Ngành công thương đạt kỷ lục với 700 điều kiện kinh doanh

Với 700 điều kiện kinh doanh được đặt ra trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, công thương đang là ngành dẫn đầu trong các ngành khi chiếm tới trên 20% số điều kiện kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng các điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành đặt ra không rõ ràng, ngày càng phức tạp hơn và gây rủi ro cho doanh nghiệp - Ảnh: N.AN
Các chuyên gia cho rằng các điều kiện kinh doanh được các bộ, ngành đặt ra không rõ ràng, ngày càng phức tạp hơn và gây rủi ro cho doanh nghiệp - Ảnh: N.AN)

Thông tin được Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh 2017” do CIEM tổ chức chiều 15-6.

Những ngành có số lượng lớn điều kiện kinh doanh còn có tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, thông tin và truyền thông, tài nguyên môi trường.

Ông Phan Đức Hiếu, phó viện trưởng CIEM, cho biết hiện có danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương ứng với các điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cấu trúc phức tạp khi đưa ra rất nhiều điều kiện “con”, nên tạo ra khó khăn, gánh nặng chi phí, thậm chí là rủi ro lớn cho người kinh doanh.

Ví dụ ngành kinh doanh kế toán, phải bảo đảm tỉ lệ góp vốn của kế toán viên, có ít nhất hai thành viên và có đăng ký hành nghề. Song điều kiện kinh doanh lại đặt ra yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, tính liêm khiết, có bằng tốt nghiệp đại học, có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên… là không phù hợp.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng các điều kiện kinh doanh đặt ra ngày càng tinh vi, phức tạp hơn. Thậm chí có những điều kiện có xu hướng áp đặt cứng nhắc các tiêu chí không phù hợp như phải sở hữu hệ thống hạ tầng quá lớn, lãnh đạo phải có bằng cấp…

“Những điều kiện này can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp quá nhiều, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Do đó, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ hơn các điều kiện kinh doanh này, cần phải có cơ chế độc lập để đánh giá những tác động mà doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng vì những điều kiện này. Bởi hiện nay việc đánh giá tác động được các đơn vị soạn thảo đưa ra rất hình thức” - ông Tuấn khuyến nghị.

Theo Tuoitre

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin