Kí ức của Đại biểu Quốc hội khi xây dựng Luật Thủ đô

(Pháp lý) - Sau gần 4 năm soạn thảo, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý..., ngày 21/11/2012 tại kỳ họp thứ 4 , Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thủ đô. Đây là một đạo luật có ý nghĩa chính trị xã hội to lớn và là hành lang pháp lý quan trọng trong việc tạo điều kiện để Thủ đô phát triển xứng tầm là trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước.

Tuy nhiên, hiếm ai biết rằng, để được Quốc hội thông qua, dự án Luật Thủ đô trước đó phải trải qua những “ghập ghềnh” và ghi nhận biết bao tâm huyết của các ĐBQH.

Dự Luật từng bị Quốc hội bác

Trong hoàn cảnh thực tế là Pháp lệnh thủ đô (2000) đã bộc lộ nhiều bất cập với nhiều quy định không thể thực hiện, đặc biệt là sau khi các luật mới ban hành khi ấy như Luật Đất đai, Luật Xây Dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường… Theo đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết đưa dự án Luật Thủ đô vào chương trình làm Luật của Quốc hội và thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Hai cơ quan được giao chủ trì, soạn thảo dự án Luật này đó là Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên một Ban soạn thảo dự án Luật được Thủ tướng Chính phủ thành lập.

Ban soạn thảo dự án Luật Thủ đô huy động nhiều tên tuổi cán bộ uy tín khi ấy như ông Hà Hùng Cường (Bộ trưởng Bộ Tư pháp), ông Nguyễn Thế Thảo (Chủ tịch UBND TP Hà Nội), ông Hoàng Thế Liên (Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp), ông Vũ Hồng Khanh (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội)… chỉ đạo xây dựng dự án Luật.

Tuy nhiên, trong ngày làm việc cuối của Kỳ họp cuối cùng, Quốc hội khóa XII đã biểu quyết không thông qua dự Luật Thủ đô. Thời điểm đó, nhiều người cảm tưởng, Ban soạn thảo dự án Luật này sẽ không vui khi có tới 221 Đại biểu Quốc hội bấm nút không tán thành dự luật. Thế nhưng với đông đảo những người lao động ở thủ đô, những người đang chờ tin từ Nghị trường về điều kiện nhập cư của mình vào Hà Nội tới đây sẽ “thắt hay mở”, thì quyết định trên của Quốc hội thời điểm đó là một tin vui đối với họ. Và ông Hà Hùng Cường đã thẳng thắn chia sẻ: Kết quả đó cho thấy sự dân chủ và trách nhiệm của Quốc hội .

 Ông Hà Hùng Cường (khi còn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) trao đổi với báo chí bên hành lang một kỳ họp Quốc hội
Ông Hà Hùng Cường (khi còn là Bộ trưởng Bộ Tư pháp) trao đổi với báo chí bên hành lang một kỳ họp Quốc hội)

Nói về lý do mà dự thảo Luật ban đầu bị Quốc hội bác, có ý kiến cho rằng là do dự thảo Luật Thủ đô đã đưa ra các quy định theo hướng bổ sung điều kiện chặt chẽ hơn (so với quy định của Luật Cư trú) đối với việc nhập hộ khẩu vào các quận nội thành. Đó là biện pháp mang nặng tính hành chính… Quy định điều kiện thường trú chặt chẽ hơn ở khu vực nội thành mà ban soạn thảo đưa ra là không thể giải quyết vấn đề quá tải của dân cư đô thị của Hà Nội. Bởi lẽ vấn đề này không phải hoàn toàn là do nhân khẩu thường trú mà chủ yếu do nhu cầu nội tại của chính Hà Nội về nguồn nhân lực. Nhiều người cho rằng, thị trường nhân lực sẽ quyết định số lượng ngoại tỉnh đổ về Hà Nội và để giải quyết thực trạng này cần phải tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ như đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tại ngoại thành, xây dựng giao thông để kết nối nội và ngoại thành. Các biện pháp mà dự thảo luật ban đầu đưa ra nặng tính hành chính và không thuyết phục.

Một trong những lý do khác khiến dự luật bị bác đó là Hà Nội cũng chỉ là một đơn vị hành chính cấp tỉnh nhưng khi làm luật lại tự tạo cho mình chính sách đặc thù với nhiều ưu tiên có thể đem lại những lợi ích nhiều hơn so với những địa phương khác. Đồng thời, cùng là chính sách pháp luật mà các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng lại có thể làm tốt mà Hà Nội lại cần có Luật Thủ đô. Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng, Luật mới chỉ tập trung điều chỉnh khu vực đô thị (nội thành) mà bỏ quên vùng nông thôn ngoại thành, thiếu sự gắn kết giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng thủ đô.

Hà Nội với vị trí là thủ đô thì có thể có những cơ chế, chính sách đặc thù so với những địa phương khác nhưng không được trái với Hiến pháp. Chính vì vậy việc xác định chính sách đặc thù dành cho Hà Nội sẽ “vướng” nguyên tắc “bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật”. Những người soạn thảo luật này còn nhớ, vào tháng 4/2011 phân tích những nguyên nhân khiến Dự án Luật Thủ đô không được thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng “Không thể trách cơ quan chuẩn bị dự án Luật thiếu sự chuẩn bị cần thiết mà nguyên nhân sâu xa là dự án Luật dành quá nhiều ưu tiên cho Thủ đô gây bức xúc cho đại biểu”.

Những ý kiến tâm huyết, thuyết phục

Ngoài quyết tâm của cơ quan soạn thảo trong việc đưa ra các điều luật phù hợp với thủ đô thì trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến thẳng thắn và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội như Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội), Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)… Họ đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết góp ý vào dự thảo Luật là cơ sở để sau đó dự luật thuyết phục được Quốc hội thông qua.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh chia sẻ với Phóng viên Pháp lý: Là một trong những người đề xuất ủng hộ việc xây dựng Luật Thủ đô, trong quá trình xây dựng Luật, tôi đặc biệt lưu tâm đến đề xuất về quy hoạch thủ đô. Phát biểu trước Quốc hội, Đại biểu Khánh cho rằng: Vấn đề quy hoạch của thủ đô rất quan trọng nhưng cần làm rõ và thống nhất. Trong dự thảo Luật đưa ra các khái niệm như Vùng thủ đô nhưng trong đồ án quy hoạch Thủ đô Hà Nội được Quốc hội xem xét trong kỳ họp vừa qua thì lại là đô thị lõi, đô thị trung tâm, vành đai xanh… Cần nghiên cứu để thống nhất và không để vênh nhau. Trong dự thảo Luật Thủ đô (dự thảo đầu tiên) đưa ra quy định xử phạt hành chính cao hơn để tăng nguồn rồi đầu tư lại cho thủ đô. Theo bà Khánh thì việc đó hoàn toàn không phù hợp với xã hội pháp quyền.

 Là ĐBQH của TP Hồ Chí Minh, nhưng Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng Luật Thủ đô
Là ĐBQH của TP Hồ Chí Minh, nhưng Đại biểu Trương Trọng Nghĩa góp nhiều ý kiến tâm huyết xây dựng Luật Thủ đô)

Bà Khánh đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong quá trình xây dựng thủ đô. Theo bà Khánh, dự thảo Luật thiếu những quy định về trách nhiệm và các quy định liên quan đến thanh tra, kiểm tra, giám sát thi hành Luật Thủ đô. Sau này chương III của Luật được thông qua đã ghi nhận ý kiến này của Đại biểu Khánh, chi tiết về trách nhiệm xây dựng, phát triển và quản lý thủ đô của từng cơ quan hành chính nhà nước. Tuy còn khuyết thiếu chế tài cụ thể xử lý khi vi phạm.

ĐBQH Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng từng cho biết quan điểm phản biện thẳng thắn của mình khi góp ý dự Luật Thủ đô: “Tôi đồng ý là cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù hơn để đầu tư, xây dựng và phát triển thủ đô. Tuy nhiên khi đọc dự thảo Luật Thủ đô, tôi vẫn chưa nhìn thấy cơ chế, chính sách đặc thù nào nổi bật cho Thủ đô. Ban soạn thảo vẫn đưa ra những vấn đề quản lý đất đai, giao thông, dân cư và một số vấn đề khác là bức xúc chung của nhiều thành phố khác chứ không riêng gì Hà Nội”. Bởi vậy ông đề nghị cần phải làm rõ những cơ chế chính sách đặc thù về đất đai, giao thông, dân cư cho thủ đô Hà Nội.

Nói về quy định liên quan đến thu hồi đất, ông Vinh khi ấy đã đồng tình với quy định cho phép Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ các quy định của pháp luật được ban hành các biện pháp đảm bảo thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên ông Vinh cũng đề nghị làm rõ HĐND thành phố Hà Nội được ban hành những biện pháp gì, giới hạn ban hành đến đâu, lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp được tính thế nào. Tránh quy định chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, có thể áp dụng tùy tiện, làm phát sinh thêm khiếu kiện về đất đai.

Ý kiến về quản lý dân cư ở thủ đô, ông Vinh đã thẳng thắn: Quy định về hạn chế cư trú ở nội thành là một quy định “thụt lùi” về quản lý và trái luật. Trong khi Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để tăng quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Nỗ lực áp dụng các biện pháp hành chính thì dự thảo Luật lại đi ngược lại những quy định đó, hạn chế quyền tự do của công dân và đưa ra hàng loạt các điều kiện kèm nếu muốn được thường trú ở Hà Nội. Điều đó là trái Hiến pháp, trái Luật Cư trú… Từ những phân tích đó, ông Vinh đề xuất thay đổi chính sách theo hướng cải thiện đồng bộ về cơ sở vật chất, quy hoạch nội đô, các biện pháp xã hội khác để giải quyết tận gốc vấn đề của Thủ đô.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) khi đưa ra các ý kiến góp ý cho Luật Thủ đô cũng đưa ra những quan điểm rất sắc sảo. Đặc biệt liên quan đến quy định ưu tiên phân bổ ngân sách cho thủ đô. Theo ông Nghĩa thì quy định như trong dự thảo Luật khi đó, không biết bao nhiêu mới đủ cho thủ đô. Điều đó có nghĩa là phải ưu tiên phân bổ cho thủ đô trước khi nghĩ đến những nhu cầu khác. Bởi vậy ông Nghĩa cho rằng nên đặt việc ưu tiên về ngân sách trong mối tương quan với đóng góp tài chính của Thủ đô nếu không sẽ không khuyến khích được địa phương khác và dễ tạo ra sự dễ dãi, lãng phí trong việc sử dụng ngân sách ở Thủ đô. Nên ghi trong Luật “Nhà nước có chính sách đặc thù về tài chính và ngân sách để Thủ đô hoàn thành được vai trò và vị trí trung tâm chính trị, hành chính, quốc gia”. Sau đó quy định chi tiết bằng Pháp lệnh tài chính ngân sách đặc thù cho Thủ đô.

Với trách nhiệm và tình cảm với thủ đô yêu dấu, thời gian đó, đã có hàng trăm ý kiến của các đại biểu phát biểu góp ý xây dựng Luật Thủ đô. Việc ghi nhận những ý kiến của họ, có ý nghĩa quan trọng để dự thảo Luật sau đó được thông qua tại Quốc hội khóa XIII và Luật sớm đi vào cuộc sống.

Thay lời kết

Vì những điều luật cụ thể trong Luật Thủ đô, dành cho thủ đô có tính đặc thù riêng mà đã có không ít những tranh luận, góp ý, phản biện. Tranh luận, cân nhắc, phản biện mang tính xây dựng đã giúp hình thành những điều luật cụ thể, để những điều luật đó có sức sống trong cuộc sống. Sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, nhiều người kỳ vọng một tương lai phát triển tốt hơn cho Thủ đô Hà Nội. Nhiều người mong mỏi thủ đô phát triển xứng tầm với vai trò vị trí trung tâm của cả nước. Từ đó, đặt trọng trách lên vai đội ngũ những người làm công tác quản lý của Hà Nội nặng nề hơn từ quy hoạch, giao thông, giáo dục, môi trường.

Biểu tượng Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng biểu trưng của Hà Nội có giá trị vượt thời gian… Nhiều người kì vọng, với sự tôn trọng quá khứ, quản lý khoa học và có một hành lang pháp lý vững chắc là Luật Thủ đô, trong tương lai Hà Nội sẽ phát triển bền vững.

Minh Minh

 

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin