Sáng 8/6, Quốc hội đã bấm nút thông qua luật Quốc phòng (sửa đổi) với 7 chương, 40 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Với 7 chương và 40 điều, luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi đại biểu bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về phạm vi, hoạt động phục vụ mục đích quốc phòng với việc làm kinh tế đơn thuần.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Với sắp xếp này sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần và phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác”, ông Võ Trọng Việt khẳng định.
Cũng theo giải trình, các đoàn kinh tế - quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người...
Ngoài ra, các đoàn này còn có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng.
Trước khi biểu quyết toàn bộ, Quốc hội cũng đã biểu quyết riêng về Điều 15 của luật Quốc phòng (sửa đổi). Trong đó quy định: Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng. Tại điểm c, khoản 2 điều này quy định: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan lập kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh; tổ chức, xây dựng khu kinh tế - quốc phòng; tổ chức, quản lý hoạt động của doanh nghiệp phục vụ quốc phòng và đơn vị quân đội được giao thực hiện nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng theo quy định của pháp luật, phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội cũng đồng ý giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Kết quả, 88,3% tổng số đại biểu có mặt tán thành biểu quyết luật Quốc phòng (sửa đổi).
Theo NĐT