Làm thế nào để khắc phục yếu kém trong phát hiện tham nhũng?

(Pháp lý) - Quy định dù có đủ, có hoàn thiện đến đâu, nhưng nếu không có các cơ quan kiểm tra, giám sát thực sự khách quan, công tâm, hoặc không quy định rõ các chế tài cụ thể... thì khó có thể phát hiện được tham nhũng mà chống tham nhũng kịp thời.

Thanh tra giám sát nội bộ kém… đã “nảy nở” nhiều đại án trong ngành ngân hàng

Thời gian gần đây, xảy ra những đại án trong ngành ngân hàng gây rúng động xã hội. Có thể kể đến như đại án Huỳnh Thị Huyền Như tại Ngân hàng Vietinbank làm thiệt hại thất thoát hơn 4000 tỉ đồng của cá nhân tổ chức; Đại án tại Ngân hàng VNCB thiệt hại hơn 9000 tỉ và các đại án với con số thiệt hại không hề nhỏ ở Ngân hàng Agribank; Ngân hàng Oceanbank... Một trong những nguyên nhân chính để xảy ra đại án là do việc quản lý, kiểm tra nội bộ yếu kém của ngành ngân hàng.

Đại án tại Ngân hàng Xây dựng là thiệt hại đau xót để lại nhiều bài học cho ngành ngân hàng. Trước đó, trong quá trình Trustbank tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước đã bố trí một tổ giám sát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đặt ở ngân hàng này. Thế nhưng, tổ giám sát đặt tại TrustBank (sau đổi tên thành VNCB) đã không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong việc giám sát, để Phạm Công Danh rút hơn 18.000 tỉ đồng, trong đó có 15.670 tỉ đồng không thể thu hồi được. Hành vi thiếu trách nhiệm của tổ giám sát là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến hậu quả xảy ra tại VNCB.

 Thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ yếu kém, nên thời gian qua, ngành ngân hàng “nảy nở” nhiều đại án (ảnh: Quang cảnh phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Oceanbank)
Thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ yếu kém, nên thời gian qua, ngành ngân hàng “nảy nở” nhiều đại án (ảnh: Quang cảnh phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Oceanbank))

Ngày 1/9/2017, Thanh tra Chính phủ ra kết luận về hệ thống tổ chức và Thanh tra ngành ngân hàng. Theo đó, kết luận chỉ ra hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp tiến hành thanh tra đồng bộ và kịp thời. Không rà soát và phối kết hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động. Đồng thời, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm; chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả.

Theo kết luận thanh tra, công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa tổng hợp và phân tích sâu sắc các báo cáo của tổ chức tín dụng để đánh giá chính xác các nội dung: diễn biến về cơ cấu tài sản nợ và tài sản có; chất lượng tài sản có; vốn tự có; tình hình thu nhập, chi phí và kết quả kinh doanh; Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao trong việc phát hiện các tiềm ẩn rủi ro, chưa đánh giá nguy cơ tiềm ẩn đối với các tổ chức tín dụng; chưa phát huy được hiệu quả của vai trò cảnh báo hệ thống.

Nội bộ các ngành, địa phương yếu trong khâu tự phát hiện tham nhũng

Không chỉ ngành ngân hàng, thời gian qua, tại các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng đã xảy ra các đại án kinh tế gây thất thoát lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân, gây nhức nhối dư luận. Tuy nhiên, công đầu trong việc phát hiện tham ô, tham nhũng tại các cơ quan này không phải là của cơ quan thanh tra mà là từ báo chí, hoặc đơn tố cáo của công dân. Vụ Vinashin, Vinaline qua hàng chục lần thanh tra nhưng không đưa được quan chức tham nhũng nào ra ánh sáng, không kết luận sai phạm rõ ràng khi có vi phạm ở mức độ nghiêm trọng xảy ra.

Tình hình tham nhũng theo các nghiên cứu của các tổ chức độc lập ở các địa phương được đánh giá là phức tạp hơn. Tuy nhiên, tự thanh tra nội bộ ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, hay các bộ ngành như Công thương, Y tế... hầu hết đều khẳng định hầu như không có tham nhũng. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội cho biết năm 2015, thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã triển khai 374 cuộc thanh tra, trong đó có 225 cuộc theo kế hoạch và 149 cuộc đột xuất, đã kết luận 269 cuộc thanh tra. Kết quả thanh tra đã phát hiện sai phạm 1.173 tỉ đồng, kiến nghị thu hồi 114 tỉ đồng, kiến nghị khác 1.058 tỉ đồng. Tuy vậy nhưng báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2015 của UBND TP gửi HĐND TP Hà Nội nêu rõ “qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm tham nhũng”.

Trước đây, trả lời báo chí ông Phạm Anh Tuấn (Ban nội chính Trung ương) đã cho rằng, hiệu quả yếu của các cuộc thanh tra gây băn khoăn trong dư luận xã hội. Ở đây hiểu rằng có địa phương báo cáo qua kiểm tra nội bộ chưa phát hiện tham nhũng, có địa phương lại báo cáo qua thanh tra và kiểm tra nội bộ chưa phát hiện. Có thể các cơ quan chức năng ở địa phương từ bên ngoài vẫn phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật, nhưng từ bên trong, từ nội bộ thì khâu tự phát hiện rất yếu. Một khâu yếu khác lâu nay là qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phát hiện sai phạm kinh tế nhiều nhưng xử lý theo pháp luật - trong đó có xử lý hình sự - là ít, không tương xứng. Vì vậy Bộ Chính trị đã có yêu cầu các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm qua thanh tra, kiểm toán thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, hạn chế lạm dụng xử lý kỷ luật, hành chính, kinh tế thay cho xử lý bằng pháp luật hình sự.

 Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến băn khoăn về chế tài dành cho các vi phạm về thanh tra, giám sát, kiểm tra tham nhũng.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến băn khoăn về chế tài dành cho các vi phạm về thanh tra, giám sát, kiểm tra tham nhũng.)

Làm thế nào để giảm yếu kém trong phát hiện tham nhũng?

Qua nghiên cứu, ở bản dự thảo mới nhất Luật PCTN, hầu như không có quy định mới về hoạt động Thanh tra nội bộ của cơ quan nhà nước trong kiểm tra, phòng ngừa tham nhũng. Điều 68 giữ nguyên quy định cũ: “Công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị (giữ nguyên): Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và cán bộ, công chức, viên chức khác do mình quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng; Cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý; Khi phát hiện hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền”. Đây là một quy định rất cần được nghiên cứu, bổ sung để phù hợp với yêu cầu PCTN trong tình hình mới.

Những thực tế nêu ở trên cho thấy thách thức lớn hiện nay trong công cuộc phòng, chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng. Hiện dự thảo Luật giao cho nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của nhà nước ta tham gia hoạt động PCTN như cơ quan của Đảng, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến (Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội) băn khoăn: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ, phải tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị đã xác định cần nhất thể hóa một số cơ quan nhằm “tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị… Có lẽ trong hoàn cảnh đó, Luật cần cụ thể hóa vai trò PCTN của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan của Đảng là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế thì có những cơ quan PCTN không được quy định trong Luật nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ PCTN.

Luật quy định về việc kiểm tra giám sát tham nhũng thì phải quy định chế tài rõ ràng nếu kiểm tra, giám sát không nghiêm hay có vi phạm. Ở các Luật như Luật giám sát của Quốc hội, Luật Giám sát của Hội đồng nhân dân đều quy định giám sát các hoạt động PCTN. Hầu hết các cuộc giám sát đưa ra Nghị quyết nhưng cơ chế để thực hiện còn yếu. Sau mỗi cuộc giám sát đều đưa ra các kiến nghị nhưng kiến nghị xong rồi để đó bởi Luật chưa quy định chế tài cụ thể, dẫn đến hiệu quả, hiệu lực của giám sát còn hạn chế. Dù đồng tình với những quy định sát thực tế của Luật PCTN liên quan đến kê khai tài sản, quy định về người thân hay quy định về vai trò giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương… tuy nhiên, LG. Tuyến vẫn lo ngại vì thiếu chế tài nên hiệu quả thực thi các các quy định sẽ rất hạn chế.

Trong chương V của dự thảo Luật mới nhất đã cụ thể hóa trách nhiệm của từng cơ quan có nhiệm vụ trong PCTN như Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra ngành Tòa án… Tuy nhiên, Thạc sĩ Đặng Đình Luyến lại băn khoăn: Dự thảo Luật giao trách nhiệm cho nhiều cơ quan trong PCTN, nhưng còn nặng tính phòng ngừa. Công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra lại trùng lặp ở một số cơ quan. Điều hạn chế nữa là dự Luật quy định Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm giống nhau trong PCTN nên cần sửa đổi “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Luật, Nghị quyết của Quốc hội về PCTN;

Trường hợp cần thiết, Quốc hội quyết định thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng và được xã hội quan tâm theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác PCTN trong phạm vi cả nước”. Và hiện Luật đang quy định nhiều cơ quan có nhiệm vụ PCTN nên ông Luyến đề xuất cần quy định rõ ràng cơ chế phối hợp của các cơ quan PCTN.

Minh Minh

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin