Hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Bài viết khái quát pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, chỉ rõ những vướng mắc, bất cập về pháp luật và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

1. Khái quát pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Hiện nay, các quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm được thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Nghị đinh số 21/2021/NĐ-CP), Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm…

Tại Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể là từ Điều 303 đến Điều 308 quy định về xử lý tài sản bảo đảm. Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm gồm: (i) Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; (ii) Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật; (iii) Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định. Theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp bao gồm: (i) Bán đấu giá tài sản; (ii) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản; (iii) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (iv) Phương thức khác. Đây là các phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận, ngoài ra, các bên có thể thỏa thuận các phương thức khác để phù hợp với tính chất của nghĩa vụ như cho thuê tài sản, sử dụng tài sản trong một thời hạn phù hợp để thực hiện giao dịch bảo đảm.

Như vậy, theo quy định của pháp luật dân sự, có 04 phương thức để xử lý tài sản bảo đảm nói chung và tài sản bảo đảm là động sản nói riêng mà các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận là: Bán tài sản bảo đảm; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ đối với bên thứ ba; các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận bất kỳ một phương pháp xử lý tài sản bảo đảm khác.

2. Một số vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm là động sản trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại

Một là, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về động sản, gây lúng túng cho các chủ thể trong quá trình áp dụng. Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015, động sản được hiểu là những tài sản không phải là bất động sản, trong đó, bất động sản bao gồm đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; tài sản khác theo quy định của pháp luật. Có thể thấy rằng, hiện nay, pháp luật chưa đưa ra định nghĩa cụ thể về động sản mà chỉ xác định theo hướng loại trừ, đó là những gì không phải là bất động sản thì sẽ là động sản. Cách quy định như vậy là rất chung chung, gây khó khăn trong việc xác định chính xác loại tài sản nào được xem là động sản. Chính vấn đề này khiến cho nội dung phân loại động sản trong pháp luật dân sự trở nên chưa đầy đủ khi áp dụng vào thực tiễn của giao dịch bảo đảm bằng động sản trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là trong vấn đề xử lý tài sản là động sản trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

Hai là, quyền truy đòi của ngân hàng đối với tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay gặp nhiều khó khăn bởi tính chuyển động của động sản. Trên thực tế, động sản là một loại tài sản dễ bị thay đổi hình thái trong quá trình thực hiện bảo đảm khoản vay, trong khi hình thái ban đầu của động sản đã được gọi tên và xác định trong hợp đồng bảo đảm. Vì vậy, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền truy đòi của ngân hàng đối với động sản bảo đảm khi ngân hàng xử lý tài sản này để thu hồi vốn. Hiện nay, mặc dù Điều 7 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP đã đưa ra quy định về việc truy đòi tài sản bảo đảm nhưng mới chỉ dừng lại ở việc tái khẳng định quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm, mà chưa làm rõ được nội hàm của quyền truy đòi. Đặc biệt, Điều này cũng chưa làm rõ được quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao và thay đổi hoàn toàn định dạng ban đầu. Chính “lỗ hổng” pháp lý này không chỉ làm cho các ngân hàng lúng túng, khó khăn trong việc truy đòi khi động sản dùng để bảo đảm khoản vay bị thay đổi hình thái ban đầu mà điều này cũng tạo ra rủi ro về mặt pháp lý cho các ngân hàng khi thực hiện việc xử lý tài sản là động sản bảo đảm trong hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại.

Ba là, quy định về kiểm soát tài sản là động sản được dùng để bảo đảm các khoản vay còn hạn chế. So với bất động sản, động sản là loại tài sản có thể dễ dàng được chuyển giao quyền sở hữu từ chủ thể này sang chủ thể khác, chính điều này gây ra nhiều khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong việc xử lý đối với những loại động sản được dùng để bảo đảm các khoản vay này. Về nguyên tắc, khi tài sản được dùng để bảo đảm các khoản vay thì sẽ bị hạn chế quyền chuyển nhượng, trong đó có động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp bên vay cố tình tìm cách để thực hiện các giao dịch chuyển dịch tài sản thuộc quyền sở hữu của mình đang dùng để bảo đảm các khoản vay sang cho một chủ thể khác. Điều này tạo ra rủi ro cho các ngân hàng thương mại với tư cách là bên cho vay nhận tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là phải để quyền truy đòi có thể trở thành cơ chế bảo vệ quyền của ngân hàng, cũng như phải có hệ thống quy tắc ưu tiên một cách rõ ràng để ngân hàng định vị được mức độ được bảo vệ khi xảy ra trường hợp trên. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP chưa có những điều chỉnh hợp lý về những vấn đề này.

Bốn là, việc xử lý tài sản là động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu được dùng để bảo đảm trong các khoản vay tại các ngân hàng thương mại gặp nhiều vướng mắc. Theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015, điều kiện để tài sản (trong đó có động sản) được sử dụng để bảo đảm các khoản vay là tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện nay thì không bắt buộc tất cả các loại động sản đều phải đăng ký quyền sở hữu, điều này dẫn đến tình trạng các chủ thể khi đi vay sẽ sử dụng cả những động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu để bảo đảm cho các khoản vay. Vì không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu nên việc xác định quyền sở hữu của những loại động sản này gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi đối với nhiều loại động sản, có thể người chiếm hữu và chủ sở hữu là hai chủ thể khác nhau. Trên thực tế, để xác định được chủ sở hữu thực sự đối với tài sản là động sản không thuộc diện bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu, đòi hỏi ngân hàng phải thực hiện nhiều thủ tục để xác minh yếu tố pháp lý trong một chuỗi các giao dịch trước đó của động sản (giao dịch mua bán, tặng cho…), điều này gây tốn kém về thời gian, công sức, chi phí. Còn nếu bỏ qua, không thực hiện thì có thể dẫn đến tiềm ẩn nhiều vấn đề rủi ro cho chính bản thân của các ngân hàng khi xử lý các loại tài sản này để thu hồi vốn với tư cách là bên nhận tài sản bảo đảm các khoản vay.

3. Một số kiến nghị

Một là, cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về khái niệm động sản và đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định những loại tài sản là động sản được sử dụng trong hoạt động bảo đảm các khoản vay tại ngân hàng thương mại. Điều này là rất quan trọng và cần thiết để xác định được tính chính danh của các loại động sản này khi dùng để bảo đảm cho các khoản vay. Vấn đề này không chỉ tạo được hành lang cơ sở pháp lý vững chắc giúp các chủ thể có thể dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc áp dụng và thực thi pháp luật mà còn giúp hạn chế những rủi ro có thể phát sinh cho ngân hàng và các chủ thể có liên quan khi tiến hành xử lý tài sản là động sản được dùng để bảo đảm các khoản vay, bởi lúc này, tính chính danh của động sản được phép sử dụng để bảo đảm các khoản vay đã được xác định.

Hai là, cần quy định rõ quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao và thay đổi hoàn toàn định dạng ban đầu. Quyền truy đòi đóng vai trò rất quan trọng đối với bên nhận bảo đảm bởi thông qua quyền này sẽ giúp cho bên nhận bảo đảm có thể đòi lại được các quyền lợi chính đáng của mình trong trường hợp tài sản bảo đảm có sự thay đổi dịch chuyển về hình thái ban đầu. Vì vậy, việc quy định rõ ràng, cụ thể về quyền truy đòi của bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản đã được chuyển giao và thay đổi hoàn toàn định dạng ban đầu vào trong hệ thống các văn bản pháp luật là điều cần thiết để tạo khung pháp lý giúp các ngân hàng thương mại có thể dễ dàng, thống nhất trong việc thực hiện quyền truy đòi, đồng thời, cũng giúp ngân hàng hạn chế được rủi ro có thể phát sinh trong trường hợp này trên thực tế.

Ba là, cần xây dựng hệ thống các quy tắc ưu tiên một cách rõ ràng trong việc bảo vệ quyền lợi bên nhận bảo đảm khi tài sản bảo đảm khoản vay bị chuyển giao, cũng như cần phải xác định một số loại động sản được áp dụng theo phương thức bảo đảm đặc biệt. Theo đó, việc quy định rõ hệ thống các quy tắc ưu tiên bảo vệ quyền lợi một cách rõ ràng trong trường hợp tài sản là động sản được dùng để bảo đảm các khoản vay tại ngân hàng nhưng lại bị chuyển giao cho các chủ thể khác sẽ giúp ngân hàng có thể định vị mức độ được bảo vệ, từ đó có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Bên cạnh đó, việc quy định rõ loại động sản được áp dụng phương thức bảo đảm đặc biệt sẽ tạo ra cơ chế pháp lý ràng buộc cần thiết nhằm bảo đảm rằng những loại động sản này khi được dùng để bảo đảm các khoản vay sẽ không bị dịch chuyển, thất thoát, từ đó, giúp cho việc xử lý được thuận tiện, dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi cho ngân hàng trong trường hợp bên vay cố tình chuyển dịch tài sản là động sản dùng để bảo đảm cho các khoản vay thì đòi hỏi cần phải tăng tính thực thi của quyền truy đòi. Theo đó, việc tiếp cận quyền truy đòi cần được xác định dưới định dạng “quyền” của bên nhận bảo đảm và phải xem đây là cơ chế để bảo vệ quyền của ngân hàng thương mại với tư cách là chủ nợ. Khi điều này được bảo đảm thì cơ chế bảo vệ quyền lợi của ngân hàng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, từ đó, giúp các ngân hàng có thể bảo toàn lợi ích của mình khi tiến hành tiếp cận và xử lý các tài sản là động sản được sử dụng để bảo đảm các khoản vay nhưng lại bị bên vay chuyển dịch cho chủ thể khác.

Bốn là, cần quy định nguyên tắc tối thiểu trong việc xác định điều kiện pháp lý đối với động sản nói riêng và điều kiện hiệu lực của giao dịch bảo đảm nói chung. Điều này sẽ giúp ngân hàng có thể dễ dàng hơn trong việc xử lý tài sản là động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu được dùng để bảo đảm trong các khoản vay. Quy định tối thiểu ở đây được hiểu là điều kiện của động sản bảo đảm không nhất thiết phải “hội tụ” đủ ba nhóm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của bên bảo đảm, mà chỉ cần có một phần trong các quyền trên thì được xác định là đủ điều kiện pháp lý của động sản bảo đảm. Về nội dung này, trong quy định tại Điều 9.203 (b) Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ (UCC) quy định: “Lợi ích bảo đảm được gắn với động sản bảo đảm nếu bên bảo đảm có quyền đối với động sản bảo đảm hoặc có quyền chuyển giao các quyền có liên quan đến động sản bảo đảm” và Việt Nam có thể nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm này[1]. Khi quy định trên được xác lập rõ ràng sẽ giúp ngân hàng dễ dàng hơn trong việc xử lý tài sản là động sản không thuộc diện phải đăng ký quyền sở hữu, cũng như hạn chế được các vấn đề rủi ro có thể phát sinh trên thực tế./.

TS. Trương Thị Tuyết Minh & ThS. Trần Linh Huân

Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

 

[1]. Trương Thị Tuyết Minh, “Điều chỉnh pháp luật đối với giao dịch bảo đảm bằng động sản trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng”, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 8 (353), tr. 37.

(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 406), tháng 6/2024)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin