Khổ vì đi “đòi lại” thuế thu nhập

19/06/2017 08:46

Chính thuế thu nhập cá nhân làm khổ người lao động nghèo, tạo ra sự quá tải cho cả bộ máy cơ quan thuế,thay vì tập trung quản lý nguồn thu lại mất nhiều tháng trời tập trung hoàn thuế.

 Người dân đến làm thủ tục thuế tại trụ sở Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Q.Huy
Người dân đến làm thủ tục thuế tại trụ sở Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Q.Huy)

Hiện tại người lao động (NLĐ) không ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng dưới ba tháng nếu có thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế thu nhập vãng lai 10%. Thế nhưng thực tế số NLĐ kiếm thêm thu nhập vãng lai đa số có thu nhập thấp và không thường xuyên. Nhiều ý kiến cho rằng nếu thu trước 10% mỗi khoản thu nhập trên 2 triệu đồng thì sẽ thiệt thòi cho NLĐ thu nhập thấp, một phần thu nhập kiếm thêm của họ lại bị “chiếm dụng” suốt một năm, cuối năm lại phải vất vả đi hoàn thuế.

Đã nghèo còn bị... hành

Anh Nguyễn Văn Lâm (quận 12, TP.HCM) hiện làm việc tại một công ty chuyên kinh doanh thực phẩm, ký hợp đồng lao động một năm với mức thu nhập chưa tới 9 triệu đồng/tháng. Theo anh Lâm, chi phí ăn ở sinh hoạt, chưa kể phụ giúp gia đình quá lớn khiến anh chật vật nên phải tranh thủ làm thêm cho một công ty nữa, tính ra mỗi tháng kiếm thêm được 3 triệu đồng. Nhưng khoản thu nhập vãng lai này trên 2 triệu đồng, anh phải đóng thuế 10% là 300.000 đồng/tháng.

Tính ra tổng thu nhập mỗi tháng của anh Lâm là 12 triệu đồng, khoản thu nhập chịu thuế là 3 triệu đồng/tháng. Với mức thuế suất phải đóng là 5% theo biểu thuế lũy tiến từng phần của cơ quan thuế, số thuế thu nhập cá nhân (TNCN) của anh Lâm phải đóng là 150.000 đồng/tháng. Vì số thuế TNCN cả năm thấp hơn số thuế thu nhập vãng lai (300.000 đồng/tháng) đã đóng trước nên anh Lâm được hoàn thuế 150.000 đồng/tháng.

“Số tiền tuy nhỏ nhưng tính ra cả năm được hoàn số thuế 1,8 triệu đồng, đây là khoản mà người thu nhập thấp như mình có thể trang trải một số việc. Nhưng cái khổ của NLĐ là phải đi làm thủ tục hoàn thuế mất mấy ngày. Theo tôi, nên giảm mức thuế TNCN từ thu nhập vãng lai xuống mức thấp 5% thì bù qua sớt lại, NLĐ không bị thiệt, họ không phải mất công đi làm thủ tục hoàn thuế” - anh Lâm chia sẻ.

Khổ sở hơn là trường hợp của anh Quân (quận Bình Thạnh, TP.HCM), làm việc cho một công ty truyền thông với thu nhập thấp chỉ 5 triệu đồng/tháng, anh phải viết kịch bản thêm, “chạy” quảng cáo cho một đơn vị khác kiếm thêm khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Nhưng tổng các khoản giảm trừ của anh Quân gồm giảm trừ gia cảnh cho bản thân 9 triệu đồng + giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc là còn 3,6 triệu đồng/người, trừ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Tính ra tổng các khoản giảm trừ của anh Quân hơn 13 triệu đồng/tháng trong khi tổng thu nhập của anh Quân thấp hơn nên anh không phải đóng thuế TNCN.

Thế nhưng anh Quân cho biết anh vẫn phải đi làm thủ tục hoàn thuế số tiền thuế 10% đã đóng cho khoản thu nhập kiếm thêm 5-6 triệu đồng/tháng.

Đối với trường hợp NLĐ gặp doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng còn khổ hơn, vì đi “đòi lại” số tiền thuế TNCN mà họ không phải đóng vì thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng/tháng.

Chị Thúy An (quận Thủ Đức, TP.HCM) kể lại hành trình đi làm thủ tục hoàn thuế vừa ấm ức vừa khổ sở vì chờ đợi, khai lên khai xuống. Chị An cho biết chị làm bộ phận chăm sóc khách hàng cho một tổ chức tín dụng. Dù làm việc thường xuyên nhưng tổ chức tín dụng này lại chỉ ký hợp đồng cộng tác viên. Vì vậy, chị An phải chịu thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai, mỗi tháng lương 6 triệu đồng, chị bị trừ thẳng 600.000 đồng/tháng, chưa kể không được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

“Cuối năm tôi phải đi lên cơ quan thuế khai thuế TNCN để được hoàn lại 100% số tiền thuế (vì thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng không chịu thuế) đã đóng hơn 7 triệu đồng bị “chiếm dụng” cả năm. Trường hợp tôi làm lâu năm còn biết đi “đòi lại” số tiền thuế nhưng có nhiều NLĐ chỉ làm vài tháng, ngại đi làm thủ tục hoàn thuế nên chịu mất luôn” - chị An nói.

Khổ cả cơ quan thuế

Không chỉ NLĐ chịu thiệt thòi, khổ sở với thủ tục hoàn thuế mà cơ quan thuế cũng khổ không kém. Mới đây, Cục Thuế TP.HCM đã kiến nghị giảm thuế TNCN đối với thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên xuống 5%, thay vì 10% như hiện nay.

Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho rằng mức khấu trừ 10% với các khoản thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên là quá cao, khiến lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN tăng liên tục qua các năm.

Theo Cục Thuế TP.HCM, trong năm tháng đầu năm 2017 lượng hồ sơ xin hoàn thuế của phòng thuế TNCN đã lên đến hơn 8.600 hồ sơ trong khi lượng hồ sơ xin hoàn thuế cả năm 2016 chỉ hơn 8.200 hồ sơ. Nếu tính cả lượng hồ sơ xin hoàn thuế TNCN của các phòng và chi cục thuế, con số này càng lớn hơn.

Đáng chú ý, hơn 63% lượng hồ sơ hoàn thuế TNCN có số thuế hoàn từ 5 triệu đồng trở xuống, có hồ sơ có số thuế hoàn chỉ vài chục ngàn đồng. Trong khi đó dù hồ sơ có số thuế hoàn nhiều hay ít, cơ quan thuế cũng phải giải quyết theo một quy trình như nhau với tám chữ ký sống khiến cơ quan thuế tốn rất nhiều thời gian chỉ để giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Ngoài ra, Cục Thuế TP.HCM cũng kiến nghị Tổng cục Thuế làm việc với Kho bạc Nhà nước để đơn giản thủ tục hành chính khi thực hiện hoàn thuế TNCN.

Theo bà Hương, thay vì phải lập từng hồ sơ cho từng cá nhân như hiện nay, nên cho phép cơ quan thuế lập một lệnh hoàn chung cho nhiều cá nhân có tài khoản tại một ngân hàng, tương tự cách lập danh sách chi lương của các doanh nghiệp nhằm tiết kiệm chi phí cũng như thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thế TNCN.

Trước đó, Cục Thuế TP.HCM từng kiến nghị nâng mức khởi điểm khấu trừ với người có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng lên mức 5 triệu đồng nhưng bị cục thuế các tỉnh phản đối do lo ngại không còn nguồn để thu.

Chính sách thuế càng đơn giản, người nộp thuế dễ thực hiện và cơ quan thuế cũng dễ quản lý. Đại diện một công ty tư vấn thuế cho rằng cần phải giảm mức thuế suất phải nộp ở bậc 1 xuống 1%-2% thay vì 5% như hiện hành. Ví dụ bậc 1 là dưới 10 triệu đồng đóng thuế suất 1% hoặc 2%, bậc 2 là trên 10-20 triệu đồng đóng mức 10%, rồi từ đó tăng lên mức 20%-30% là cao nhất. Bởi sau giảm trừ gia cảnh, 5 triệu đồng không phải số tiền lớn, mức thuế suất bậc đầu nên thấp. Giảm thuế suất sẽ khuyến khích người nộp thuế tự nguyện thực hiện nghĩa vụ.

Theo các chuyên gia, mức thuế cao nhất tới 35% khiến người nộp thuế cảm nhận chính sách Việt Nam đang tận thu. Trong khi đó nhiều nước trên thế giới có mức thu nhập và GDP đầu người cao lại khác, mức 20% là cao nhất, để phải chịu mức thuế 20% thì thu nhập phải rất cao.

Trong khi thu nhập của người Việt trên mức 108 triệu đồng/năm phải chịu thuế thì theo số liệu năm 2016 do Cơ quan thuế Singapore công bố, người có thu nhập trên 40.000 SGD (tương đương hơn 650 triệu đồng) mới chỉ đóng thuế TNCN là 7% và sau 80.000 SGD (hơn 1,3 tỉ đồng) là 11%, mức thuế TNCN cao nhất chỉ là 20%.

Theo Pháp luật TPHCM

Bạn đang đọc bài viết "Khổ vì đi “đòi lại” thuế thu nhập" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin