh sách đại án tham nhũng sẽ không dài thêm nữa?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Theo tôi, phải làm sao hình thành một thể chế PCTN có hiệu quả để người cán bộ không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Có khi cán bộ tốt nhưng vào một thể chế một môi trường không tốt cũng mất cán bộ. Thể chế pháp luật, môi trường pháp quyền quyết định đến hiệu quả hiệu lực của phòng, chống tham nhũng để biến quyết tâm chính trị thành hành động trên thực tế. Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả theo tôi cần đồng loạt những giải pháp từ nhận thức đến hành động, từ thể chế cơ chế đến các chế tài đủ sức răn đe. Mục đích của PCTN là khắc phục thiệt hại và thu hồi được tài sản về cho nhà nước cho người dân chứ không phải là xử được bao nhiêu vụ đại án nghìn tỷ và bao nhiêu cán bộ bị truy tố trước vành móng ngựa.
Trong tình hình hiện nay, “lò đang cháy”, cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật về PCTN nhằm thể chế hóa đầy đủ các giải pháp PCTN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, truy tố, xét xử; đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội, các cơ quan báo chí, truyền thông về PCTN.
Ông Trần Đại Hưng: Trong thời gian vừa qua, chúng ta phát hiện và xử lý hàng loạt những vụ án về tài chính - quản lý tài nguyên, ngân hàng, dầu khí, đất đai rất nghiêm trọng … gây tổn thất cực kỳ lớn đối với ngân sách nhà nước. Phát hiện và xử lý những vụ án này là một thành công của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, chúng ta cần khẩn trương bít những kẽ hở của luật pháp, những chính sách còn bất cập, những quy định đang bị lợi dụng trục lợi, thao túng. Bên cạnh đó, không nên dừng lại ở xử lý vi phạm cá nhân, mà phải truy trách nhiệm quản lý, trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên và trách nhiệm của các cơ quan giám sát kiểm tra theo chức năng, thanh tra ngành. Phải làm triệt để, tổng thể đến cùng chứ không dừng ở mức truy trách nhiệm cá nhân sai phạm. Vấn đề thu hồi tài sản vi phạm hiện nay “rất ít” do phát hiện chậm, ngăn chặn không kịp thời nên tài sản đã bị tẩu tán, chúng ta phải có giải pháp về kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý ngăn chặn. Chính từ những kẽ hở trong quản lý, thiếu trách nhiệm trong quản lý của các cấp, các ngành chức năng nên các đối tượng trục lợi dễ bề thao túng. Ví dụ vụ vi phạm trong cổ phần hóa ở Công ty Điện Quang, chúng ta mới xử lý trách nhiệm kỷ luật Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về Đảng và chuyên môn, nhưng vẫn chưa xem xét hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của bà này để thao túng trục lợi cho bản thân để xác định rõ đâu là nguồn lợi của nhà nước bị chiếm đoạt (nếu có) để thu hồi.
Phóng viên: Sự kiện các cơ quan bảo vệ pháp luật khởi tố bắt nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng đầu tháng 12/2017 đã phá tan nghi ngờ của người dân, dư luận về việc có “vùng cấm” trong chống tham nhũng. Nhiều nhân sỹ trí thức, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, các chuyên gia pháp lý bình luận: Đây là điều chưa từng có trong lịch sử Đảng, chống tham nhũng không còn từ cổ trở xuống. Hai ông bình luận gì về sự kiện này?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Sự kiện này có sức thuyết phục rất lớn và góp phần tạo dựng niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN, nhất là tin vào sự thống nhất cao độ và tinh thần quyết liệt của tập thể Bộ Chính trị và người đứng đầu: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sự kiện ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bị tạm giam vừa vui lại vừa buồn! Vui vì như vậy không có vùng cấm trong PCTN, nhưng cũng buồn vì công tác cán bộ của chúng ta đang có lỗ hổng? Tại sao sai phạm không được phát hiện sớm để hậu quả không quá nghiêm trọng? Tại sao sai phạm vậy mà vẫn được vào Trung ương, vào Bộ Chính trị? Đây là một bài học đau đớn, sâu sắc về công tác cán bộ của Đảng ta.
Ông Trần Đại Hưng: Xử lý trường hợp ông Đinh La Thăng một cách nghiêm minh, thể hiện quyết tâm cao trong PCTN và không có giới hạn “vùng cấm”. Tuy nhiên theo tôi, đây cũng chỉ là kết quả bước đầu, bởi vì thực tế theo sự giám sát của nhân dân còn không ít trường hợp cán bộ vi phạm nghiêm trọng khác, thời gian tới chúng ta có tiếp tục xem xét, xử lý không? Đấy mới là vấn đề, không để lọt, thể hiện tính nghiêm minh, tính công bằng và như vậy mới thể hiện tính triệt để, toàn diện và “không có vùng cấm”.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng chúng ta mới chỉ phá được các đại án hình sự kinh tế nhưng có một đại án là nguyên nhân của các đại án hình sự kinh tế đó là đại án tham nhũng trong “công tác tổ chức cán bộ” thì chúng ta chưa phá được? Là cán bộ công tác nhiều năm trong ngành Nội chính, ông Trần Đại Hưng có suy nghĩ và bình luận gì về ý kiến này?
Ông Trần Đại Hưng: Thực tế thời gian qua cho thấy, những sai phạm về công tác tổ chức cán bộ xảy ra không ít bởi vì chúng ta nhìn vào cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt chỗ này chỗ kia nhưng không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm các tiêu chuẩn. Ở đâu cũng thấy nói đúng “quy trình” nhưng thực sự quy trình ấy như thế nào? Có những trường hợp nghiêm trọng ví dụ như Trịnh Xuân Thanh được điều động, được bổ nhiệm như vậy thì trách nhiệm của các cơ quan tổ chức cán bộ sẽ được xem xét như thế nào và đến đâu? Động cơ và mục đích trong bổ nhiệm, luân chuyển có gì tiêu cực, tham nhũng không phải lôi ra xem xét, xử lý chứ không chỉ cảnh cáo, khiển trách, phê bình qua loa, làm như vậy là chưa ổn. Rõ ràng công tác tổ chức cán bộ ở một số nơi thời gian qua là “có vấn đề”, có bóng dáng, dấu hiệu tiêu cực tham nhũng, chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên đi sâu vào những vấn đề này là rất khó vì trong tổ chức cán bộ hiện nay vẫn còn e dè, nể nang … Vì vậy vấn đề đặt ra là xử lý được những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tổ chức cán bộ của Đảng và Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Đây là một vấn đề cần được nghiên cứu, là vấn đề đòi hỏi bản lĩnh, sự nghiêm túc trong xử lý kỷ luật của Đảng, luật pháp của Nhà nước.
Phóng viên: Một số chuyên gia pháp luật hình sự khi nghiên cứu Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 sửa đổi và Luật PCTN hiện nay cho rằng: BLHS vẫn còn bỏ sót 5 tội danh thuộc nhóm tội phạm tham nhũng, bởi theo Luật PCTN có 12 hành vi tham nhũng cần được hình sự hóa, nhưng BLHS mới quy định tội danh được 7, còn 5 hành vi … Câu hỏi này xin hỏi PGS Nguyễn Văn Vĩnh. Theo ông, để không bỏ lọt tội phạm tham nhũng, tới đây khi sửa đổi BLHS 2015, có cần nghiên cứu bổ sung 5 tội danh vào BLHS hay không?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Tôi thấy rất cần thiết, rõ ràng còn 5 hành vi nữa từ khoản 8 đến 12 của Luật PCTN chưa được hình sự hóa. Nên tới đây, BLHS cần bổ sung các tội danh, đó là các hành vi sau: Hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Phóng viên: Và câu hỏi cuối xin hỏi hai ông: Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua và để công tác PCTN thời gian tới đây quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần rút ra những bài học gì?
PGS. Nguyễn Văn Vĩnh: Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây: Một là: Quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác PCTN; Hai là: Phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN thành hành động thực tế của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; Ba là: Phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về kinh tế - chính trị - xã hội. Thực sự chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; Bởi vì, khi quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ sẽ làm nảy sinh tham nhũng và hình thành “nhóm lợi ích”; Bốn là: Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí trong PCTN; Năm là: Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Kiểm tra, Thanh tra, Kiểm toán, Ban Nội chính), trước hết là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng; Sáu là: Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng theo phương châm phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.
Ông Trần Đại Hưng: Một trong những nguyên nhân rất quan trọng giúp chúng ta đưa ra ánh sáng nhiều vụ tham nhũng lớn thời gian gần đây, đó là người đứng đầu Ban Chỉ đạo PCTN ở T.W rất có bản lĩnh, có trách nhiệm rất cao để chỉ đạo. Nguyên nhân thứ hai là các cơ quan tư pháp của Nhà nước đã phát huy rất tốt, có nhiều cố gắng trong điều tra xử lý, truy tố và xét xử. Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là sự giám sát, đồng tình của quần chúng nhân dân, vai trò của các cơ quan truyền thông đã thể hiện sự chủ động tích cực. Tất cả đã tạo nên những kết quả quan trọng bước đầu.
Từ đó, chúng ta cần rút ra những bài học cụ thể cho công tác PCTN tới đây hiệu quả hơn nữa. Đó là bài học về huy động sức mạnh của xã hội là rất quan trọng. Tiếp tục củng cố hơn nữa vai trò trách nhiệm của các ngành chức năng, phải phối hợp chặt chẽ đồng bộ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các cấp. Hiện nay sự phối hợp giữa T.W và địa phương chưa được chặt chẽ cho nên rất nhiều trường hợp trên nóng dưới lạnh thì phong trào đấu tranh PCTN không thể triệt để và toàn diện; Hoàn chỉnh luật pháp, tăng cường quản lý nhà nước bởi vì quản lý nhà nước mà tốt không có sơ hở thì muốn tham nhũng cũng khó. Vấn đề này chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm thành công trong PCTN các nước trên thế giới và trong khu vực.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn hai ông đã dành thời gian tham gia đối thoại cùng Pháp lý. Nhân dịp năm mới, kính chúc hai Ông sức khỏe và tiếp tục dành thời gian đồng hành cùng Pháp lý trên những chặng đường tiếp theo!
Nhóm PV Nội chính (thực hiện)