Có thể khẳng định, hoạt động bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của
Nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong những năm qua, Đảng ủy, lãnh đạo Sở Tư pháp luôn chú trọng đến công tác xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, đặc biệt là xã hội hóa các hoạt động công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản, giám định tư pháp, Thừa phát lại và đã đạt được nhiều kết quả.
Công chứng tạo sự thân thiện, tin cậy với người dân
Về lĩnh vực công chứng, tính đến nay, toàn tỉnh đã có 24 tổ chức hành nghề công chứng (gồm 3 Phòng công chứng và 21 Văn phòng công chứng), phân bố trên tất cả các huyện, thành, thị. Trung bình hàng năm, các tổ chức thực hiện công chứng trên 30.000 hợp đồng, giao dịch, thu phí công chứng khoảng 6 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng. Trong đó, số việc và số phí của các Văn phòng công chứng những năm gần đây chiếm khoảng 60-70%. Hoạt động công chứng đáp ứng rộng rãi nhu cầu của người dân, về cơ bản đã tạo được sự thuận tiện, thân thiện và tin cậy đối với cá nhân, tổ chức có nhu cầu công chứng.
Về lĩnh vực luật sư, tỉnh hiện có 40 luật sư, 14 tổ chức hành nghề luật sư (gồm 8 Văn phòng luật sư, 4 Công ty luật, 2 chi nhánh Công ty luật) cung cấp dịch vụ pháp lý đa dạng cho các tổ chức, cá nhân, hàng năm thực hiện từ 300-500 việc, trong đó có cả trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật miễn phí. Về giám định tư pháp, tuy chưa thành lập được các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (Văn phòng giám định tư pháp) nhưng các cơ quan quản lý nhà nước đã chuẩn bị các điều kiện cho phép thành lập và hỗ trợ Văn phòng giám định tư pháp hoạt động theo quy định của pháp luật. Đến nay toàn tỉnh đã có 108 giám định viên tư pháp và 04 người giám định tư pháp theo vụ việc.
Hoạt động bán đấu giá tài sản trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tăng nguồn thu ngân sách địa phương. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai Luật Đấu giá tài sản đến các ngành, các cấp, các tổ chức đấu giá tài sản ở địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã có 15 tổ chức hành nghề đấu giá với 32 đấu giá viên. Trung bình một năm, các tổ chức hành nghề bán đấu giá tài sản đã ký gần 500 hợp đồng bán đấu giá. Tổ chức bán đấu giá thành gần 400 cuộc với tổng giá trị tài sản bán được trên 800 tỷ đồng, tăng 52 tỷ đồng so với giá khởi điểm của tài sản.
Tổng số phí đấu giá thu được gần 4 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 600 triệu đồng. Việc triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại ở tỉnh trong thời gian qua đã đạt được kết quả tốt, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mà Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đề ra.
Có được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp ở địa phương, sự cố gắng nỗ lực của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, hoạt động bổ trợ tư pháp cũng như công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại và hạn chế cần được khắc phục kịp thời, như: một số công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, một bộ phận luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu về dịch vụ pháp lý, chủ yếu là tham gia tố tụng; Đội ngũ giám định viên của tỉnh còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng...
Những tồn tại trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan về thể chế, chính sách và nguyên nhân chủ quan về con người, trình độ chuyên môn, trách nhiệm nghề nghiệp.... Bên cạnh đó, một trong những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chất lượng xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp là vai trò quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, các cơ quan hữu quan chưa thực sự đi vào chiều sâu, áp dụng các chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa có biện pháp hiệu quả để quản lý và chỉ đạo hoạt động bổ trợ tư pháp.
Cần đẩy mạnh xã hội hóa
Để nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong thời gian tới, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động xã hội hóa công tác bổ trợ tư pháp.
Ngoài các văn bản luật đã được ban hành làm cơ sở pháp lý cơ bản cho quá trình xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm khảo sát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện luật và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời đề ra phương án chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp. Các quy định cần đảm bảo để phát huy vai trò của các tổ chức hoạt động bổ trợ tư pháp ngoài công lập, tạo cơ chế khuyến khích, huy động các cá nhân, tổ chức có điều kiện tham gia hỗ trợ, đóng góp trên tất cả các phương diện cho công tác bổ trợ tư pháp, mặt khác cần hạn chế những hiện tượng không lành mạnh trong quá trình xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp.
Quy định về thẩm quyền quản lý nhà nước, quản lý nghề nghiệp đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp phải chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể với từng cơ quan và xây dựng cơ chế phối hợp, kết nối trách nhiệm giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ quản lý.
Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức đúng đắn về chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp. Hiện nay, lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp hết sức mỏng dẫn đến nhiều công việc triển khai chậm hoặc khó triển khai vì thiếu cán bộ và nguồn lực. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức rõ ý nghĩa của việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp cũng như quan tâm và tạo điều kiện cả về nhân lực và vật lực để thực hiện chủ trương này một cách hiệu quả, bền vững.
Để thu hút, khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, cần có các biện pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho họ thành lập tổ chức và hoạt động như ưu đãi về thuế, hỗ trợ trong việc thuê cơ sở hạ tầng, hỗ trợ trong đào tạo nhân lực, tư vấn cho cá nhân, tổ chức lựa chọn lĩnh vực tham gia xã hội hóa. Các cơ chế, chính sách cần được quy định rõ, nhất quán và lâu dài tạo niềm tin và động lực thúc đẩy cá nhân, tổ chức mạnh dạn tham gia, đầu tư vào hoạt động bổ trợ tư pháp. Đặc biệt là có chính sách ưu đãi thu hút người có trình độ năng lực tham gia vào công tác giám định tư pháp.
Cùng đó, tăng cường quản lý nhà nước thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về bổ trợ tư pháp; phát huy vai trò tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Theo Bao Phapluat