1. Khái niệm, đặc điểm mua, bán nợ xấu của VAMC
1.1. Khái niệm mua, bán nợ xấu
Nợ xấu là khoản nợ phát sinh trên cơ sở hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng (TCTD). Theo Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), nợ xấu bao gồm toàn bộ các khoản cho vay đã quá hạn 90 ngày và có dấu hiệu người đi vay không trả được nợ. Ở Việt Nam, theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42/2017/QH14), Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nợ xấu là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Từ đó, có thể hiểu, nợ xấu là các khoản nợ phát sinh trên cơ sở hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đã quá hạn trả nợ từ 90 ngày trở lên và con nợ bị nghi ngờ về khả năng trả nợ. Khoản nợ bao gồm số tiền nợ gốc, nợ lãi và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến khoản nợ mà khách hàng chưa trả theo hợp đồng hoặc thỏa thuận cấp tín dụng.
Mua, bán nợ xấu của VAMC được hiểu là sự thỏa thuận thể hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản giữa TCTD (bên bán nợ) và VAMC (bên mua nợ) về việc chuyển nhượng quyền sở hữu khoản nợ từ bên bán nợ sang bên mua nợ theo các điều kiện, nguyên tắc, phương thức và quy trình luật định.
1.2. Đặc điểm của mua, bán nợ xấu
Thứ nhất, hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC được thực hiện bởi bên bán nợ là TCTD có khoản nợ xấu và bên mua nợ là VAMC. Sau khi mua nợ từ TCTD, VAMC có thể bán nợ cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện kinh doanh nợ xấu. TCTD và VAMC thỏa thuận về việc mua, bán nợ trong hợp đồng mua, bán nợ. Toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu bên bán nợ có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ theo hợp đồng mua, bán nợ.
Thứ hai, các khoản nợ xấu được mua, bán bởi VAMC phải thỏa mãn điều kiện nhất định. Đây là khoản nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; khách hàng vay còn tồn tại; số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Điều này cho thấy, không phải khoản nợ xấu nào của các TCTD cũng được VAMC mua mà chỉ những khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm thì mới thuộc đối tượng mua, bán của VAMC. TCTD có tỷ lệ nợ xấu từ 03% so với tổng dư nợ tín dụng trở lên phải bán nợ cho VAMC. Trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá, kiểm toán độc lập, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu TCTD phải bán nợ cho VAMC để bảo đảm tỷ lệ nợ xấu của TCTD ở mức an toàn và áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, các nguyên tắc mua, bán nợ xấu của VAMC. Khi mua, bán nợ xấu, VAMC phải tuân thủ các nguyên tắc chung của xử lý nợ xấu của TCTD và các nguyên tắc đặc thù khi mua, bán nợ xấu của VAMC. Các nguyên tắc chung của xử lý nợ xấu là: Bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Các nguyên tắc đặc thù khi mua, bán nợ xấu của VAMC bao gồm: Tuân thủ đúng quy định của pháp luật và hợp đồng mua, bán nợ; hạn chế rủi ro và chi phí trong mua, bán nợ xấu; việc mua, bán nợ xấu được thực hiện đối với từng khoản nợ xấu hoặc theo từng khách hàng vay trong trường hợp khách hàng vay có nhiều khoản nợ xấu tại một TCTD hoặc theo từng nhóm khách hàng vay trong trường hợp một tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của nhiều khách hàng vay tại một TCTD hoặc theo hình thức khác do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật[1]. Có thể thấy, các nguyên tắc mua, bán nợ xấu của VAMC trước hết nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là các TCTD cho vay, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, hài hòa hóa lợi ích giữa Nhà nước, các ngân hàng (chủ nợ) và VAMC và bảo đảm sự an toàn cho các TCTD. Điều này cũng phù hợp với các nguyên tắc quản lý nợ xấu của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.
Thứ tư, các phương thức mua, bán nợ xấu của VAMC. Khác với mua, bán nợ xấu của các tổ chức, cá nhân khác, VAMC mua, bán nợ xấu theo hai phương thức: Mua nợ xấu của TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành và mua nợ xấu của TCTD theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Trái phiếu đặc biệt là giấy tờ có giá có thời hạn do VAMC phát hành để mua nợ xấu của TCTD. Trái phiếu phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường là giấy tờ có giá có thời hạn do VAMC phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ khi mua nợ xấu theo giá trị thị trường. VAMC thực hiện phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu của TCTD. Mệnh giá của trái phiếu tương ứng với giá trị của khoản nợ xấu mà VAMC mua của ngân hàng thương mại. Việc mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC phải tuân theo điều kiện, quy trình luật định. Trái phiếu đặc biệt có thể được gia hạn, tổng thời hạn gia hạn và thời gian gốc của trái phiếu đặc biệt tối đa không quá 10 năm kể từ ngày phát hành. Một trái phiếu, trái phiếu đặc biệt được phát hành tương ứng với một khoản nợ xấu được mua, bán, có lãi suất 0%.
Thứ năm, hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC được điều chỉnh trong văn bản pháp luật đặc thù, khác với mua, bán nợ xấu của các tổ chức, cá nhân khác. Hiện nay, ở Việt Nam, Nghị quyết số 42/2017/QH14 áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân xử lý nợ xấu của TCTD, trong đó có VAMC. Tuy nhiên, để cụ thể hóa hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC thì có văn bản riêng điều chỉnh (Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC). Hoạt động mua, bán nợ của Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua, bán nợ Việt Nam (DATC) được điều chỉnh bởi Thông tư số 135/2015/TT-BTC ngày 31/8/2015 của Bộ Tài chính ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của DATC. Còn các chủ thể khác tham gia xử lý nợ xấu chịu sự điều chỉnh của văn bản khác (Thông tư số 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động mua, bán nợ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Điều này cho thấy tầm quan trọng của VAMC trong xử lý nợ xấu. Đây là công ty xử lý nợ xấu của Nhà nước, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. VAMC đã thành lập Sàn giao dịch nợ (chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2021), tạo kênh xử lý nợ xấu ngân hàng hiệu quả, góp phần tích cực tư vấn, hỗ trợ việc mua bán, cơ cấu nợ của các TCTD được diễn ra nhanh chóng, khách quan, công khai và minh bạch[2].
2. Một số bất cập của pháp luật về hoạt động mua, bán nợ xấu của VAMC
Pháp luật về mua, bán nợ xấu của VAMC đã được ban hành, tuy nhiên vẫn còn những bất cập cần được hoàn thiện, cụ thể như sau:
Một là, về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu: Theo điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14, các chủ thể mua, bán nợ xấu (trong đó có VAMC) chỉ được thu giữ tài sản bảo đảm khi hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về việc bên bảo đảm đồng ý cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật. Vì vậy, VAMC rất khó thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý vì hầu hết các hợp đồng bảo đảm ký kết trước thời điểm Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực đều không có thỏa thuận về việc đồng ý của bên bảo đảm cho TCTD thu giữ tài sản bảo đảm, bởi lẽ lúc đó Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên của TCTD nhận bảo đảm. Do vậy, VAMC khó thực hiện được quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu.
Hai là, pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của VAMC chưa thực sự hợp lý, VAMC phụ thuộc nhiều vào Ngân hàng Nhà nước khi giải quyết các vấn đề trong quá trình thực hiện hoạt động mua, bán nợ xấu của TCTD. Khi mua nợ xấu theo phương thức phát hành trái phiếu đặc biệt hay theo giá trị thị trường thì VAMC đều phải làm hồ sơ xin phép và được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các phương án này. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu và tính độc lập của VAMC trong hoạt động xử lý nợ xấu.
Ba là, Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu như sau: Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Tuy nhiên, theo Công văn số 736/TCT-DNL ngày 05/3/2018 của Tổng cục Thuế về việc khai, nộp thuế khi bán tài sản bảo đảm thì: Trường hợp khi chuyển nhượng bất động sản mà tài sản bảo đảm vẫn thuộc sở hữu của khách hàng vay nợ, VAMC đứng ra bán tài sản bảo đảm thì VAMC phải khai, nộp thay thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập chuyển nhượng bất động sản theo quy định. Vậy, VAMC vẫn phải trả thuế trước khi thanh toán nghĩa vụ nợ. Điều này cho thấy, quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 chưa thống nhất với các văn bản khác liên quan, gây khó khăn cho VAMC khi thực hiện mua, bán và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Bốn là, khoản 1 Điều 6 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài. Điều này cho thấy, VAMC chỉ được mua khoản nợ xấu của TCTD trong nước, không được mua nợ xấu của TCTD có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, pháp luật đã giới hạn các khoản nợ được mua bởi VAMC và tạo sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các TCTD trong nước và TCTD có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Điều này chưa thực sự hợp lý, bởi lẽ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không quy định và thể hiện sự không biệt đối xử giữa các loại hình TCTD, bảo đảm quyền tự chủ và tự quyết của các loại hình TCTD. Do đó, về nguyên tắc, TCTD nước ngoài cũng có quyền tự quyết việc bán khoản nợ xấu cho VAMC và trên cơ sở đó bảo đảm sự an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Năm là, trong quá trình mua, bán nợ xấu, VAMC được tự thực hiện đấu giá tài sản là khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản (Điều 35 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN). Tuy nhiên, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC chỉ giới hạn trong phạm vi các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của TCTD, dẫn đến trên thực tế VAMC gặp một số khó khăn trong quá trình mua, bán nợ xấu như: (i) Các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt sẽ được chuyển giao lại TCTD khi đến hạn thanh toán, VAMC sẽ không có quyền tiếp tục thực hiện bán đấu giá và TCTD sẽ phải thực hiện đấu giá lại từ đầu các khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ; (ii) Khi VAMC thực hiện mua các khoản nợ đồng tài trợ với các TCTD, thì VAMC cũng không thể thực hiện đấu giá toàn bộ khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; (iii) Nhiều khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được niêm yết trên Sàn giao dịch nợ của VAMC và có các hợp đồng nguyên tắc, môi giới khoản nợ xấu giữa VAMC và TCTD, VAMC cũng không thể tự thực hiện việc đấu giá này do khoản nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ không thuộc phạm vi, đối tượng đấu giá của VAMC… Với vai trò của VAMC là tổ chức do Nhà nước thành lập để xử lý nợ xấu thì hoạt động đấu giá tài sản của VAMC được thực hiện trong phạm vi khá hẹp, chưa phù hợp với chức năng của tổ chức xử lý nợ xấu chuyên nghiệp[3].
Sáu là, các điều kiện mua nợ xấu của VAMC theo giá trị thị trường hiện pháp luật quy định khá chặt chẽ. Ngoài các điều kiện như đối với khoản nợ xấu mua theo phương thức phát hành trái phiếu đặc biệt (khoản 1 Điều 16 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN), các khoản nợ VAMC mua theo giá trị thị trường phải thỏa mãn thêm các điều kiện như: Được VAMC đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ; tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ; trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước (Điều 23 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN). Quy định này dẫn đến việc mua, bán nợ xấu theo giá trị thị trường rất hạn chế. Hầu hết các khoản nợ VAMC mua là theo phương thức phát hành trái phiếu đặc biệt. Tuy nhiên, phương thức này về bản chất chỉ thể hiện việc “giữ hộ” nợ xấu của VAMC cho các TCTD.
3. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về mua, bán nợ xấu của VAMC
Một là, khẳng định quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên của VAMC vì VAMC là chủ thể mua nợ xấu từ TCTD, tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ khoản nợ xấu, trong đó có quyền xử lý tài sản bảo đảm đối với khoản nợ khi khoản nợ quá hạn. Việc có thỏa thuận hay không có thỏa thuận với bên bảo đảm về việc giao tài sản bảo đảm không quan trọng vì khi hợp đồng bảo đảm có hiệu lực và bên được bảo đảm (khách hàng) vi phạm nghĩa vụ trả nợ thì bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ. Vậy quyền thu giữ tài sản bảo đảm là một trong các quyền phát sinh từ bản chất của hợp đồng bảo đảm. Nếu hợp đồng này được xác lập một cách hợp pháp thì đương nhiên quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và thu hồi nợ là quyền đương nhiên của bên nhận bảo đảm và VAMC (là bên mua khoản nợ có bảo đảm).
Hai là, pháp luật cần quy định rõ thứ tự thanh toán các khoản thuế và lệ phí trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi xử lý nợ xấu của VAMC (thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, thuế thu nhập doanh nghiệp). Các khoản chi phí này cần được ưu tiên thực hiện trước khi thanh toán nghĩa vụ nợ cho TCTD, từ đó bảo đảm quyền bán tài sản bảo đảm và thu hồi nợ của VAMC.
Ba là, pháp luật cần quy định đa dạng các khoản nợ xấu được mua, bán bởi VAMC, trong đó có thể là nợ xấu của TCTD được thành lập trên cơ sở nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và nợ xấu của các TCTD có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình TCTD và bảo đảm sự ổn định, phát triển của hệ thống ngân hàng.
Bốn là, pháp luật cần quy định mở rộng phạm vi tài sản bán đấu giá thuộc thẩm quyền của VAMC như tài sản thuộc khoản nợ được đưa ra bán đấu giá trên Sàn giao dịch nợ, các tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đồng tài trợ. Điều này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC nói riêng và của toàn Ngành Ngân hàng nói chung[4], tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa VAMC và các TCTD trong hoạt động xử lý nợ xấu, góp phần đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu hiệu quả, góp phần thúc đẩy thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam.
Năm là, các điều kiện đối với khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường cần được đơn giản hóa, khác với các khoản nợ được mua theo phương thức phát hành trái phiếu đặc biệt, từ đó có thể kích thích thị trường mua, bán nợ xấu phát triển. Ví dụ, không cần thiết các khoản nợ xấu này phải có tài sản bảo đảm mà có thể có bảo lãnh của bên thứ ba và khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ. Đây là hai vấn đề rất quan trọng, có thể tác động mạnh tới việc thu hồi khoản nợ xấu.
Nguyễn Thái Thu Hà
Trung tâm Giáo dục và Đào tạo quốc tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Điều 8 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 06/9/2013 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC, được sửa đổi, bổ sung bởi các thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như: Thông tư số 14/2015/TT-NHNN, Thông tư số 08/2016/TT-NHNN, Thông tư số 09/2017/TT-NHNN (sau đây gọi là Thông tư số 19/2013/TT-NHNN).
[2]. TS. Cấn Văn Lực (2023), Bức tranh nợ xấu của ngành Ngân hàng và một số kiến nghị, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?.
[3]. Ngô Thị Minh Thảo, Phạm Thị Tú Anh (2023), Quá trình hoàn thiện pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu từ khi VAMC được thành lập đến nay, https://sbvamc.vn/bai-viet/qua-trinh-hoan-thien-phap-ly-lien-quan-en-hoat-5855
[4]. Ngô Thị Minh Thảo, Phạm Thị Tú Anh (2023), Quá trình hoàn thiện pháp lý liên quan đến hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu từ khi VAMC được thành lập đến nay, https://sbvamc.vn/bai-viet/qua-trinh-hoan-thien-phap-ly-lien-quan-en-hoat-5855.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 1 (Số 384), tháng 7/2023)