Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo, một doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội vừa gửi Công văn tới Chính phủ, Bộ KH & ĐT cùng một số bộ, ngành kiến nghị:
Đất nước ta muốn phát triển kinh tế tốt, bền vững thì tỷ lệ đường giao thông phải đạt 20% tại khu đô thị (hiện nay tại Hà Nội tỷ lệ đường giao thông ở các Quận là 6,18% và các Huyện là 2%). Vấn đề Cấp bách đặt ra hiện nay là: Thủ đô Hà Nội mỗi năm cần phải làm mới và mở rộng đường cũ khoảng 50km theo Hợp đồng BT vì đây là huy động nguồn lực trong dân chúng giống như Nhật Bản và Singapore đã làm. Nhưng hiện nay mỗi năm chỉ làm được khoảng 2 đến 3km theo Hợp đồng BT vì vướng cơ chế, chính sách mà cụ thể Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định không cụ thể dẫn đến Nhà đầu tư rất khó triển khai, ví dụ như Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco – Bitexco Group được giao lập Dự án làm đường Phan Trọng Tuệ kéo dài 1, 2km từ năm 2014 mà đến nay vẫn chưa phê duyệt xong Dự án; Công ty Cổ phần đầu tư Văn phú – Invest được giao lập Dự án mở rộng đường 70 dài 6,2km từ năm 2013 mà đến nay vẫn chưa phê duyệt xong Dự án.
Công ty Gia Bảo đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều khoản tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về quy trình và trình tự thủ tục thực hiện làm đường giao thông theo hình thức Hợp đồng BT vì một số Điều hiện nay không còn phù hợp gây thất thoát cho Ngân sách Nhà nước, không phòng chống tham nhũng và lợi ích nhóm được, triển khai làm đường mới + mở rộng đường cũ rất chậm (ví dụ tại Thành phố Hà Nội trong 2 năm vừa qua không có Dự án làm đường nào được phê duyệt), cụ thể như sau:
I. Bổ sung Khoản 5 Điều 17 của Nghị định 15/2015/NĐ-CP:
5. Trình tự khi thực hiện Dự án theo Hợp đồng BT:
a) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) ra công văn chấp thuận chủ trương cho Nhà đầu tư lập Hồ sơ đề xuất Dự án sau 30 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư có công văn đề nghị lên UBND Thành phố (Tỉnh).
b) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) phê duyệt Dự án trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư trình Hồ sơ đề xuất Dự án lên Sở Kế hoạch và Đầu tư.
c) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) phê duyệt Quy hoạch 1/500 khu đất dành cho Tái định cư và khu đất được bán của Nhà đầu tư trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư trình bản vẽ quy hoạch lên Sở Quy hoạch Kiến trúc (đối với Tỉnh không có Sở Quy hoạch Kiến trúc thì là Sở Xây Dựng).
d) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) ký Hợp đồng BT với Nhà đầu tư trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày Nhà đầu tư được UBND cấp Tỉnh phê duyệt Dự án.
e) UBND cấp Thành phố (Tỉnh) có Quyết định thu hồi đất và giao đất phần mở đường, phần dành cho Tái định cư và phần trả cho Nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng BT. Đặc biệt ưu tiên các khu đất để Tái định cư cho các hộ gia đình gần nơi Giải phóng mặt bằng.
f) Nhà đầu tư cam kết giữ 9% lợi nhuận khi bán các khu nhà được giao để thu hồi vốn, trong trường hợp Nhà đầu tư có lợi nhuận cao hơn 9% thì Nhà đầu tư cam kết sẽ nộp phần lợi nhuận cao hơn 9% vào Ngân sách Thành phố (Tỉnh).
Khi có Điểm f Khoản 5 Điều 17 mới này thì sẽ tránh thất thoát lớn cho Ngân sách Nhà nước (1km đường tiết kiệm so với trước đây tại Dự án của Công ty Bitexco trung bình là 40 tỷ đồng so với phương án của Công ty Gia Bảo đề nghị. Vậy mỗi năm Nhà nước làm được 100km đường mới + mở rộng đường cũ thì sẽ tiết kiệm được 4.000 tỷ đồng/1 năm) và phòng chống tham nhũng + lợi ích nhóm; Đẩy nhanh tiến độ làm đường mới + mở rộng đường cũ giúp giảm ùn tắc + tai nạn giao thông; Kinh tế phát triển tốt hơn vì đường rộng, không bị tắc và Nhà nước thu được nhiều thuế hơn.
g) UBND cấp Quận (Huyện) nơi có Dự án phải có trách nhiệm kết hợp với Nhà đầu tư tiến hành Giải phóng mặt bằng.
h) UBND Thành phố (Tỉnh) phải ra Quyết định chấm dứt chủ trương trước đây đã giao cho Nhà đầu tư lập Dự án nếu sau 6 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương mà Nhà đầu tư không trình Hồ sơ Dự án lên UBND Thành phố (Tỉnh) phê duyệt.
Theo Bao Xaydung