ĐBQH Phạm Hồng Phong phân tích, người thi hành công vụ ở cơ quan tư pháp là một nghề nhiều rủi ro, chịu nhiều áp lực, lương thấp, phải chịu bồi thường thiệt hại thì “có cái gì đó chưa công bằng”...
Sáng 31-5, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước. Đáng quan tâm, ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) đề nghị cần mua bảo hiểm nghề nghiệp cho các chức danh tư pháp như thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.
Theo ông Phong, khoản 2 Điều 64 quy định trách nhiệm hoàn trả, nếu áp dụng trong thực tiễn sẽ có trường hợp người thi hành công vụ làm sai vừa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, vừa phải chịu trách nhiệm hoàn trả toàn bộ thiệt hại.
Ông Phong phân tích, người thi hành công vụ ở cơ quan tư pháp là một nghề nhiều rủi ro, chịu nhiều áp lực, lương thấp, phải chịu bồi thường thiệt hại thì “có cái gì đó chưa công bằng”.
Ví dụ với công chứng viên, luật sư, thẩm định viên về giá… luật qui định chủ sử dụng lao động có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và khi gây thiệt hại thì có công ty bảo hiểm đứng ra chi trả, họ không mất gì cả.
“Còn công chức ngành tư pháp, suy cho cùng họ cũng chỉ là những người làm công ăn lương, khi xảy sai sót, sai lầm trong nghề nghiệp thì không được chủ sử dụng “Nhà nước” bảo vệ mà phải tự mình gánh chịu, có khi bán tài sản của vợ con chưa chắc đã bồi thường đủ”, ông Phong nói.
Vì vậy, ông Phong đề nghị mua trách nhiệm nghề nghiệp cho người thi hành công vụ và chỉ buộc người gây thiệt hại mà xác định có tư lợi cá nhân mới phải có trách nhiệm hoàn trả cho nhà nước.
Đồng thời, ông Phong đề nghị phải xác định cụ thể hơn nữa người có trách nhiệm hoàn trả, bổ sung nguyên tắc xác định lỗi của từng người thi hành công vụ và trường hợp nào là nhiều người thi hành công vụ gây thiệt hại, để tránh tùy tiện và đùn đẩy khi nhiều người cùng có trách nhiệm hoàn trả.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp thuộc trách nhiệm của nhiều người tiến hành tố tụng, quy định cụ thể về việc Hội đồng xác định trách nhiệm hoàn trả.
Theo UBTVQH, quy định cụ thể về trách nhiệm hoàn trả là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ và xác định rõ trách nhiệm của họ đối với những thiệt hại mà Nhà nước đã phải bồi thường.
Tuy nhiên, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ cần căn cứ vào nguyên tắc xác định mức độ lỗi theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời có tính tới khả năng hoàn trả cũng như bảo đảm mức độ hợp lý để người thi hành công vụ có thể tiếp tục yên tâm làm việc.
Theo Dự thảo, mức hoàn trả được xác định căn cứ vào mức độ lỗi của người thi hành công vụ và số tiền Nhà nước đã bồi thường. Trong mọi trường hợp Nhà nước đã bồi thường, người thi hành công vụ nếu có lỗi đều có trách nhiệm hoàn trả.
Hoàn cảnh kinh tế của người thi hành công vụ chỉ là một trong những điều kiện để xác định giảm mức hoàn trả chứ không phải là căn cứ để xác định trách nhiệm hoàn trả. Quy định về mức khấu trừ vào tiền lương cũng được xác định trên nguyên tắc bảo đảm mức sống tối thiểu của người thi hành công vụ và gia đình của họ.
Đồng thời, Dự thảo đã bổ sung quy định về hoãn hoàn trả đối với người đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc phụ nữ đang mang thai theo quyết định của người đứng đầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.
Phát biểu tiếp thu ý kiến ĐBQH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường khi công chức gây thiệt hại là trách nhiệm của nhà nước, còn vấn đề bảo hiểm không mua thì các nước cũng đi theo xu hướng không mua bảo hiểm với công chức làm việc cho nhà nước.
Còn trong trường hợp công chức làm sai thì Nhà nước chịu trách nhiệm, cùng với đó có trách nhiệm hoàn trả theo các trường hợp khác nhau, căn cứ theo mức độ lỗi.
Theo PL&XH