Kiến nghị sửa đổi một số chính sách “sát sườn” với Doanh nghiệp và Nhà đầu tư

(Pháp lý) – Theo đó, cần siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư; xem xét trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước nếu cố tình chây ì, không chấp hành đưa cổ phiếu lên sàn; phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ để phòng ngừa tham nhũng; hướng dẫn thực hiện triển khai Bộ luật Lao động mới; …và một số chính sách kinh tế khác cần sửa đổi.

Kiến nghị siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp để bảo vệ nhà đầu tư

Sự bùng nổ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam hai năm gần đây được cho là do sự tác động mạnh mẽ của các quy định pháp luật. Cụ thể Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN ra đời thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP, đã mở ra cánh cổng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, Nghị định 163 đã nới lỏng về điều kiện phát hành TPDN như: bỏ điều kiện tổ chức phát hành phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành và cho phép phát hành nhiều đợt theo tiến độ dự án đầu tư; thay đổi quy định về TPDN phát hành riêng lẻ giới hạn phát hành cho dưới 100 NĐT, bổ sung thêm điều kiện NĐT không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp…

Sẽ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Cùng với sự tác động của các chính sách từ Ngân hàng nhà nước như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, giới hạn cho vay với 1 khách hàng không quá 15% vốn tự có, điều chỉnh hệ số rủi ro với cho vay BĐS… đã tạo ra sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ kênh huy động tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên thời gian gần đây, thị trường TPDN phát triển nóng với nhiều hình thức đang được triển khai, trong đó bao gồm cả hình thức không minh bạch, lợi dụng phát hành trái phiếu cho mục tiêu “đặc biệt” của doanh nghiệp tiềm ẩn những nguy cơ không an toàn đối với các nhà đầu tư.

Vừa qua, Bộ Tài chính đã hoàn thành và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP với nhiều quy định mới nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc huy động vốn, tăng khả năng quản lý giám sát, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường TPDN an toàn, bền vững, minh bạch.

So với Nghị định 163, dự thảo có những thay đổi lớn về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ, nhằm bảo vệ nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như hạn chế nguy cơ từ tình trạng lạm dụng huy động vốn qua kênh này.

Một là, chỉ phát hành và giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu.

Hiện tại, Nghị định 163 quy định về số lượng 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ như quy định của Luật Chứng khoán năm 2010.

Đối với giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Nghị định quy định, trái phiếu bị hạn chế giao dịch trong phạm vi 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.

Theo thông lệ các nước, phạm vi phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ giới hạn trong các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

Luật Chứng khoán năm 2019 cũng quy định theo hướng này đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty đại chúng; đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng, Luật quy định thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.

Do Luật Chứng khoán 2019 chưa có hiệu lực thi hành, Luật Doanh nghiệp đang được sửa đổi, nên để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ mua trái phiếu doanh nghiệp khi chưa nắm bắt được đầy đủ thông tin, không có kinh nghiệm đầu tư và khả năng phân tích rủi ro, Bộ Tài chính kiến nghị, trước mắt sửa đổi theo hướng việc phát hành và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được thực hiện trong phạm vi 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu (thay cho quy định hiện hành tại Nghị định 163 là trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành).

Hai là, giới hạn khối lượng phát hành, nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư mua trái phiếu.

Dự thảo bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành ra công chúng, với tiêu chuẩn, điều kiện cao hơn và công khai, minh bạch hơn.

Nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp chia nhỏ phát hành trái phiếu thành nhiều đợt với nhiều mã khác nhau cho các nhà đầu tư cá nhân, lách quy định về phạm vi phát hành riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế giao dịch trong vòng 1 năm, dự thảo bổ sung điều kiện đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.

Quy định này thống nhất với quy định về khoảng cách giữa các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi theo Luật Chứng khoán năm 2010.

Ba là, dự thảo quy định về lãi suất phát hành. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015, quy định lãi suất phát hành trái phiếu là chi phí lãi vay của doanh nghiệp khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính, đây là giải pháp mang tính cấp bách để quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tăng trưởng “nóng”, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Kiến nghị xem xét trách nhiệm người đại diện phần vốn nhà nước nếu cố tình không chấp hành đưa cổ phiếu lên sàn

Ðể tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp nghiêm túc tuân thủ quy định về đưa cổ phiếu lên sàn, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành chủ quan rà soát, nêu rõ lý do các doanh nghiệp chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết, đồng thời gửi danh sách tới Bộ Tài chính để có giải pháp thúc đẩy thực hiện.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét kỷ luật người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp nếu cố tình trì hoãn, không chấp hành đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định…

Do nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp hậu cổ phần hóa về việc phải đưa cổ phiếu lên sàn chưa đầy đủ, UBCKNN đã đề xuất Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ lồng ghép các nội dung về thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu tại các hội nghị, cuộc họp với các doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng chủ trì để chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện.

Cùng với làm mới cơ chế về nghĩa vụ doanh nghiệp phải đưa cổ phiếu lên sàn khi sửa đổi Nghị định số 126/2017/NÐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, để đảm bảo tính hợp lý và khả thi, đại diện UBCK cho biết, việc xử phạt các doanh nghiệp chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn đang được thúc đẩy nhằm đảm bảo tính răn đe.

Trong đó, ngay cả các công ty tuy đã đưa cổ phiếu lên sàn, nhưng chậm thời hạn so với quy định vẫn bị xử phạt.

Phòng ngừa tham nhũng phải kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ

Kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, đã được pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận. Đây là một biện pháp nhằm mục đích biết được các thông tin về thu nhập và việc chuyển hóa của thu nhập thành các dạng tài sản và các khoản chi tiêu dùng, chi đầu tư của cá nhân. Thanh tra Chính phủ đang dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nội dung dự thảo quy định, kiểm soát tài sản, thu nhập để cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền biết rõ tình trạng và sự biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.

Theo đó, tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm: Quyền sử dụng đất; quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà ở, công trình xây dựng; tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; vàng, kim cương, bạch kim và các kim loại quý, đá quý khác có tổng giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;

Tiền (tiền Việt Nam, ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam mà tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên; cổ phiếu, trái phiếu, các loại giấy tờ có giá khác mà tổng giá trị của các loại giấy tờ có giá từ 50 triệu đồng trở lên;

Tài sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản ở nước ngoài; tài khoản ngân hàng ở nước ngoài, tài khoản khác ở nước ngoài có thể thực hiện các giao dịch bằng tiền, tài sản; tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

Về nội dung công khai bản kê khai dự thảo quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức bằng hình thức niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai thường xuyên làm việc. Thời gian niêm yết là 30 ngày.

Đề xuất danh mục công việc cấm sử dụng người lao động dưới 18 tuổi

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các công việc và nơi làm việc cấm sử dụng lao động dưới 18 tuổi.

Theo đó, ngoài các nơi làm việc quy định tại điểm a, b, c, d, khoản 2, điều 147 Bộ Luật Lao động, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm tại các nơi làm việc, chỗ làm việc theo điểm h, khoản 1, điều 147 như sau: Tiếp xúc với các yếu tố vệ sinh lao động và các chất trong môi trường lao động (điện từ trường, rung, ồn, nhiệt độ, bụi silic, bụi không chứa silic, bụi bông, bụi amiăng, bụi than, bụi tale; các loại chất, tia phóng xạ; bức xạ bởi tia X và các tia có hại khác) nằm ngoài giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh lao động; tiếp xúc với các vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm; thời gian làm việc trên 4 giờ mỗi ngày trong không gian làm việc gò bó, chật hẹp, công việc có khi phải quỳ gối, nằm, cúi khom; trên giá cao hay dây treo cao hơn 2 m so với mặt sàn làm việc; địa hình đối núi dốc trên 300 m.

Đề xuất cấm sử dụng lao động trẻ em với 88 công việc

Ngoài ra, cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên; sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác; sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc; phá dỡ các công trình xây dựng; nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại; lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ…

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất cấm sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc theo quy định tại điểm đ, khoản 2, điều 147 Bộ Luật Lao động với 88 công việc như: Cán kim loại nóng; nhuộm, hấp vải sợi; đãi, tuyển vàng, quặng, đá đỏ; vận hành lò đốt rác và xử lý nước thải; nấu, tẩy rửa bột giấy bằng clo; nhặt hoặc phân loại rác thải, chất thải, các chất thải hoặc phế liệu…

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường

Tại dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới của Bộ Tài chính nêu rõ, khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện tạm ứng bồi thường ngay tối đa 30% mức bồi thường bảo hiểm theo quy định đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản, 1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính, trừ trường hợp chủ xe cơ giới tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

Về thời hạn yêu cầu, thanh toán và khiếu nại bồi thường, dự thảo quy định: Thời hạn yêu cầu bồi thường của chủ xe cơ giới là 01 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp chậm trễ do nguyên nhân khách quan và bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), chủ xe cơ giới phải gửi thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm kèm theo các tài liệu quy định trong hồ sơ yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Thời hạn thanh toán bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm là 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ bồi thường trách nhiệm của chủ xe cơ giới và không quá 30 ngày trong trường hợp phải tiến hành xác minh hồ sơ.

Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm phát sinh tranh chấp.

Đinh chiến

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin