LG. Nguyễn Văn Hậu – Phó CT Hội Luật gia TP.HCM: “Cần xử lý hình sự đối với vi phạm PCCC kể cả khi chưa có hậu quả xảy ra”

28/11/2016 13:20

(Pháp lý) - Thời gian qua có rất nhiều vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra trên địa bàn cả nước, gây thiệt hại lớn, trong đó có những vụ hỏa hoạn xảy ra tại một số chung cư cao tầng. Chung cư cao tầng nếu không đạt chuẩn về phòng cháy, chữa cháy ( PCCC), khi có hỏa hoạn, hậu quả sẽ khôn lường. Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó CT Hội Luật gia TP. HCM khuyến cáo và đề nghị cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự ( TNHS) đối với cá nhân , tổ chức vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy mà không cần phải có hậu quả xảy ra.

Chủ đầu tư bất động sản còn “lờ” quy định về PCCC

Phóng viên: Trong thời gian qua có rất nhiều vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra, trong đó có các vụ cháy đã xảy ra tại các chung cư cao tầng. Qua đó cho thấy rõ những yếu kém, bất cập trong công tác quản lý, việc tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy. Theo ông, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này nằm ở đâu?

Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam
Luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam)

Luật gia Nguyễn Văn Hậu: Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những vụ hỏa hoạn liên tiếp xảy ra tại các chung cư cao tầng và các khu dân cư. Theo tôi, có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, xuất phát từ sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, thiếu hiểu biết của chính những người dân trong việc xây lắp, sử dụng những thiết bị, vật dụng dễ gây ra cháy nổ trong gia đình, cụ thể:

Người dân thường rất chủ quan trong việc lắp đặt và sử dụng điện cho gia đình của mình như không ngắt điện các thiết bị điện khi ra khỏi nhà; tự ý câu, móc, lắp đặt thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế ban đầu; đầu nối dây dẫn điện không được kiểm tra thường xuyên dẫn đến chập mạch, quá tải…gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy.

Hiện nay có nhiều gia đình có thói quen thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã. Việc thắp hương thờ cúng và đốt vàng mã thiếu cẩn thận làm tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ.

Nhiều gia đình sử dụng khí gas trong đun nấu. Tuy vậy việc sử dụng gas không an toàn cũng dễ gây cháy nổ thiệt hại cho người và của.

Rất nhiều gia đình chưa có ý thức trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ hoặc có nhưng không biết sử dụng hoặc sử dụng không thành thạo đúng cách.

Nguyên nhân thứ hai, đặc biệt đối với những vụ hỏa hoạn ở nhà chung cư là do công tác phòng cháy chữa cháy ở nhà chung cư còn chưa được đảm bảo: hệ thống báo cháy kém chất lượng, không có hệ thống thoát hiểm, không trang bị phương tiện chữa cháy…do đó, nhiều vụ hỏa mặc dù có thể khắc phục được nhưng do phát hiện chậm trễ và không có phương tiện cũng như cách thức dập lửa đúng cách dẫn đến đám cháy lan rộng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng
Ngoài những nguyên nhân trên, thì cũng có nhiều trường hợp một số người còn cố tính sử dụng bảo quản phương tiện, hóa chất dễ gây cháy nổ vì mục đích cá nhân nào đó dẫn đến gây ra hỏa hoạn.

Thực tế, để tăng lợi nhuận, không ít chủ đầu tư đã không trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định. Tự ý chuyển đổi công năng, tính chất sử dụng của công trình nhưng không thẩm duyệt về PCCC. Nhiều công trình đã đưa vào hoạt động mà chưa được nghiệm thu về PCCC. Không những vậy, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu xử phạt hành chính thay vì tuân thủ các quy định về PCCC, đặc biệt là việc đầu tư, lắp đặt, hoàn thiện hệ thống PCCC của các tòa nhà cao tầng vốn chiếm một phần kinh phí không nhỏ làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của chủ đầu tư. Ý kiến của ông như thế nào về thực tế này?

Theo tôi, hành vi của những chủ đầu tư này là hết sức chủ quan và coi thường mạng sống của con người. Bởi lẽ, một điều không thể tranh cãi là khi có hỏa hoạn xảy ra, nếu không có phản ứng kịp thời thì thiệt hại về của và người là vô cùng thảm khốc, đặc biệt là đối với những khu nhà chung cư, với kiến trúc đặc thù, khó khăn cho việc thoát hiểm và dập lửa.

Chế tài đối với những hành vi trên hiện nay chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả. Và đúng là mức phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp trên còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe các chủ thể có trách nhiệm. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt, mà lơ là trách nhiệm về an toàn phòng cháy chữa cháy dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Còn bất cập trong các quy định pháp luật về PCCC

Có ý kiến cho rằng hiện nay, hành vi cố tình vi phạm các quy định về PCCC của một số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn chưa bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Đúng như Phóng viên nói, hiện nay các hành vi cố tình vi phạm các quy định về PCCC của các cá nhân, tổ chức đa phần là chỉ bị xử lý hành chính. Bởi lẽ, pháp luật hình sự hiện hành quy định chỉ khi nào mà những hành vi vi phạm pháp luật PCCC trên dẫn đến hỏa hoạn xảy ra và gây thiệt hại trên thực tế thì mới xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân liên quan, cụ thể Điều 240 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định “Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Do đó, đa phần các cá nhân tổ chức hoặc vì chủ quan, vì lợi nhuận hoặc cũng vì họ xem nhẹ các hình thức xử phạt hành chính hiện nay mà bỏ qua công tác an toàn PCCC. Vì vậy, trước thực tế hiện nay rất nhiều những vụ hỏa hoạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về người và của, thiết nghĩ, các cơ quan ban ngành có liên quan cần có phương án trình Quốc hội về việc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân tổ chức vi phạm an toàn PCCC mà không cần phải có hậu quả xảy ra để một mặt đảm bảo tính răn đe của pháp luật, mặt khác ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính thì còn quá nhẹ, còn chờ “có thiệt hại” xảy ra để truy cứu trách nhiệm hình sự thì mọi việc đã quá muộn màng, phòng ngừa vẫn là ưu tiên nhất.

Theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý cho rằng, hiện nay Luật Phòng cháy và chữa cháy còn nhiều lỗ hổng, bất cập… đã khiến việc chấp hành pháp luật về PCCC còn lơ là. Theo ông, Luật Phòng cháy và chữa cháy cần sửa đổi, bổ sung gì nhằm bịt những lỗ hổng, bất cập này? Cụ thể những điều luật nào cần sửa đổi, bổ sung?

Luật phòng cháy chữa cháy 2001 đã được sửa đổi bổ sung năm 2013 và có hiệu lực từ 01/07/2014 đã khắc phục được rất nhiều những hạn chế bất cập của Luật cũ như: Chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc chỉ đạo, tuyên truyền, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC; chưa quy định cụ thể, đầy đủ về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với các loại hình công trình đặc thù về cháy, nổ; chưa quy định đầy đủ, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC…

Không ít chủ đầu tư BĐS sẵn sàng chịu phạt hành chính thay vì tuân thủ các quy định về PCCC ( ảnh minh họa)
Không ít chủ đầu tư BĐS sẵn sàng chịu phạt hành chính thay vì tuân thủ các quy định về PCCC ( ảnh minh họa))

Tuy nhiên, thực tế, sau hơn 2 năm có hiệu lực thì Luật phòng cháy chữa cháy sửa đổi cũng còn một số vấn đề còn tồn đọng, đơn cử là về phía lực lượng Cảnh sát PCCC, ngoài các chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này được quy định trong Luật thì nhiều nhiệm vụ quan trọng khác như công tác cứu nạn, cứu hộ PCCC... còn được quy định tại các văn bản dưới luật nên cơ sở pháp lý không cao.

Hiện nay, Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy đã quy định về nguyên tắc hoạt động cứu nạn, cứu hộ; các tình huống cơ bản trong cứu nạn, cứu hộ; về lực lượng và nhiệm vụ của lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ; cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên đến nay công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do còn thiếu cơ sở pháp lý. Quyết định trên mặc dù đã tạo được cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng này nhưng phạm vi điều chỉnh chưa mang tính bao quát để điều chỉnh các vấn đề phát sinh trong thực tiễn hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC quy định tại Quyết định này vẫn còn nhiều bất cập về tổ chức, hoạt động cứu nạn, cứu hộ, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ, thống nhất chỉ huy, điều hành trong cứu nạn, cứu hộ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác cứu nạn, cứu hộ
Vì thế, cần cụ thể hóa những quy định trên thành trong những văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn như Luật và Nghị định để tạo hành lang pháp lý cho các đơn vị này thực hiện có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của mình.

Khuyến cáo đối với các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản

Ngoài Luật Phòng cháy và chữa cháy cần sửa đổi, bổ sung thì theo ông, Luật Kinh doanh bất động sản vừa có hiệu lực vừa qua đã quy định về PCCC chặt chẽ chưa? Cần chỉnh sửa, bổ sung gì không?

Thực tế, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực từ 01/07/2015 không quy định cụ thể về công tác PCCC của các chủ thể có liên quan. Tuy nhiên, Luật Phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013 đã quy định về đối tượng áp dụng là tất cả “Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải tuân thủ các quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; trong trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”, trong đó bao gồm các chủ thể trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Do đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản tại Việt Nam cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh bất động sản tại Việt Nam mặc nhiên phải có nghĩa vụ tuân thủ những quy định về PCCC của pháp luật PCCC trong mọi hoạt động của mình.

Ông có khuyến cáo gì cho người dân cũng như các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản hiện nay về những hệ lụy có thể gặp phải khi sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng không đạt chuẩn về PCCC?

Như tôi đã đề cập ở trên, nếu sống chung cư, nhà cao tầng không đạt chuẩn về PCCC thì một khi có hỏa hoạn xảy ra, hậu quả sẽ rất khôn lường. Bởi vì đặc thù của chung cư, nhà cao tầng là khó thoát hiểm, lửa dễ bắt và lan rộng, khó dập tắt…

Do đó, đối với người dân khi sống và làm việc ở những nơi này cần có ý thức bảo vệ mình trước tiên.

Thứ nhất, các hộ dân trong nhà chung cư cần tiến hành họp hội nghị nhà chung cư để yêu cầu ban quản lý nhà chung cư đề xuất lên chủ đầu tư về việc trang bị hệ thống PCCC(còi báo động, hệ thống thoát hiểm, bình cứu hỏa, đội ngũ cứu hỏa…), vì đây là quyền lợi của người dân được pháp luật bảo hộ.

Thứ hai, từ những nguyên nhân đã phân tích ở trên, những người dân cần có ý thức cẩn trọng trong việc lắp đặt, sử dụng bảo trì các phương tiện, vật dụng dễ gây cháy nổ (điện, gas, đồ dùng điện tử…) và cần hạn chế các thói quen sinh hoạt dễ gây cháy nổ như: thắp hương, đốt vàng mã, không tắt các thiết bị điện khi ra ngoài…

Cuối cùng, mỗi người dân cần trang bị cho mình về kiến thức cơ bản để tự bảo vệ bản thân khi có sự cố xảy ra để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.

Mặt khác, đối với các chủ đầu tư, trong hoạt động đầu tư kinh doanh của mình, tôi nghĩ là không nên vì cái lợi trước mắt mà bỏ qua công tác PCCC khi xây dựng một dự án. Bởi vì, một khi có hỏa hoạn xảy ra, thì thiệt hại về vật chất có thể là con số không tưởng lớn gấp nhiều lần số tiền phải bỏ ra để đảm bảo an toàn PCCC và cả số tiền nộp phạt (nhiều vụ hỏa hoạn trên thực tế đã chứng minh) chưa kể thiệt hại về người là không thể nào bù đắp được. Do đó, nếu cho rằng việc nộp phạt sẽ “lời” hơn rất nhiều so với việc trang bị hệ thống PCCC thì đây là quan điểm sai lầm. Các nhà đầu tư phải ý thức rõ về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn trong PCCC.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Trang – Hoài Anh

Bạn đang đọc bài viết "LG. Nguyễn Văn Hậu – Phó CT Hội Luật gia TP.HCM: “Cần xử lý hình sự đối với vi phạm PCCC kể cả khi chưa có hậu quả xảy ra”" tại chuyên mục Kinh doanh & Pháp luật. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin