Thanh tra Chính phủ vừa tổ chức Hội thảo Đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính.
Phát biểu khai mạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh, các ý kiến phân tích, bình luận, kiến nghị, đề xuất tâm huyết, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đột phá, mạnh mẽ đều được lắng nghe, chia sẻ, tranh luận, phản biện và sẽ được tập hợp đầy đủ nhằm xác lập luận cứ sửa đổi Luật thanh tra 2010, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản pháp luật có liên quan trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận là kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra; chức năng, nhiệm vụ, phạm vi quyền hạn của cơ quan và người đứng đầu cơ quan thanh tra Nhà nước…
Theo TS Lê Tiến Hào, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, gần đây, trong hoạt động thanh tra, nhất là thanh tra chuyên ngành ngày càng xuất hiện tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu. Để kiểm soát hoạt động thanh tra, trước hết thông qua các biện pháp giám sát nội bộ như: Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, phòng, chống tham nhũng của cơ quan thanh tra cấp trên với cơ quan thanh tra cấp dưới. Cần kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra; coi trọng việc giám sát trong nội bộ của cơ quan thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu lưu ý, giám sát nội bộ hiện rất hình thức, cần sửa Luật thanh tra theo hướng nâng cao hiệu quả của công tác này. Nếu cần thiết quy định đối tượng thanh tra là đối tượng giám sát đoàn thanh tra để tránh có tiêu cực. Khi kết thúc thanh tra, đối tượng thanh tra sẽ đánh giá đoàn thanh tra, ký biên bản và chịu trách nhiệm về điều đó.
Cùng với kiểm soát trong nội bộ, cần tăng cường giám sát từ bên ngoài như giám sát của Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, tổ chức, người dân… TS Lê Tiến Hào nhận định, muốn kiểm soát có hiệu quả, các cơ quan thanh tra phải công khai hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra trách nhiệm, thanh tra công vụ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra. Phải chú trọng phát hiện những sơ hở, bất cập trong thể chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm loại bỏ “cơ chế xin - cho”, “lợi ích nhóm”, thủ tục hành chính rườm rà gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước”.
Khái quát về hoạt động thanh tra, theo ông Kiều Đình Thụ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thanh tra chuyên ngành tương đối rõ, còn thanh tra hành chính thì khá chung chung. Nếu xây dựng một luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động thanh tra thì cần tách nội dung quy định về trình tự, thủ tục, hiệu quả của hoạt động thanh tra với các quy định về các cơ quan thanh tra trong bộ máy nhà nước với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được xác định; phải phân định rõ các cơ quan thanh tra trong bộ máy hành pháp, hành chính nhà nước và các hoạt động thanh tra khác.
Theo Báo Thanh tra