“Anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên bị sát hại chỉ bằng một loại chất lỏng được xịt ra khăn tay, vuốt qua mặt. Luật hình sự làm sao phải có những quy định để lường trước những vấn đề có thể phát sinh như vậy” - Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề cập.
Ngăn chặn tài trợ khủng bố, rửa tiền, phát triển vũ khí giết người…
Sáng 20/2, mở đầu phiên họp thứ bảy, UB ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH14. Nhiều vấn đề về quan điểm, kỹ thuật được đặt ra.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có ý kiến đề nghị mở rộng trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với Tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và Tội rửa tiền (Điều 324). Thường trực Uỷ ban Tư pháp thấy, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với hai tội trên đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến trước khi quyết định.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên, có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Tán thành quan điểm quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền nhưng Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cũng phân tích, việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nguyên tắc là cần phải tuân theo thông lệ quốc tế.
“Khi các tổ chức tín dụng, tài chính thế giới phát hiện các ngân hàng Việt Nam tham gia việc chuyển tiền của các tổ chức khủng bố hoặc tham gia vào việc rửa tiền, người ta sẽ siết chặt hoạt động và nếu vi phạm nghiêm trọng thì sẽ phạt tiền các ngân hàng. Có vụ việc ngân hàng bị phạt đến hàng trăm triệu USD. Nếu các ngân hàng thế giới làm sai thì chúng ta cũng phải phạt, quy định như thế này là hợp lý” – Chánh án TAND tối cao nói.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, cần phải xem xét thêm, đánh giá kỹ vì hoạt động tài trợ khủng bố và rửa tiền còn nguy hiểm hơn nhiều hoạt động khác.
Về vấn đề điều chỉnh khung hình phạt với một số tội danh cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về hướng hạ mức hình phạt đối với tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Ông Hiển phân tích, cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua cho thấy nhiều địa phương đến giới hạn đỏ, 3 Bộ quản lý liên quan cũng nhận định tình trạng diễn biến rất phức tạp, để lại hậu quả lớn cho cả xã hội, giống nòi. Dẫn chứng vụ ngộ độc rượu khiến 8 người chết, 27 người phải nhập viện tại Lai Châu, vụ ngộ độc tập thể với hơn 60 nạn nhân mới xảy ra tại Hà Giang thời gian qua, ông Hiển không giấu bức xúc.
“Dù số người chết do thực phẩm “bẩn” thống kê được hàng năm không lớn như số người chết do tai nạn giao thông nhưng hệ quả đối với sức khỏe người dân, tới cả cộng đồng lại rất lớn và khó đong đếm được mà luật lại quy định phải xác định tỷ lệ tổn hại sức khỏe nhất định mới xử lý được hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì sẽ chẳng xử lý được ai cả” – Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ liên hệ việc này với vụ anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên bị sát hại chỉ bằng một loại chất lỏng được xịt ra khăn tay, vuốt qua mặt để phân tích việc quản lý các chất độc, chất cấm thực tế còn nhiều lỗ hổng, luật làm sao phải có những quy định để lường trước những vấn đề có thể phát sinh như này.
Số phận điều luật về tội “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng”
Một trong những vấn đề tiếp tục được quan tâm là số phận của điều 292 về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khi thảo luận tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc bỏ tội danh này trong Bộ luật Hình sự.
Có ý kiến đề nghị vẫn giữ quy định tại điều 292 nhưng điều chỉnh lại theo hướng bỏ quy định về doanh thu và thay tình tiết "không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép" bằng "chưa được cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật".
Ý kiến khác cho rằng, hiện nay việc cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông trong một số trường hợp như quy định tại điều 292 đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để kinh doanh vàng trái phép, kinh doanh đa cấp trái phép... thì cần phải có quy định để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, do khách thể bảo vệ có sự khác nhau nên cần thiết phải quy định ở các chương tương ứng cho phù hợp.
Theo UB Tư pháp, việc bỏ điều 292 như ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội và với những lý do như Chính phủ đã trình là phù hợp, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn các hoạt động kinh tế hiện nay.
Băn khoăn của một số đại biểu về hành vi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng trong các hoạt động kinh doanh vàng, kinh doanh đa cấp... thì đã có thể xử lý hình sự ở các tội danh khác.
Như, hành vi kinh doanh vàng thì xử lý về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng tại điều 206. Hành vi kinh doanh đa cấp thì xử lý về tội vi phạm quy định về cạnh tranh tại điều 217. Còn nếu lợi dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thì xử lý về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản tại điều 290.
Bà Nga cũng nhấn mạnh, các hành vi nêu trên nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo thì sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại điều 174.
Theo Dantri