Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một biện pháp cần được ưu tiên và bảo đảm thực hiện trên cơ sở mục tiêu chiến lược của mỗi quốc gia để có thể đạt được bình đẳng giới thực chất. Bài viết sau đây của tác giả Lê Thị Hồng Hạnh (Đại học Luật Hà Nội) tập trung làm sáng tỏ sự cần thiết lồng ghép bình đẳng giới và kiến nghị bảo đảm việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL.
Sự cần thiết lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL
Trên tinh thần Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Luật Bình đẳng giới năm 2006, đã xác định mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL đã trở thành một nguyên tắc mà các chủ thể đều phải đảm bảo tuân thủ trong suốt quy trình xây dựng VBQPPL. Nội dung lồng ghép bình đẳng giới bao gồm những yếu tố sau đây:
Thứ nhất, xác định vấn đề giới và các biện pháp giải quyết trong lĩnh vực mà VBQPPL điều chỉnh. T
hứ hai, dự báo tác động của các quy định trong VBQPPL khi được ban hành đối với nữ và nam.
Thứ ba, xác định trách nhiệm và nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong phạm vi VBQPPL điều chỉnh.
Quá trình xây dựng pháp luật luôn hướng đến mục đích cuối cùng là tạo ra những VBQPPL chất lượng, tạo nên một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và khả thi. Xuất phát từ tầm quan trọng của bình đẳng giới là mục tiêu chiến lược quốc gia, sự cần thiết phải lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
Thứ nhất, việc lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng VBQPPL để kịp thời nhận diện tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Xét ở khía cạnh bảo đảm các quyền con người của nam và nữ (hay quyền bình đẳng giới), lồng ghép bình đẳng giới chính là cách thức giúp dự liệu và nhận diện tình trạng bất bình đẳng giữa nam và nữ, xác định các nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng, từ đó đưa ra những biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không tiến hành lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật sẽ dẫn đến nguy cơ không nhận ra bất bình đẳng giới và có thể bỏ qua hoặc không bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của một nhóm nào đó (nam hoặc nữ) (theo Quỹ hỗ trợ các sáng kiến tư pháp (2015), Hướng dẫn lồng ghép giới dành cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, tr.17,18)
Thứ hai, cần lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng VBQPPL do những đặc trưng riêng khác nhau khách quan của mỗi giới nên việc chịu tác động của mỗi giới từ cùng một chính sách pháp luật là rất khác nhau. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy nam và nữ không chỉ có những đặc điểm sinh học rất khác nhau mà còn có những trải nghiệm và kinh nghiệm sống khác nhau, vì thế họ có nhu cầu, khả năng, mối quan tâm và ưu tiên cũng như có khả năng đóng góp khác nhau. Chính bởi vậy nam giới và nữ giới cũng chịu tác động khác nhau từ cùng một chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, việc lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật để cải thiện thực tế tồn tại bất bình đẳng giới và hướng tới thúc đẩy bình đẳng giới. Chính bởi tầm quan trọng của lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật nên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định việc lồng ghép bình đẳng giới trong toàn bộ hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định, thẩm tra dự thảo… Tuỳ thuộc vào từng loại văn bản quy phạm pháp luật mà trình tự, thủ tục lồng ghép bình đẳng giới có sự khác biệt.
Một số kiến nghị bảo đảm lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL
Lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL mới chỉ được quy định rõ kể từ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực. Do đó, ở Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện hoạt động này. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền lồng ghép bình đẳng giới vẫn đang trong quá trình “vừa làm vừa học” để bảo đảm thực hiện và nâng cao hiệu quả lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL, theo quan điểm của tác giả, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường rà soát, hệ thống hoá VBQPPL có nội dung liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục cần được duy trì và tăng cường hơn nữa để kịp thời phát hiện vấn đề giới, từ đó sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất phương hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Công ước CEDAW và Luật Bình đẳng giới.
Thứ hai, cần quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng VBQPPL. Cần quy định rõ ràng, công khai trách nhiệm và nội dung thực hiện cụ thể của cơ quan nhà nước trong việc lồng ghép bình đẳng giới một cách có hệ thống ở từng giai đoạn trong hoạt động xây dựng VBQPPL nhằm hạn chế tối đa tình trạng thực hiện lồng ghép giới mang nặng tính hình thức, đối phó, hoặc chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan với nhau, đồng thời phải xác định rõ các biện pháp xử lý đối với việc không tuân thủ thực hiện quy định lồng ghép bình đẳng giới.
Thứ ba, cần quy định rõ vị trí, vai trò của các tổ chức, nhà khoa học, các chuyên gia và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đối với lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL. Pháp luật cần bổ sung những quy định cụ thể bảo đảm việc lấy ý kiến các tổ chức, viện nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia về bình đẳng giới và quyền con người của phụ nữ vào hoạt động xây dựng các dự án luật chuyên ngành, có phạm vi tác động đến vấn đề giới trong xã hội. Cần quy định rõ sự tham gia ở những khâu nào, yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến của những chủ thể này ra sao, trách nhiệm của chuyên gia, nhà khoa học trong việc lồng ghép bình đẳng giới.
Thứ tư, điều chỉnh hợp lý quy định về kinh phí dành cho công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL.
Thứ năm, tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn về lồng ghép bình đẳng giới nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình xây dựng VBQPPL.
Thứ sáu, cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cả xã hội về bình đẳng giới.
Kết mở
Bình đẳng giới là mục tiêu chiến lược của mọi quốc gia, do đó lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng VBQPPL là một hoạt động bắt buộc cần được thực hiện để có thể đảm bảo bình đẳng giới trên thực tế. Để đảm bảo được mục tiêu này, việc lồng ghép bình đẳng giới phải được tiến hành trong suốt quy trình xây dựng VBQPPL suy cho cùng là thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất, làm cho cả nam và nữ đều được thụ hưởng một cách bình đẳng các thành quả phát triển của xã hội một cách bền vững.
Lê Thị Hồng Hạnh
(Trường Đại học Luật Hà Nội)