Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới

19/12/2018 10:19

(Pháp lý) - Tập trung cải cách chế độ cán bộ; Xây dựng hệ thống cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của quan chức; Tăng cường công cụ pháp luật hình sự... là những kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới mà chúng ta nên học hỏi . Bởi những kinh nghiệm này đã phát huy tác dụng tích cực trong phòng ngừa và xử lý quốc nạn tham nhũng ở nhiều nước.

Trung Quốc: tập trung cải cách chế độ cán bộ để phòng ngừa tham nhũng

Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham  Trung Quốc
Trụ sở Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng – “Khắc tinh” của quan tham
Trung Quốc)

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã triệt phá và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, nhiều quan tham bị trừng trị. Trong đó có cả các Ủy viên Bộ Chính trị và quan chức cấp cao như: Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai…Thực tế tệ nạn tham nhũng những năm gần đây ở Trung Quốc cho thấy những đặc điểm cơ bản như: Quy mô tham nhũng trong bộ máy quan chức của Đảng, Nhà nước đang có xu hướng gia tăng. Hình thức biểu hiện của tham nhũng cũng đa dạng trên nhiều lĩnh vực khác nhau như tiền bạc, chứng từ có mệnh giá, nhà cửa, ruộng đất, công trình kiến trúc và cả trên lĩnh vực của đời sống chính trị, văn hóa, xã hội…

Nhận thức rõ về sự nguy hiểm của tham nhũng đối với sự tồn vong của Đảng và Nhà nước, kể từ sau Hội nghị Trung ương III Khóa XI, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng quan tâm đến công tác cải cách chế độ cán bộ và phát triển nó theo chiều sâu, coi đây là một trong những giải pháp có tính chất quyết định về phòng, chống tham nhũng. Có thể khái quát một số nội dung cơ bản về cải cách chế độ cán bộ ở Trung Quốc như: Nâng cao trình độ dân chủ và công khai trong công tác tuyển chọn; Đề bạt cán bộ; Từng bước hoàn thiện công tác sát hạch cán bộ lãnh đạo; Từng bước mở rộng phạm vi và mức độ giao lưu cán bộ; Không ngừng tăng cường giám sát công tác cán bộ và cán bộ lãnh đạo; Cán bộ lãnh đạo “có lên cũng có xuống”.

Và để “khai thông đường xuống” của cán bộ, nhiều địa phương ở Trung Quốc đã đưa ra nhiều giải pháp “sáng tạo” như: Chế độ thử việc: Đối với cán bộ mới được đề bạt quy định thời gian thử việc từ 1 - 2 năm. Sau khi hết hạn thử việc phải thông qua thi tuyển hoặc dân chủ bình chọn lại để xem xét quyết định. Chế độ đào thải: Bất cứ ai, hễ qua thi tuyển hằng năm mà không đạt, hoặc nhiều năm liền thi tuyển chỉ được xếp hạng thấp, làm việc bê bối, không đảm nhiệm được nhiệm vụ thì phải hạ chức, miễn chức, thay đổi chức vụ lãnh đạo hoặc xử lý kỷ luật. Chế độ chờ nghỉ công tác: Trong thời gian triển khai nghị quyết về xây dựng hai nền văn minh (văn minh tinh thần và văn minh vật chất), thành phố Kim Đàn (tỉnh Giang Tô) đã xử lý giáng chức và chờ nghỉ công tác đối với 9 cán bộ đã từng là cán bộ chủ chốt. Chế độ từ chức: Nhiều tỉnh ở Trung Quốc đã động viên, cổ vũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành gương mẫu đệ đơn xin từ chức nếu thấy không đảm đương được nhiệm vụ.

Đức: Công chức phải chịu trách nhiệm giữ bí mật công vụ ngay cả khi đã nghỉ hưu

Ở CHLB Đức, không phụ thuộc vào chức năng nghiệp vụ cụ thể, tất cả công chức nhà nước đều có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao một cách tận tụy, chu đáo, cẩn trọng, để phục vụ lợi ích quốc gia và của toàn xã hội, trong đó yêu cầu rất cao về chống tham nhũng. Để phòng ngừa và hạn chế hành vi tham nhũng, Chính phủ CHLB Đức quy định rất rõ ràng, công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ. Theo quy định của nhà nước CHLB Đức, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong chống tham nhũng là giữ gìn bí mật công vụ. Ở CHLB Đức, công chức khi hết thời hạn công tác trong cơ quan nhà nước có nhiệm vụ giữ gìn những thông tin và số liệu mà họ được biết trong quá trình công tác. Nếu không được phép, công chức nhà nước không có quyền công khai hoặc thông tin về công việc mà họ đã làm, ngay cả sau khi đã nghỉ hưu.

 Chính phủ Đức quy định công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ (ảnh minh họa)
Chính phủ Đức quy định công chức nhà nước hoàn toàn chịu trách nhiệm về mọi hành động và hành vi của họ khi thực hiện các chức trách công vụ (ảnh minh họa))

Công chức nhà nước ở CHLB Đức nếu muốn làm một công việc nào khác, ngoài chức trách công vụ do Nhà nước giao, nhất thiết phải được phép của cấp quản lý công vụ cao hơn. Tuy nhiên, nếu công việc ngoại lệ liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu trong các viện và cơ quan khoa học thì không cần xin giấy phép. Công chức nhà nước không được phép hoạt động kinh doanh tư nhân hoặc hoạt động kinh doanh thông qua những người được ủy quyền, cũng như người thân trong gia đình. Những quy định này được Chính phủ ban hành kèm theo các nghị định có giá trị pháp lý, trong đó quy định rõ: hoạt động nào được coi là công vụ hoặc tương đương với công vụ; công chức nhà nước nào có quyền nhận thù lao hoặc tiền thưởng do các hoạt động ngoài công vụ; quy định giá trị tiền thưởng hằng năm đối với các loại hình công chức khác nhau và chế độ thanh quyết toán.

Nếu sau khi nghỉ hưu, công chức nhà nước tiếp tục làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến hoạt động công vụ của họ trong vòng 5 năm trước khi nghỉ việc, họ phải báo cáo rõ ràng và minh bạch về công việc đó với cơ quan, trước khi rời nhiệm sở. Cơ quan quản lý cấp trên cấm các công chức sau khi nghỉ hưu làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ gây thiệt hại đối với lợi ích công vụ mà họ từng đảm nhiệm trước đó.

Hà Lan: Xây dựng hệ thống cảnh báo và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động của công chức

Là một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới, Hà Lan đã cho xây dựng và thực hiện hệ thống các biện pháp cảnh báo và chống tham nhũng khá hoàn chỉnh.

Hà Lan tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý những lĩnh vực có thể phát sinh hành vi tham nhũng và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của những công chức làm việc trong các lĩnh vực đó. Từ đó, xây dựng hệ thống quyền hạn và trách nhiệm của các công chức nhà nước, trong đó ghi rõ trách nhiệm đối với công chức vi phạm đạo đức công vụ; xây dựng hệ thống an ninh quốc gia chuyên trách có quyền hạn rất lớn trong việc phát hiện các hành vi tham nhũng và chống tham nhũng. Tổ chức hệ thống khắt khe và khách quan để tuyển chọn công chức vào những chức vụ có điều kiện dẫn đến hành vi tham nhũng.

 Hà Lan - một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới
Hà Lan - một trong những quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất thế giới)

Xây dựng hệ thống chuyên trách để giáo dục và tập huấn công chức nhằm làm họ thấy rõ tác hại của các hành vi tham nhũng đối với lợi ích quốc gia. Trong những tổ chức quan trọng của Nhà nước như các cơ quan cấp bộ, cơ quan an ninh nội bộ có nhiệm vụ phát hiện sai phạm của công chức nhà nước, các hành động vi phạm có chủ ý hoặc ngẫu nhiên đối với các quy định, cũng như hậu quả của những hành động đó. Thực hiện chế độ thường xuyên báo cáo và công khai hóa về các vụ việc trong quá trình phát hiện tham nhũng và trừng phạt các hành vi tham nhũng. Hằng năm, Bộ Nội vụ Hà Lan báo cáo trước Quốc hội về các vụ việc tham nhũng đã bị phát hiện và các biện pháp áp dụng để trừng phạt những kẻ có hành vi tham nhũng.

Các công chức nhà nước ở tất cả các cấp nhất thiết phải báo cáo các trường hợp tham nhũng mà họ biết được. Thông tin này sẽ được chuyển tới Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp theo các kênh liên lạc thích hợp. Các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình v.v. . đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng, như phát hiện, phanh phui, điều tra và công bố hành vi tham nhũng. Biện pháp cơ bản để trừng phạt hành vi tham nhũng là tước mọi quyền hưởng các lợi ích xã hội và cấm công chức từng có hành vi tham nhũng làm việc trong cơ quan nhà nước. Tất cả các hồ sơ và tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng, nếu không liên quan đến hệ thống an ninh quốc gia, nhất thiết phải được công khai trước công luận.

Malaysia: 21 sáng kiến quan trọng để PCTN hiệu quả

Ý thức được rất rõ những tác hại của tình trạng tham nhũng, rằng thất bại trong việc giải quyết vấn đề hối lộ có thể khiến Chính phủ và các công ty phải gánh chịu một khoản chi phí rất lớn, Chính phủ Malaysia đã tiến hành Chương trình cải cách với 21 sáng kiến giải quyết các vấn đề tham nhũng cơ bản. Trong đó, có 7 sáng kiến liên quan đến cơ quan thực thi về PCTN, bao gồm: thành lập Ủy ban đặc biệt của Quốc hội về tham nhũng; thành lập Ủy ban đánh giá thực thi trong PCTN; thành lập Văn phòng quản lý dự án về phòng ngừa tham nhũng; thành lập Bộ phận giám sát tuân thủ các hoạt động về PCTN; xây dựng cơ sở dữ liệu thường xuyên cập nhật “tên và tội danh” liên quan tới các vụ tham nhũng; thành lập Hệ thống liêm chính doanh nghiệp Malaysia; thành lập Ủy ban giám sát hoạt động hiệu quả. Đối với các vụ tham nhũng lớn thì triển khai 4 sáng kiến, gồm: Sự tham gia của các thẩm phán; hoàn thành việc tố tụng các vụ tham nhũng trong vòng 1 năm; cải thiện cơ chế quản trị việc tài trợ cho chính trị; thêm điều khoản trách nhiệm doanh nghiệp vào đạo luật PCTN. Còn đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ, Malaysia cũng triển khai 7 sáng kiến về PCTN, như: Tích hợp cổng thông tin mua sắm chính phủ; triển khai hệ thống cho phép truy cập nhanh Báo cáo kiểm toán hoạt động độc lập để có biện pháp xử lý kịp thời; xây dựng bảng điều khiển trực tuyến của Tổng kiểm toán… Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và sự hỗ trợ từ công chúng, Malaysia cho triển khai 3 sáng kiến về PCTN, gồm: Thành lập Ban thư ký phòng ngừa tham nhũng trong Trường sư phạm; đào tạo về liêm chính cho các đại biểu Quốc hội; tích hợp các yếu tố PCTN vào sách giáo khoa cho cấp tiểu học và trung học cơ sở.

 Trụ sở Ủy ban chống tham nhũng Malaysia tại thành phố Putrajaya
Trụ sở Ủy ban chống tham nhũng Malaysia tại thành phố Putrajaya)

Ngoài các sáng kiến trên, Malaysia còn đề xuất các quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp (DN) trong PCTN là một trong những giải pháp hay của Malaysia để tăng cường sự tham gia của khu vực DN, khu vực tư nhân vào công tác PCTN. Bên cạnh đó, đất nước này cũng xây dựng liên minh để phác thảo các sáng kiến liêm chính và PCTN tổng quát cho một ngành hoặc một tiểu ngành cụ thể. Mục tiêu của xây dựng liên minh là đẩy mạnh các hành động tập thể của các bên liên quan chống lại các hành vi tham nhũng; chia sẻ, khuyến khích và áp dụng những quy định về tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong quản trị, liêm chính và PCTN; cung cấp khung nguyên tắc để các đối tác tham gia trong ngành/lĩnh vực tự xây dựng các quy định về tuân thủ; đồng thời nhấn mạnh quan điểm, thái độ không nhân nhượng với tham nhũng giữa các thành viên. Về phía Chính phủ Malaysia cũng có những hành động cụ thể để PCTN như: Tăng cường tính minh bạch trong quy trình mua sắm; triển khai các thỏa ước liêm chính; khuyến khích các liên minh hợp tác theo ngành/lĩnh vực và khuyến khích sự tham gia của DN vào công tác PCTN.

Nhật Bản: Bộ luật Hình sự - công cụ pháp luật quan trọng trong PCTN

Nhật Bản được xếp hạng là một trong những quốc gia có tình trạng tham nhũng ít nhất thế giới. Các doanh nghiệp ở đây ít đối mặt với nguy cơ tham nhũng. Nguy cơ tham nhũng trong hệ thống tư pháp của Nhật Bản cũng rất thấp.

image005
Những đạo luật chủ yếu về chống tham nhũng ở Nhật Bản gồm Bộ luật Hình sự và Luật về chống cạnh tranh không lành mạnh. Nhật Bản được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý mạnh mẽ và được thực thi hiệu quả. Bộ luật hình sự áp dụng đối với các tội phạm thuộc lĩnh vực công và nghiêm cấm việc hối lộ chủ động hoặc thụ động các công chức, bao gồm các khoản thanh toán thuận lợi. Đạo luật về phòng chống cạnh tranh không lành mạnh đã tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức và doanh nghiệp nước ngoài cũng như những cá nhân có trách nhiệm. Nhật Bản không có luật về hối lộ trong khu vực tư nhưng pháp luật đặc biệt được áp dụng khi doanh nghiệp tư nhân có mối liên hệ chặt chẽ với lợi ích công. Luật doanh nghiệp áp dụng đối với khu vực tư và quy định hình phạt đối với hành vi hối lộ chủ động hoặc thụ động của giám đốc hoặc người có vị trí tương tự của các công ty chứng khoán. Đạo luật về đạo đức chỉ áp dụng đối với cá nhân, có giá trị tham khảo về quà tặng và yêu cầu các công chức trung, cao cấp phải báo cáo về những quà tặng có giá trị vượt quá 5000 yên Nhật. Hình phạt cao nhất là 5 năm tù hoặc phạt tiền 300 ngàn yên và có thể lên đến 20 năm đối với công chức đòi hối lộ. Luật về xóa bỏ và phòng ngừa đấu thầu gian lận xác định tham nhũng trong mua sắm công. Nhật Bản là thành viên của Công ước chống hối lộ của các nước phát triển và đã ký nhưng chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Nhật Bản không có cơ quan độc lập chống tham nhũng. Tuy nhiên, một số cơ quan trong phạm vi thẩm quyền của mình đã tham gia tích cực vào cuộc chiến chống tham nhũng. Chẳng hạn, Ủy ban thương mại công bằng, Cơ quan cảnh sát quốc gia, Cơ quan quản lý thuế quốc gia.

Nhật Bản không có cơ quan thanh tra quốc gia. Tuy nhiên, một số thành phố có cơ quan thanh tra. Chính phủ Nhật Bản không tổ chức cơ quan thanh tra cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Cơ quan công tố Nhật Bản có vai trò quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Nhiệm vụ chính của Cơ quan công tố là giám sát các hoạt động do các Công tố viên thực hiện. Các thành phố lớn như Tokyo, Osaka và Nagoya có Cơ quan điều tra đặc biệt trong tổ chức của Viện công tố. Trong các cơ quan này có các Công tố viên được đào tạo và có kinh nghiệm nghề nghiệp để thực hiện nhiệm vụ điều tra. Công tố viên có quyền điều tra bất kỳ vụ án nào khi thấy cần thiết. Mặc dù Viện công tố Nhật Bản không có nhiệm vụ đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhưng thực tiễn cho thấy các Cơ quan điều tra đặc biệt ở Tokyo và Osaka đã điều tra nhiều vụ án, trong đó có các vụ án liên quan đến hối lộ và gian lận thuế./.

Nguyễn Hòa (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số nước trên thế giới" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin