Hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật hành chính công

Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công vừa tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật hành chính công, với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.

Cổng thông tin Quốc hội đưa tin, tại hội thảo, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội GS.Phan Trung Lý cho rằng, dự án Luật hành chính công đã được Quốc hội Việt Nam đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam có một luật chuyên về hành chính công, tạo ra bước phát triển mới trong vận hành nền hành chính của Việt Nam.

Các đại biểu đã trao đổi nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến xây dựng Dự luật như như khái niệm trong pháp luật Nhật Bản về hành chính công, các yếu tố cấu thành của hành chính công, những văn bản pháp luật nào tại Nhật Bản điều chỉnh lĩnh vực…

Nguyên Phó Chủ tịch Đại học Nagoya GS.Ichihashi Katsuya cho biết trong khái niệm pháp lý của Nhật Bản không có khái niệm hành chính công và cũng không có luật riêng về hành chính công. Tuy nhiên, qua tìm hiểu pháp luật Việt Nam và dự thảo Luật hành chính công có thể thấy khái niệm hành chính công ở Việt Nam tương gần với khái niệm sử dụng nguồn lực công để cung cấp dịch vụ công của Nhật Bản (public services).

 GS Phan Trung Lý phát biểu tại hội thảo (ảnh: quochoi.vn)
GS Phan Trung Lý phát biểu tại hội thảo (ảnh: quochoi.vn))

Tại Nhật, việc cung cấp các dịch vụ công được quy định trong các luật chuyên ngành của từng lĩnh vực. Ngoài ra, Nhật Bản có Luật thủ tục hành chính và Luật giám sát khiếu nại hành chính.

Luật thủ tục hành chính bảo đảm áp dụng các hành vi hành chính được thực hiện đúng pháp luật. Luật này quy định cụ thể thủ tục thực hiện các hành vi hành chính của cơ quan hành chính như thủ tục đối với cấp phép hành chính, thủ tục có liên quan đến hành vi hành chính xử lý bất lợi cho người dân.

Ngoài ra, luật còn quy định về quy trình chỉ đạo hành chính, hướng dẫn hành chính, thủ tục ban hành các quyết định hành chính (hoạt động lập quy của cơ quan nhà nước). Trong khi đó, Luật giám sát khiếu nại hành chính tập trung xử lý hậu quả phát sinh của hành vi hành chính…

Hoan nghênh việc xây dựng luật hành chính công của Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng điều này thể hiện bước tiến lớn trong quan niệm và tư duy chuyển từ nền hành chính kiểm soát, mệnh lệnh, xử phạt sang cung cấp phục vụ người dân nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật về hành chính của Việt Nam tương đối nhiều và đẩy đủ. Vì vậy vai trò của Luật hành chính công trong tổng thể các luật này có ý nghĩa lớn, làm thay đổi quan điểm vận hành nền hành chính bằng cách xác lập các nguyên tắc chung của một nền hành chính phục vụ.

Các chuyên gia cũng đề nghị xem xét bổ sung các quy định về thủ tục trước khi ban hành các quyết định hành chính như trao đổi, tham vấn người dân; làm rõ cơ chế để người dân bảo vệ quyền lợi của mình, giám sát hành vi hành chính, các tiêu chí để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp dịch vụ; chế tài xử lý để cơ quan nhà nước không cung cấp hay cung cấp dịch vụ không bảo đảm cho người dân…

Theo Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, việc xây dựng luật hành chính công nhằm quyết tâm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được xác định từ lâu trong việc chuyển đổi nền hành chính tập trung quan liêu bao cấp sang nền hành chính phục vụ.

Theo PL&XH

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin