Không thể để doanh nghiệp nhà nước thua lỗ rồi đổ gánh nặng cho Chính phủ

20/06/2017 08:49

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chỉ nên đưa vào nợ công những khoản vay mà Chính phủ bảo lãnh còn lại doanh nghiệp Nhà nước phải tự vay tự trả.

Nguyên nhân nợ công tăng cao

Theo báo cáo của Bộ Tài chính đến cuối năm 2016, nợ công nước ta ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Nguyên nhân khiến nợ công nước ta ở mức cao và gia tăng một phần do Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, đến khi doanh nghiệp thua lỗ, Chính phủ buộc phải đứng ra trả nợ.

 Nợ công của chúng ta gia tăng do Chính phủ phải lo trả nợ các khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước - ảnh minh họa/ nguồn VnEconomy.
Nợ công của chúng ta gia tăng do Chính phủ phải lo trả nợ các khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước - ảnh minh họa/ nguồn VnEconomy.)

Bên cạnh các khoản nợ được bảo lãnh, trong thực tế nhiều khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước dù không được bảo lãnh nhưng khi thua lỗ không trả được nợ thì Chính phủ vẫn phải lo trả nợ thay do lo ngại giảm tín nhiệm quốc gia.

Trước thực tế này tại Dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) một trong những vấn đề được dư luận quan tâm chính là việc: Có nên “gạt” nợ doanh nghiệp Nhà nước ra khỏi nợ công?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, nguyên nhân khiến nợ công Việt Nam ở mức cao và có xu hướng gia tăng do Chính phủ không chỉ lo trả nợ quốc gia, trả nợ khoản vay trực tiếp của Chính phủ mà còn lo trả các khoản nợ cho doanh nghiệp trong nước, trong đó chủ yếu doanh nghiệp Nhà nước.

“Trong các khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước có khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh, có khoản nợ doanh nghiệp tự vay.

Tuy nhiên khi doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không trả được nợ nhiều trường hợp Chính phủ đứng ra trả cả khoản vay được bảo lãnh lẫn không được bảo lãnh. Đây là chính là nguyên nhân khiến nợ công Việt Nam gia tăng”, Tiến sĩ Hiếu cho biết.

Điển hình khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước dù Chính phủ không bảo lãnh nhưng vẫn phải tính phương án trả nợ, chính là khoản nợ 63.000 tỷ đồng của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) - tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu.

Hiện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải đang làm đề án tái cơ cấu tài chính, trả nợ cho doanh nghiệp. Trong các khoản nợ Chính phủ lo trả bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh và cả nợ không được bảo lãnh của Vinashin.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khi doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không trả được nợ nhiều trường hợp Chính phủ đứng ra trả cả khoản vay được bảo lãnh lẫn không được bảo lãnh - ảnh: Hoàng Lực.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết, khi doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ không trả được nợ nhiều trường hợp Chính phủ đứng ra trả cả khoản vay được bảo lãnh lẫn không được bảo lãnh - ảnh: Hoàng Lực.)

Theo Tiến sĩ Hiếu, nguyên nhân dẫn đến việc Chính phủ phải bảo lãnh nợ vì tín nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam thấp không thể đi vay nợ nước ngoài với số tiền lớn.

“Khi cho vay, các tổ chức tài chính nước ngoài nhìn vào nhiều yếu tố trong đó có khả năng tài chính, uy tín thị trường, khả năng thành công dự án đầu tư...

Xét các khía cạnh này thì doanh nghiệp Việt Nam thường không đủ tiêu chuẩn nên cần phải có bên thứ ba bảo lãnh là Chính phủ”, Tiến sĩ Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Hiếu cảnh báo, việc Chính phủ phải bảo lãnh các khoản vay ngoại tệ cho doanh nghiệp trong nước mang đến nhiều rủi ro.

“Nếu doanh nghiệp đi vay không trả được nợ thì Chính phủ từ nghĩa vụ bảo lãnh sẽ phải chịu nghĩa vụ trả nợ, vì thế việc Chính phủ bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp sẽ mang đến nhiều rủi ro làm gia tăng khoản nợ công”, Tiến sĩ Hiếu nêu ra nguy cơ.

Ông Hiếu cũng cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước được ưu ái bảo lãnh nợ trong khi doanh nghiệp tư nhân thì không sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường, ảnh hưởng đến việc tiến tới một nền kinh tế thị trường thực sự.

“Việc Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) đặt ra vấn đề: Đưa hay không đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công rất cần thiết.

Về nguyên tắc chỉ đưa vào nợ công các khoản nợ Chính phủ đứng ra bảo lãnh, còn lại khoản nợ khác doanh nghiệp phải tự vay – tự trả”, Tiến sĩ Hiếu nêu quan điểm.

Ngoài ra theo ông Hiếu, trong bảo lãnh nợ doanh nghiệp Nhà nước phải có tiêu chí rõ ràng, không thể khoản vay nào Chính phủ cũng bảo lãnh dễ dẫn đến lạm dụng, thiếu trách nhiệm trong quản lý vốn vay dẫn đến đầu tư không hiệu quả, thua lỗ.

Cổ phần hóa – giảm vai trò doanh nghiệp Nhà nước

Cũng liên quan đến Dự thảo Luật Quản lý nợ công, Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) cho rằng, để giải quyết vấn đề nợ doanh nghiệp Nhà nước phải đi từ gốc của vấn đề.

Luật sư Trần Minh Hải phân tích, hiện nay chúng ta đang quản lý doanh nghiệp Nhà nước như quản lý cơ quan hành chính, coi tài sản trong doanh nghiệp như tài sản của cơ quan hành chính chính vì vậy luôn trong tâm lý phải lo giữ gìn tránh thất thoát…

Với tâm lý đó nên trước khoản vay của doanh nghiệp Nhà nước chúng ta luôn phải lo lắng phương án trả nợ thay trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ. Điều này ảnh hưởng đến quan hệ giữa doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp khác.

 Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) - ảnh: Hoàng Lực.
Luật sư Trần Minh Hải – Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư (BASICO) - ảnh: Hoàng Lực.)

Luật sư Hải cho biết, trong thực tế hành nghề luật sư ông từng gặp trường hợp doanh nghiệp Nhà nước vay doanh nghiệp tư nhân khi đưa nhau ra tòa.

Dù tòa tuyên án doanh nghiệp Nhà nước phải trả lại tiền, tài sản nhưng doanh nghiệp Nhà nước lấy lý do là vốn nhà nước phải cơ chế này cơ chế kia mới trả, từ đó tạo chuỗi liên hoàn bất công pháp lý.

“Vì thế quan trọng nhất tạo nên một thị trường kinh tế mà ở đó đa phần là doanh nghiệp tư nhân, vai trò của doanh nghiệp nhà nước giảm dần.

Muốn như vậy phải thực hiện thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, trả lại doanh nghiệp cho nền kinh tế”, Luật sư Hải cho biết.

Theo ông Hải cần phải tách nợ doanh nghiệp Nhà nước ra ngoài chính sách tài khóa cũng như không liên quan đến nợ công.

“Khi cổ phần hóa đưa số doanh nghiệp Nhà nước giảm dần chúng ta không phải lo câu chuyện nợ đó nhà nước chịu hay doanh nghiệp chịu”, Luật sư Hải cho biết.

Trở lại quy định trong Dự thảo Luật Quản lý nợ công về việc đưa nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công hay không, Luật sư Hải cho rằng, Chính phủ chỉ trả các khoản nợ đã bảo lãnh còn lại doanh nghiệp Nhà nước tự vay phải tự trả để tạo sự công bằng giữa thành phần kinh tế.

Theo Giaoduc.net

Bạn đang đọc bài viết "Không thể để doanh nghiệp nhà nước thua lỗ rồi đổ gánh nặng cho Chính phủ" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin