Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Gia Lai đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).
Ngày 9/6, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018) và tuyên dương gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2018.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước;…
70 năm trước, vào ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và từ năm 2008 ngày 11/6 là ngày truyền thống thi đua yêu nước.
Phát biểu ôn lại truyền thống, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mục đích của thi đua ái quốc là “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; cách làm là dựa vào “lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”.
Tại Sài Gòn – Gia Định, các phong trào yêu nước mãi là trang sử vàng, là sức mạnh to lớn, cùng với cả dân tộc làm nên những chiến thắng lịch sử vẻ vang, giành trọn vẹn độc lập và thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ đổi mới, TPHCM đã dấy lên các phong trào thi đua tiêu biểu như: Xóa đói giảm nghèo; xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; lao động giỏi, lao động sáng tạo; xây dựng nông thôn mới; Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; Vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc… Nhiều phong trào thi đua của thành phố là hình mẫu để nhân rộng ra nhiều địa phương trong cả nước.
Từ thực tiễn cho thấy, thi đua yêu nước theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là động lực để khơi dậy và phát huy các sáng kiến, sức sáng tạo vô tận của con người, biến những điều tưởng như con người không thể làm được thành những điều có thể trong thực tế, tạo ra sức mạnh tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ý nghĩa quan trọng nhất về mặt thực tiễn của thi đua yêu nước ở chỗ: Sức mạnh của các phong trào thi đua yêu nước không phải chỉ là khẩu hiệu kêu gọi mà chính là việc nêu gương, tôn vinh những con người, những tập thể tiêu biểu, điển hình tiên tiến xuất sắc. Qua đó, thúc giục thế hệ người Việt Nam hôm nay luôn sống, lao động và học tập có ích cho đất nước; đốt cháy sáng lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước, tinh thần sẵn sàng cống hiến, thậm chí sẵn sàng xả thân vì cuộc sống bình yên và tươi đẹp của nhân dân.
Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức phát huy vai trò trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành thực hiện phong trào thi đua yêu nước.
Nội dung, phương thức tổ chức phong trào thi đua phải đổi mới, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, để làm đòn bẩy, tạo động lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ. Phong trào phải có chủ đề, nội dung tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu và nhiều đối tượng có thể tham gia.
Đồng thời, tiếp tục phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Cùng với đó, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác khen thưởng, đảm bảo khen thưởng phải đúng quy định, chính xác, kịp thời; chú trọng đến giải quyết dứt điểm khen thưởng kháng chiến, tăng cường khen thưởng đột xuất và phát hiện nhân tố mới, nhất là những người lao động trực tiếp, doanh nhân, công nhân, nông dân.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ năm 2017 cho 12 tập thể tiêu biểu.
Đồng thời, 143 tập thể và 135 cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua của TPHCM giai đoạn 2015 – 2018 đã được TPHCM vinh danh tuyên dương vì có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua.
Cùng ngày, tại Gia Lai, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc; trao tặng, truy tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 1 tập thể và 1 cá nhân; phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 6 mẹ và Huân chương lao động, Cờ thi đua của Chính phủ cho 9 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua của tỉnh Gia Lai.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...
Phó Chủ tịch nước đề nghị Gia Lai tiếp tục phát huy lợi thế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo đột phá về tốc độ phát triển kinh tế xã hội; quan tâm hơn nữa tới nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động ở vùng sâu, vùng xa, tiếp tục giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh-quốc phòng.
Cùng với đó, tỉnh cần chú trọng phát triển các nhân tố tiêu biểu tại các làng, bản, khu dân cư; xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương khởi nghiệp, quan tâm kịp thời những tập thể, cá nhân có những sáng kiến tạo đột phá về năng suất, chất lượng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng...
Gia Lai có 17 đơn vị hành chính với hơn 1,5 triệu dân, trong đó gần 45 % là đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng an ninh.
Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của tỉnh luôn đạt ở mức cao, giai đoạn 2010-2015 đạt trên 12%, thu nhập bình quân đầu người vượt 42 triệu đồng/người/năm tăng gấp 58 lần so với năm 1991.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 13, 34%, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng căn cứ cách mạng được cải thiện.
Theo Congly