Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng nếu Việt Nam chủ trương xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đạo luật về vấn đề này.
Sáng nay (23/3), tại kỳ họp 43 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp.
Hiện nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp đã được Chính phủ trình ra Quốc hội. Một trong những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau là phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp. Một số ý kiến đề nghị đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp như dự thảo của Chính phủ; một số ý kiến khác đề nghị không quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp mà ban hành một luật riêng hoặc một nghị định riêng về hộ kinh doanh.
Theo ông Lộc, việc điều chỉnh tư cách chủ thể của hộ kinh doanh lần này và luật hoá các quy định hợp lý và ổn định trong nghị định của Chính phủ suốt 1/4 thế kỷ qua để đưa vào Luật Doanh nghiệp sẽ giúp chuẩn hoá và tăng cường địa vị pháp lý của các hộ kinh doanh.
Hiện nay, Nhà nước đã ban hành rất nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp dân doanh. Tuy nhiên, do không được coi là doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hiện không được thụ hưởng các chính sách này.
Thêm vào đó, rất nhiều quy định pháp luật hiện nay đang hạn chế quyền thương quyền của các hộ kinh doanh. Ví dụ, hộ kinh doanh chỉ được tuyển dụng không quá 10 lao động, chỉ được hoạt động tại một địa điểm. Một số quy định pháp luật khác cũng chỉ cho phép các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh, như pháp luật về xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của nhiều lĩnh vực không cấp cho hộ kinh doanh… Đây là những hạn chế vô lý, bất bình đẳng với hộ kinh doanh khiến cho đối tượng này khó phát triển.
Mặt khác, Chủ tịch VCCI khẳng định việc xây dựng một đạo luật riêng là không cần thiết mà hoàn toàn có thể tích hợp làm một chương trong Luật Doanh nghiệp như phương án Chính phủ trình.
Hơn nữa, việc xây dựng luật riêng đòi hỏi thời gian kéo dài, trình tự thủ tục phức tạp, không kịp thời đáp ứng nhu cầu tháo bỏ rào cản và hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, cũng như không kịp thời tháo bỏ sự thiếu nhất quán trong hệ thống pháp luật.
Đặc biệt, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp không phải là bắt các hộ kinh doanh phải kê khai và nộp thuế như doanh nghiệp. Các hộ kinh doanh dưới 10 lao động và có vốn dưới 3 tỷ đồng, có doanh thu dưới 3 tỷ đồng trong lĩnh vực sản xuất hoặc dưới 10 tỷ đồng trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì vẫn được hưởng thuế khoán như bình thường.
Như vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ phù hợp với pháp luật về thuế và không tạo ra biến động về thuế đối với các hộ kinh doanh này.
Về thông lệ quốc tế, Chủ tịch VCCI cho biết, thông lệ pháp luật về doanh nghiệp của các nước trên thế giới không có quy định riêng về hộ kinh doanh mà chỉ xác định chủ thể kinh doanh dưới hình thức cá nhân hoặc pháp nhân, mà hộ kinh doanh thông qua vai trò của cá nhân chủ hộ là một đối tượng điều chỉnh.
"Nếu Việt Nam chủ trương xây dựng luật riêng về hộ kinh doanh thì sẽ là quốc gia duy nhất trên thế giới có đạo luật về vấn đề này. Cũng không nên quan niệm rằng có thể xây dựng luật về hộ kinh doanh riêng tương tự như Luật Hợp tác xã vì nhiều nước có Luật Hợp tác xã nhưng không nước nào có luật về hộ kinh doanh", ông Lộc nhấn mạnh.
Do vậy, Chủ tịch VCCI đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét đưa quy định về hộ kinh doanh vào trong dự thảo Luật Doanh nghiệp.
Theo thoibaokinhdoanh.vn
Nguồn bài viết: https://thoibaokinhdoanh.vn/viet-nam/de-xuat-co-luat-rieng-ve-ho-kinh-doanh-1062640.html