Không kiểm soát được tài sản thì rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng là đương nhiên

09/06/2017 09:14

Dù Luật PCTN được xem là rất quan trọng, nhưng luật này chưa có bất cứ một chế tài chuyên biệt nào, mà chỉ mới dẫn chiếu lại các chế tài trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác. Do vậy, dường như luật này thiếu tính răn đe trên thực tế thi hành.

Sáng 8-6, Ban Nội chính TƯ và chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức hội thảo Hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban Nội chính TƯ cho rằng, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

Là một quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, mục tiêu, các tiếp cận trong công tác PCTN của Việt Nam hoàn toàn tương đồng với quốc tế. Chính sách PCTN của Việt Nam luôn coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp cản trở việc chống tham nhũng.

Để thể chế hóa chủ trương chống tham nhũng của Đảng, trong những năm qua, các chế tài xử lý tham nhũng đã được liên tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng nghiêm khắc và đầy đủ.

Các chuyên gia pháp lý bàn về hoàn thiện chế tài xử lý tham nhũng
Các chuyên gia pháp lý bàn về hoàn thiện chế tài xử lý tham nhũng)

Gần đây, Bộ luật Hình sự 2015 đã mở rộng chế tài xử lý tham nhũng trong khu vực tư và đối với hành vi hối lộ công chức nước ngoài. Đồng thời, hệ thống các chế tài xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức và buộc thôi việc đã được quy đinh trong Luật PCTN và một số văn bản khác.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Dũng, pháp luật Việt Nam còn chưa có chế tài với hành vi làm giàu bất chính, chưa quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) với pháp nhân có hành vi tham nhũng; chưa có chế tài chuyên biệt cho tham nhũng khu vực tư; chưa có chế tài pháp lý linh hoạt để thu hồi tài sản tham nhũng; chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tham nhũng; trường hợp xung đột lợi ích trong khi thi hành công vụ…

“Mặt khác, dù Luật PCTN được xem là rất quan trọng, nhưng luật này chưa có bất cứ một chế tài chuyên biệt nào, mà chỉ mới dẫn chiếu lại các chế tài trong Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác. Do vậy, dường như luật này thiếu tính răn đe trên thực tế thi hành”, ông Võ Văn Dũng nói.

Bà Akiko Fujii, Phó giám đốc UNDP Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam, vấn đề đặt ra là làm thế nào đưa ra chế tài trong Luật PCTN để thu hồi hiệu quả hơn tài sản đã bị đánh cắp của nhà nước.

Luật PCTN đã áp dụng 12 năm nhưng hiệu quả của nó còn hạn chế, nên cần có cách tiếp cận thực tế để đảm bảo luật này được thực thi, đặc biệt sau khi Bộ luật Hình sự được thông qua. Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý dân sự, hành chính cũng quan trọng không kém, giúp kiểm soát tham nhũng theo cách không phải là hình sự. “Từ phía Liên hợp quốc, chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam, với mục tiêu phát triển bền vững, trong đó kiểm soát tham nhũng hiệu quả với thiết chế vững mạnh là cơ sở để phát triển”, bà Akiko Fujii nói.

Trình bày Báo cáo nghiên cứu hoàn thiện các chế tài xử lý tham nhũng trong pháp luật PCTN của Việt Nam, TS Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, Việt Nam đang còn thiếu hụt một số chế tài hữu hiệu để xử lý các trường hợp tham nhũng.

“Thiếu sót đầu tiên là chưa hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp” bà Đào Lệ Thu nói và cho rằng, hình sự hóa hành vi này là một thách thức khi mà hệ thống kiểm soát tài sản, nhu nhập còn yếu kém.

“Cần tính toán lựa chọn các giải pháp bớt “cứng rắn” hơn nhưng hiện thực hơn như hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình; hoặc giới hạn trường hợp người nắm giữ tài sản phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp, ví dụ người đã kết án về tội tham nhũng; hoặc khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản tham nhũng”, bà Đào Lệ Thu đề nghị.

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, hiện nay chế tài PCTN không thiếu
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng, hiện nay chế tài PCTN không thiếu)

Bà Đào Lệ Thu cũng cho rằng, ít nhất phải có có chế tài TNHS cho pháp nhân với hành vi đưa hối lộ và hình sự hóa vi phạm qui định về kê khai tài sản.

Nguyên Phó Chánh án TAND TC, PGS.TS Trần Văn Độ nhìn nhận, cần có biện pháp mạnh để phát hiện và thu hồi được tài sản tham nhũng. “Tử hình mà không thu hồi được đồng nào thì không giải quyết được vấn đề gì cả. Thay vì tử hình, thay vì phạt tù thì bằng biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng”, ông Trần Văn Độ nhấn mạnh.

Ủng hộ hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, nhưng PGS.TS Trần Văn Độ cũng cho rằng, để quy định được tội này là vấn đề cực kỳ khó hiện nay.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền đánh giá, không kiểm soát được tài sản thì “việc rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng là đương nhiên, rất đương nhiên”.

“Tôi là Chủ tịch UBND tỉnh, có 10 cái nhà, còn con là giám đốc ngân hàng cỡ lớn. Tôi bảo đây là do con tôi chuyển tiền cho tôi, có vấn đề gì đâu, ai kiểm soát, vì con tôi không thuộc diện phải kê khai tài sản?”, ông Nguyễn Đình Quyền dẫn ví dụ.

Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cũng cho rằng, hiện nay chế tài PCTN không thiếu, nhưng thiếu điều kiện đảm bảo cho thực hiện chế tài. “Luật về công vụ, luật về kiểm soát tài sản, luật về điều tra đặc biệt tham nhũng chưa có thì không kỳ vọng gì nhiều trong việc cải thiện tình hình hiện nay”, ông Nguyễn Đình Quyền nói.

Theo PL&XH

Bạn đang đọc bài viết "Không kiểm soát được tài sản thì rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng là đương nhiên" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin