Trong khi Bộ Tài chính thực hiện khoán, không cấp xe công đưa đón tận nhà cấp thứ trưởng trở xuống thì nhiều bộ ngành, địa phương vẫn im lặng. Theo các chuyên gia, cần tiến tới yêu cầu tất cả các cơ quan phải khoán kinh phí xe công...
Quy định về khoán kinh phí cho cán bộ thay vì dùng xe công đã có từ lâu. Nhưng đến nay, dù khuyến khích vẫn rất ít nơi thực hiện.
Bạt ngàn xe công
Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết tổng số xe công khu vực hành chính sự nghiệp trên cả nước là khoảng 40.000 xe. Theo các chuyên gia, số xe này xếp ra có thể dài cả trăm kilômet. Đó là chưa kể số xe của một số bộ ngành và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Số tiền chi phí bình quân để vận hành một ôtô công lên tới 320 triệu đồng/năm. Và với chi phí như vậy, ước tính một năm số tiền ngân sách bỏ ra khoảng 12.800 tỉ đồng.
Xe công đi chùa, đi giỗ, cán bộ xài xe sang, xài xe vượt định mức không phải là chuyện mới ở VN. Theo các chuyên gia, việc sử dụng xe công thời gian qua rất lãng phí và không loại trừ có nhiều cách “lách”.
Như tiêu chuẩn thứ trưởng đi xe không quá 720 triệu đồng/chiếc (được điều chỉnh cũng không tăng quá 15%) nhưng có nhiều người hiện vẫn đi xe Camry 2.4 (có mức giá ngoài thị trường khoảng 900 triệu đồng) và vẫn có cách để cho rằng đã mua xe đúng quy định. Thậm chí, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, cấp phó chủ tịch UBND tỉnh không có tiêu chuẩn xe riêng nhưng có địa phương vẫn gửi văn bản hỏi và đề nghị cho mua xe.
Bộ Tài chính trong báo cáo về tình hình xe công gần đây đã chỉ thẳng thực tế tại nhiều bộ ngành, địa phương thực hiện chưa đúng tiêu chuẩn, định mức xe công. Nhất là tình trạng mua sắm, sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã có công văn gửi tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu tỉnh này điều chỉnh giảm sáu xe công. Sau khi điều chỉnh, định mức ôtô phục vụ công tác chung của tỉnh còn 227 xe. Bộ Tài chính đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện điều chuyển nội bộ từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Chủ trương khoán đã có, nhưng ít nơi làm
Theo một cán bộ tại Cục Quản lý công sản, việc khoán xe công đã được định hướng từ lâu. Tại quyết định 32/2015, Thủ tướng đã đưa ra cơ chế khoán xe công khá rõ. Cụ thể, nếu các vị trong diện có tiêu chuẩn xe công phục vụ “tự nguyện đăng ký” thì sẽ thực hiện khoán kinh phí sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Còn từ cơ quan đi công việc, quyết định cũng cho phép khoán và quy định luôn cơ chế kinh phí. Theo đó, khi nhận khoán, cán bộ vẫn được thanh toán tiền bằng với đơn giá bình quân của các hãng taxi phổ biến trên thị trường.
Như vậy, về cơ bản cán bộ sẽ không mất tiền, chỉ cần gọi taxi và được thanh toán, chỉ khác là một số cán bộ được khoán sẽ không còn đi xe biển xanh, được xe riêng chờ đợi, đưa đón tận nhà... Các doanh nghiệp nhà nước cũng được khuyến khích khoán. Tuy nhiên, cũng chưa thấy doanh nghiệp nào công bố đã khoán được cho lãnh đạo.
Chuyên gia Cục Quản lý công sản cho biết để tạo điều kiện cho cán bộ thuận lợi trong công tác cũng như vẫn đảm bảo tinh thần tiết kiệm, định hướng sẽ chuyển các đoàn xe của các bộ ngành, địa phương thành đơn vị sự nghiệp công có thu hoặc doanh nghiệp dịch vụ công ích. Các đơn vị này có thể hợp tác với các thành phần kinh tế cung cấp dịch vụ xe cho các cán bộ nhà nước.
Tuy nhiên, thay vì mỗi xe chỉ phục vụ một người, xe sẽ được tận dụng quay vòng nhiều hơn. Các đoàn xe nhờ đó sẽ có thêm nguồn thu, tăng thu nhập cán bộ, đồng thời tự chủ việc bảo dưỡng, đầu tư xe... Đây là bước quá độ để tiến tới xã hội hóa dịch vụ cung cấp xe cho các đơn vị nhà nước.
Về câu hỏi có bao nhiêu bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện khoán xe công, theo vị cán bộ tại Cục Quản lý công sản, quy định đã có từ năm 2015 nhưng đến nay cũng chưa có địa phương hay bộ ngành nào báo cáo về Bộ Tài chính việc khoán xe công. “Họ không có trách nhiệm phải báo cáo, nhưng qua nắm tình hình thì cũng chưa thấy cơ quan nào thực hiện khoán xe sâu rộng” - vị chuyên gia nói.
Không nên khoán nửa vời
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Bùi Ngọc Sơn - Viện nghiên cứu kinh tế chính trị thế giới (Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN) - cho rằng việc Bộ Tài chính mới khoán đoạn đường từ nhà đến cơ quan, còn từ cơ quan đi các nơi vẫn xe công là bước đệm, do đó cần tiến tới khoán 100%.
Nên ước tính trên thực tế công việc rồi khoán, không cần mua xe nữa, “chứ có xe, lãnh đạo thích thì họ vẫn đi”. Ông Sơn nêu tại nhiều nước, cấp thứ trưởng họ cũng không mua xe riêng phục vụ, ta không phải vì ngân sách khó khăn mới khoán, mà không khó khăn cũng cần khoán để tránh việc lạm dụng.
Theo ông Sơn, nhiều cán bộ lấy lý do công việc quá bận, phải tự lo xe thì sẽ lỡ việc là không thật. Bởi taxi, xe hợp đồng bây giờ rất nhiều, chỉ gọi vài phút là có mặt, nhất là khách thường xuyên. Thậm chí tắc đường, đi xe ôm còn nhanh hơn. Chỉ có điều nó không “oai” mà thôi. Bộ Tài chính đã “khởi động”, ông Sơn đề nghị cần sớm quy định không mua xe công cho cấp thứ trưởng trở xuống mà khoán toàn bộ.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cho rằng nên khuyến khích xe các hãng tư cung cấp cho dịch vụ công. Ví dụ bộ có thể thuê hãng xe nào đó thay vì ngân sách phải bỏ tiền để mua xe, rồi trả lương, trả tiền xăng...
Như ở Nhật Bản cũng đã áp dụng hình thức thuê này từ lâu. “Cách đây hơn 10 năm, tôi đi công tác Nhật Bản. Sang đó mới thấy chỉ có thủ tướng mới sử dụng xe do nhà nước mua, còn các cấp khác đi xe tư nhân cung cấp...”.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Học viện chiến lược và phát triển, Bộ KH-ĐT - cũng cho rằng cần phải quyết liệt thực hiện việc khoán xe công ở các bộ ngành, địa phương chứ không nên chỉ khuyến khích nữa vì chúng ta đã khuyến khích từ lâu nhưng không đâu vào đâu.
Thứ trưởng sẽ đi taxi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết từ ngày 1-10, sáu thứ trưởng và năm tổng cục trưởng của Bộ Tài chính sẽ bắt đầu nhận khoán xe công như đã thông báo. Là người thực hiện, bà Mai nêu có người biết lái xe thì có thể tự lái đến cơ quan, còn bà vì chưa thể lái ôtô nên bà sẽ đi taxi hoặc phương tiện khác thuận lợi.
Sở Tài chính Hà Nội cho biết cuối năm nay, Hà Nội sẽ cố gắng thí điểm khoán xe công ở một số sở, ban ngành, sau đó sẽ nhân rộng. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài chính xây dựng phương án thí điểm khoán kinh phí tự túc phương tiện cho các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ôtô khi đi công tác.
Tuy nhiên, sẽ phải tính toán một xe công chi phí hết bao nhiêu gồm tiền mua, sửa chữa, bảo hành, tiền xăng, lương lái xe... để đưa ra mức khoán phù hợp.
Theo Tuoitre