Theo đồng chí Dương Cao Thanh – Bí thư huyện ủy Ba Vì, kinh tế trên địa bàn huyện Ba Vì tiếp tục duy trì phát triển, đạt mức tăng trưởng khá với 24/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Công tác quản lý chi ngân sách đảm bảo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán đã được HĐND huyện giao. An sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư phát triển, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn được nâng cao. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tăng 34,33% lượng khách so với cùng kỳ năm 2022.
Công tác xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP tiếp tục được chú trọng, toàn huyện hiện có 28 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Chất lượng giáo dục đào tạo tiếp tục được quan tâm, số lượng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện đạt tỷ lệ hơn 80%. Công tác lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Ba Vì đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND TP phê duyệt và được các cấp Chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hoàn thành công tác cung cấp số liệu, tài liệu phục vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Huyện Ba Vì cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích hỗ trợ, thu hút các nhà đầu tư. Tập trung giải quyết các kết luận, kiến nghị thanh tra còn vướng mắc, các vụ tranh chấp đất đai phức tạp, đẩy nhanh tiến bộ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm của TP, của huyện như: Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 - giai đoạn 1; Dự án Di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m) khu chôn lấp rác thải Xuân Sơn - Tản Lĩnh"; tập trung triển khai các dự án cung cấp nước sạch, phấn đấu tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 98%.
Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, huyện Ba Vì và các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian phát triển; trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các trục giao thông nội bộ, giao thông kết nối…Theo đó, huyện Ba Vì đề xuất thành phố đầu tư gần 2.675 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô và xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh, bổ sung một số công trình giao thông vào quy hoạch; thu hồi dự án chậm triển khai; không triển khai quy hoạch Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 2 (diện tích 378ha) trên địa bàn huyện.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, với trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc kinh tế, phát triển bền vững, chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Cùng với đó, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đậm nét hơn những việc làm và con người cụ thể điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực; phát động sâu rộng hơn nữa Cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người thủ đô gương mẫu...Với những quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tin rằng huyện Ba Vì sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.