Việc bắt 5 quan chức cấp cao của Cơ quan quản lý nhà đất Malaysia (Felda) vì tham nhũng 47,6 triệu ringgit (hơn 10,5 triệu USD) của Ủy ban chống tham nhũng Malaysia (MACC) được dư luận quan tâm. Bởi 5 quan chức kể trên bị bắt hôm 24-1, trong chiến dịch Ops Caviar tại các địa điểm khác nhau ở Klang Valley.
Người phát ngôn của MACC cho biết, nhiều tài sản có giá trị sẽ bị phát hiện và tịch thu hoặc đóng băng khi họ khám xét nơi ở và kiểm tra tài khoản cá nhân của 5 quan chức Felda, cũng như thân nhân của họ.
Được biết, nhân viên MACC đã thu giữ nhiều tài sản có giá trị trong quá trình bắt, khám xét nơi làm việc của 5 quan chức này, trong đó có ôtô hạng sang và đồ trang sức trị giá hàng triệu ringgit.
Những quan chức kể trên bị MACC điều tra với cáo buộc tham nhũng, lạm dụng chức vụ và sử dụng công ty liên kết với Chính phủ (GLC) vì mục đích cá nhân. Trước đó (6/1), tờ The Star dẫn thông báo của MACC, theo đó mọi công chức Malaysia và vợ nếu đăng ảnh những đồ hàng hiệu đắt tiền hoặc các kỳ nghỉ gia đình tốn kém lên mạng xã hội có thể bị "sờ gáy".
MACC cho biết, việc đăng lên mạng hình ảnh về những kỳ nghỉ tốn kém ở nước ngoài đã làm dấy lên câu hỏi, các quan chức có đang sống quá xa hoa so với thu nhập của họ hay không. MACC cho rằng, phong cách sống của một số quan chức không phù hợp với thu nhập của họ. Đồng thời nhấn mạnh, MACC có thể coi những hình ảnh đăng lên mạng xã hội là điểm khởi đầu cho các cuộc kiểm tra và nếu đủ chứng cứ, họ sẽ tiến hành những bước cần thiết tiếp theo.
Được biết, MACC đang theo dõi sát mọi hành động khoe của, nhất là trên Facebook và Instagram. Phó Trưởng ban MACC Azam Baki cho biết, việc theo dõi hơn 1,6 triệu công chức trên toàn quốc là một công việc khó khăn, nhưng ông tin rằng người dân sẽ là nguồn hỗ trợ đắc lực và hiệu quả của họ.
Tuyên bố của ông Azam Baki được đưa ra sau khi nhân viên MACC bắt giữ Tổng thư ký của một Bộ hôm 4/1 do tình nghi có hành vi tham nhũng. Quan chức này bị bắt tại nhà riêng ở USJ Subang Jaya, bang Selangor, sau đó được đưa đến Putrajaya để thẩm vấn với cáo buộc đã lợi dụng chức quyền để nhận hối lộ.
Hơn 2 tháng trước (22/11/2016), tờ New Straits Times dẫn nguồn tin từ MACC cho biết, họ đã ra lệnh tạm giam đối với 1 giám đốc cơ quan liên bang và 2 nhà thầu để điều tra xung quanh cáo buộc lạm dụng quyền lực và tham nhũng.
Nghi phạm kể trên đã được đưa tới trụ sở MACC để thẩm vấn, trong khi 12 tài khoản ngân hàng đứng tên người này cùng thân nhân với số tiền 889.000 ringgit (hơn 200.000 USD) bị phong tỏa.
Vụ tham nhũng lớn với số tiền mặt kỷ lục gây chấn động Malaysia từng được Phó Trưởng ban MACC Azam Baki thông báo gần 4 tháng trước. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 5-10/2016, ông Azam Baki cho biết, vụ tham nhũng này có tổng trị giá 112 triệu ringgit (khoảng 28 triệu USD), liên quan đến 4 đối tượng, trong đó có Giám đốc và Phó giám đốc của Sở cấp nước bang Sabah.
Đây là vụ bắt giữ lớn nhất liên quan đến công chức bởi trước đó các án tham nhũng chỉ giới hạn ở mức 10 triệu ringgit. Theo ông Azam Baki, MACC đã tịch thu 45 triệu ringgit của Giám đốc Sở cấp nước bang Sabah và 7,2 triệu ringgit của Phó giám đốc.
Và 30 nhân viên của MACC phải mất tới 15 tiếng mới đếm xong 52,2 triệu ringgit tiền mặt. 6 két an toàn chứa 2,5 triệu ringgit đã bị thu giữ, ngoài ra MACC còn đóng băng tài khoản trị giá 37 triệu ringgit của những công ty có liên quan tới 4 đối tượng kể trên. Ngoài tiền mặt, nhân viên MACC còn thu giữ nhiều xe hơi sang trọng trị giá khoảng 3 triệu ringgit, nhiều đồ trang sức, đồng hồ đắt tiền, 94 túi xách cao cấp, và 127 giấy phép sử dụng đất.
Phó Trưởng ban MACC Azam Baki còn cho biết, 2 quan chức kể trên bị nghi ngờ tham nhũng trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 3,3 tỷ ringgit từ năm 2010. Và theo kết quả điều tra ban đầu, 2 quan chức này đang gửi tiền ở một quốc gia láng giềng, MACC đã yêu cầu cảnh sát hỗ trợ làm rõ những nghi vấn kể trên.
Ngày 10/1, hãng Reuters dẫn nguồn tin từ cảnh sát Australia cho biết, họ chịu trách nhiệm điều tra các vi phạm luật hình sự của các công ty, công dân và cư dân Australia có liên quan đến bê bối tại Quỹ đầu tư nhà nước (1MDB) do Thủ tướng Malaysia Najib Razak thành lập năm 2009. Cảnh sát Australia cho biết, đang làm việc với các cơ quan hành pháp quốc tế để điều tra những công ty liên kết với 1MDB. Mấy năm qua, 1MDB trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra rửa tiền tại một số quốc gia như Malaysia, Thụy Sĩ, Singapore, Anh, Mỹ. Được biết, Chính phủ Malaysia đang dàn xếp để đóng cửa 1MDB vốn gây sóng gió đối với sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Najib Razak.
Theo Cảnh sát toàn cầu