Làn sóng Covid thứ hai: Chính sách hỗ trợ cần sửa đổi thế nào?

17/08/2020 08:30

(Pháp lý) - Cuối tháng 7/2020, trong khi nền kinh tế còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh covid thì xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi , dự báo tạo thêm những “cú sốc” mới với cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, Phóng viên Tạp chí Pháp lý đã có trao đổi với các chuyên gia kinh tế, với cùng một quan điểm: Việc cần ưu tiên hiện nay là Chính phủ và các cấp các ngành, các địa phương cần kiểm soát tốt dịch bệnh, bởi không kiểm soát được dịch bệnh thì mọi chính sách hỗ trợ đều vô nghĩa. ..Song hành với giải pháp đó cũng cần gấp rút có chính sách hỗ trợ thiết thực trên cơ sở rút kinh nghiệm việc ban hành và thực thi chính sách từ giai đoạn 1.

Giai đoạn đầu của dịch bệnh: Chính sách ban hành nhanh, nhưng thực thi chậm và nhiều bất cập…

Trong giai đoạn dịch bệnh đầu tiên, các gói hỗ trợ được lên kế hoạch vào thời điểm một số lĩnh vực kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm trước những ảnh hưởng từ dịch COVID-19, cho thấy sự linh hoạt và nhanh chóng của các nhà hoạch định chính sách.

Cụ thể như chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch; Hỗ trợ thanh khoản, duy trì việc cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay…

Ngoài ra là miễn giảm các khoản đóng góp bảo hiểm y tế và xã hội; Chính sách miễn giảm thuế phí được áp dụng cho đến khi dịch bệnh chấm dứt, thị trường hồi phục; Chính sách miễn, giảm thuế, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ…

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được các gói hỗ trợ. Chưa kể, với việc thủ tục phải mất vài ba tháng mới xác nhận xong, khi đó đã qua thời điểm cần hỗ trợ…

Đơn cử 1 ví dụ: Dệt may là một trong số ngành chịu tác động mạnh trực tiếp từ dịch Covid-19 khi thị trường tiêu thụ bị “đóng băng”, 70% đơn hàng xuất khẩu bị tạm hoãn hoặc hủy. Theo báo cáo của Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ngay cả khi dịch bệnh toàn cầu được khống chế vào cuối tháng 5, dự kiến Vinatex vẫn sẽ mất khoảng 1.000 tỷ đồng (42,4 triệu USD), gấp đôi lợi nhuận ròng 510 tỷ đồng của Tập đoàn này trong năm 2019. Do đó, đại diện Vinatex nhận định, hơn lúc nào hết, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ là rất cần thiết, liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Vinatex xác nhận, tới nay các doanh nghiệp thành viên vẫn không thể áp dụng được gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng dành cho lao động tạm hoãn hay mất việc làm. Bà Hạnh lý giải: “Điều 5 Quyết định 15/2020/QĐ-TTg thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng có nêu, các đối tượng thụ hưởng phải là người làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, lao động tự do bị mất việc làm (50%). Song, một nghịch lý rằng, các doanh nghiệp trong Tập đoàn, nếu để mất việc làm tới 50% thì tương đương với phá sản bởi lao động chính là xương sống của ngành dệt may”.

Cần có những chính sách hỗ trợ với các doanh nghiệp lớn, bởi họ cần chi phí nhiều nhưng lại gặp nhiều khó khăn trước và sau dịch bệnh (Trong ảnh là máy bay của hãng Vietjet Air

Trước thực tế trên, bà Hạnh cho rằng, cần có những giải pháp “linh hoạt” cho từng ngành nghề để tránh bất cập trong tiếp cận gói hỗ trợ, khiến doanh nghiệp phải “bó tay” trước các điều kiện. “Chúng tôi đã kiến nghị với Chính phủ về việc thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất mà doanh nghiệp nào đã nộp cho năm 2019 nên được trừ vào các phí cần đóng như: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… của năm 2020. Đặc biệt, kiến nghị miễn luôn cho doanh nghiệp việc trả chậm hai loại quỹ hưu trí và tử tuất trong bảo hiểm xã hội bởi trong nhiều năm, doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội rất đầy đủ rồi, nay có khó khăn thì nên miễn để doanh nghiệp dùng tiền đó nuôi công nhân trong hiện tại”, bà Hạnh đề xuất.

Ngành vận tải cũng lao đao trước tác động của đại dịch. Trao đổi với báo chí, ông Dương Chí Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Taxi G7 lắc đầu cười trừ: “Không biết trả lời ra sao! Anh em vẫn nói với nhau “lên ti vi mà nhận”, tưởng đùa mà hóa thật”!

Theo ông Thanh, G7 có hơn 1.400 nhân viên lái xe, tuy nhiên tới nay mới có khoảng 20 người được Sở GTVT Hà Nội hỗ trợ theo diện đối tượng tiếp xúc với nguồn bệnh phải cách ly. “Theo quy định cách ly toàn bộ nhân viên G7 nghỉ làm 22 ngày từ 1 - 22/4, tiếp theo chỉ được phép hoạt động trở lại với công suất 30%. Trước đó trong tháng 2 và tháng 3 công ty đã phải cho nghỉ việc luân phiên. Tuy nhiên, khi đối chiếu theo quy định hỗ trợ, các cơ quan ban ngành nói phải nghỉ việc ít nhất 1 tháng, người lao động mới được nhận hỗ trợ. Ngoài ra trong hồ sơ phải có thỏa thuận dừng hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động, trong khi ngày 1/4 bắt đầu cách ly thì ngày 31/3 mới có quyết định khiến doanh nghiệp trở tay không kịp. Điều kiện không có doanh thu từ ngày 1/1 - 31/3/2020 cũng phi thực tế bởi chúng tôi dù khó khăn vẫn phải hoạt động cầm chừng.

Về chính sách tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội, ông Thanh cho rằng, “có cũng như không”. “Muốn chốt sổ hay thêm sổ mới cho nhân viên, quy định vẫn phải nộp đủ 100% bảo hiểm, vậy nên công ty lại phải cố ứng tiền để đóng. Vậy nên nói là hoãn nhưng thực chất vẫn không được chậm ngày nào”, lãnh đạo G7 chia sẻ.

Trước thực tế như vậy, ông Thanh bày tỏ mong chính sách của cơ quan nhà nước “sát thực tế hơn”. “Chính sách hỗ trợ cứ khơi khơi vậy thôi chứ không thể tới tay doanh nghiệp. Ngay cả cán bộ ban ngành hướng dẫn cũng lúng túng như gà mắc tóc bởi không có hướng dẫn chi tiết. Trong khi đó, hoạt động tại các doanh nghiệp lại phát sinh nhiều đặc thù, khó có thể đáp ứng các điều kiện chung chung trong gói hỗ trợ. Thủ tục khá nhiêu khê, rắc rối khiến doanh nghiệp cứ phải chạy qua chạy lại tốn thời gian và nhân lực”, ông Thanh nói.

Về chính sách thuế ở giai đoạn 1 của dịch covid, nhiều DN, kể cả những DN lớn kiến nghị mong được giảm thuế VAT , nhưng đến nay chưa được xem xét. Quốc hội mới quyết giảm thuế thu nhập DN. Nhưng khó khăn như vậy, nhiều DN phải giải thể, thua lỗ thì lấy đâu ra lợi nhuận để nộp thuế TNDN. Còn việc cho các DN hoãn, giãn nộp thuế VAT đến cuối năm, nhưng nhiều DN cũng không mặn mà với chính sách này , vì trước sau gì vẫn phải nộp loại thuế này chứ có được miễn hay giảm đâu…

Chính sách hỗ trợ cần sửa đổi thế nào?

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khi trao đổi với Phóng viên Pháp lý đã thẳng thắn: Thực trạng hiện nay, rõ ràng tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, đã có những phát sinh mới ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc đó không làm ta bất ngờ bởi nằm trong bối cảnh chung của thế giới.

Chuyên gia kinh tế, Ts. Cấn Văn Lực

Nguyên nhân của hiện tượng trên là do hoạt động quản lý nhập cư của chúng ta còn hạn chế. Tuy nhiên, tôi tin rằng dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát của Việt Nam. Mức độ tác động của dịch bệnh với kinh tế, xã hội sẽ được giảm thiểu. Ở một số địa phương, có tình trạng phong tỏa, bán phong tỏa… điều đó sẽ ảnh hưởng nhất định đến kinh tế. Gần đây, có nhiều dự báo kinh tế trong năm 2020 sẽ tăng trưởng khoảng 3%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại có thể tăng trưởng chỉ đạt 1,5%.

Tôi cho rằng, ưu tiên số 1 của Chính phủ thời gian này là cần kiểm soát tốt nhất tình trạng dịch bệnh bởi nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì mọi chính sách nhằm thúc đẩy hay hỗ trợ phát triển kinh tế sẽ vô nghĩa.

Trong đợt 1 của dịch covid, tình hình doanh nghiệp rất khó khăn. Theo dõi tình hình dịch bệnh , tình hình doanh nghiệp, con số doanh nghiệp đóng cửa 32,8%. Đa số trong đó là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tôi nhận thấy các gói hỗ trợ doanh nghiệp ban hành sớm nhưng triển khai chậm. Gói 62 nghìn tỉ, giải ngân ít. Gói cho vay đối với doanh nghiệp tuy có, nhưng doanh nghiệp không vay được. Đến tháng 6/2020 mới có cho giãn 8000 nghìn tỉ tiền thuế, trong khi nhu cầu được giãn thuế là 43 nghìn tỉ. Nhiều doanh nghiệp không mặn với chính sách trên vì không có lãi thì lấy đâu mà nộp thuế?

Trong bối cảnh hiện tại, theo tôi Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội để giãn, hoãn thuế dài hơn (Hiện mới có kế hoạch giãn thuế khoảng 6 tháng, cho phép giãn thuế đến 12 tháng thuộc thẩm quyền của Quốc hội – PV).

Chính phủ cần cân nhắc sửa đổi các quy định theo hướng mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi. Trước đây, ta giãn, hoãn nộp thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phải giãn hoãn thuế đối với cả những doanh nghiệp lớn bởi họ tạo nhiều việc làm cho lao động và bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Ví dụ như các doanh nghiệp hàng không, chí phí cố định của doanh nghiệp hàng không lớn nhưng hiện họ chỉ thu về rất ít. Quay trở lại sản xuất, doanh nghiệp chỉ thu được 30% lưu lượng bay nội địa nhưng doanh thu quốc tế không còn. Các doanh nghiệp lớn không chỉ là VietNam Airline mà còn là VietJet, BamBoo Arway.

Ngoài mở rộng đối tượng nhận hỗ trợ thì thời hạn nhận được hỗ trợ cũng cần được kéo dài hơn.

Ông Cấn Văn Lực cũng kiên trì với đề xuất nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ để họ có vốn để vượt qua khó khăn bởi hiện chúng ta có chính sách nhưng chưa linh hoạt. Chính phủ cần bơm vốn cho Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ – Quỹ này hiện có hơn 2000 tỉ nhưng giải ngân chậm.

Từ kinh nghiệm quốc tế, cần tăng cường hiệu quả của các quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp. Chính Phủ của nhiều nước trên thế giới đang đi theo hướng này để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội đã từng chia sẻ về “kịch bản” dịch bệnh kéo dài hơn như hết quý II hoặc quý III/2020. Vị chuyên gia này cho rằng, Chính phủ có thể áp dụng một số chính sách miễn giảm thuế hoặc cho phép các tỉnh, thành sử dụng quỹ dự trữ tài chính địa phương để hỗ trợ các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ cho những doanh nghiệp thuộc những ngành nghề bị ảnh hưởng…Đây là chính sách Chính phủ có thể cân nhắc để bảo tồn được năng lực sản xuất tại những ngành nghề chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Ở kịch bản có thể nói tệ nhất, trong trường hợp nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến nguy cơ suy thoái, vị chuyên gia cho rằng, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân .

Giải pháp này theo ông Đinh Tuấn Minh, không những vẫn đảm bảo cân bằng ngân sách mà còn khuyến khích người dân tăng tiết kiệm, bỏ tiền đầu tư mở rộng sản xuất cũng như thu hút đầu tư nước ngoài tốt hơn, qua đó nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục trở lại. Một cải cách toàn diện như vậy có thể sẽ gặp nhiều phản ứng trong giai đoạn bình thường nhưng có thể sẽ dễ dàng được thông qua trong giai đoạn dịch bệnh vừa kết thúc.

Chia sẻ với Phóng viên Pháp lý kể từ khi dịch covid bùng phát đến nay, nhiều chuyên gia và Doanh nhân mong muốn đối với chính sách kinh tế nói chung, chính sách thuế và bảo hiểm nói riêng hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên xem xét giảm thuế VAT và giảm mức đóng các chế độ bảo hiểm xã hội cho Doanh nghiệp. Đó là chính sách khoan sức Doanh nghiệp, khoan sức dân thiết thực nhất hiện nay.

Phan Minh

Bạn đang đọc bài viết "Làn sóng Covid thứ hai: Chính sách hỗ trợ cần sửa đổi thế nào?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin