Hoàn thiện hành lang pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các vụ lừa đảo trên không gian mạng

07/11/2022 15:09

(Pháp lý) – Ngày 4/11, tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, hàng loạt những vấn đề nóng thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông được các đại biểu đặt ra như: xử lý tội phạm công nghệ cao, ngăn chặn tin giả, quản lý quảng cáo trên mạng xã hội, vấn nạn cuộc gọi rác... Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và giải trình đầy đủ các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, đồng thời nêu một loạt giải pháp quan trọng.

anh-minh-hoa-1667557184.jpg
 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Phát triển nền tảng số: Giải pháp đột phá đẩy nhanh chuyển đổi số

Trả lời câu hỏi của các ĐBQH tại phiên chất vấn ngày 4/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột của chuyển đổi số Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Theo đó, năm 2022 đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022 này đã có 500 triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam và chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp đột phá, Bộ trưởng nêu rõ "có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại". Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp. Theo đó, khi Bộ công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả mức Trung ương và các địa phương và có trang website để công bố các bài toán cần lời giải bài toán chuyển đổi số Việt Nam.

Nhân tài là yếu tố quyết định trong việc làm chủ khoa học công nghệ, ứng dụng khoa học công nghệ.

Trả lời câu hỏi về nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Bộ trưởng cho biết, hiện cả nước có xấp xỉ khoảng 1,2 triệu lao động, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550 ngàn người. Bộ trưởng cho rằng giải pháp ở đây là đại học số. Tuy nhiên nếu đào tạo theo cách truyền thống thì đã đạt đến mức giới hạn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp giấy phép về thí điểm đại học số. Nếu đại học số thí điểm sớm thì sẽ là một trong những giải pháp để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực công nghệ số.

Một trong những giải pháp mang tính căn bản đột phá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện là xây dựng các nền tảng đào tạo trực tuyến số lượng lớn đến các đối tượng khác nhau, tên nền tảng này là One Touch và đã đưa vào vận hành được 6 tháng, đã có 10 triệu người Việt Nam lên đó học tập. Trong nền tảng này cũng có một phần dành riêng cho cán bộ, công chức lên đấy tự học, tự đánh giá và sẽ tự cấp các chứng chỉ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trả mức lương tương đương nước ngoài, bắt đầu xuất hiện nhiều người lao động đang làm ở nước ngoài về Việt Nam. Dù vậy, ông cho rằng Việt Nam cần nhiều chính sách thu hút nhân tài hơn, vì không có nhân tài đất nước khó phát triển.

Xử lý ngăn chặn thông tin xấu độc, phải tăng hình phạt để răn đe

Bộ trưởng Bộ TT & TT cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng thông qua vaccine. Cần làm sao để người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu độc. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng trên không gian mạng, tin xấu độc giống không khí, tin xấu độc nhiều thì không khí bị vấy bẩn. Không khí đầu độc phổi, thông tin đầu độc não. Ai quản lý cái gì trong đời thực thì quản lý cái đó trên không gian mạng,... như vậy mới đủ nguồn lực làm không gian mạng lành mạnh.

Bộ TT & TT đã đề xuất Bộ Giáo dục, đưa thêm nội dung kỹ năng sống vào đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3, để "tăng đề kháng" cho các em; phát triển nền tảng nâng cao kỹ năng trên môi trường số... Bộ TT & TT sẽ chủ động rà soát, gỡ quét thông tin xấu độc.

Theo Bộ trưởng, hiện nay phạt đưa thông tin giả tại Việt Nam dù đã tăng lên 3 lần, nhưng so với các nước trong khu vực ASEAN chỉ bằng 1/10. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc đưa mức phạt lên đủ sức răn đe, ít nhất ngang  với mức trung bình trong khu vực.

Về ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tin giả trên mạng nếu xử lý chậm sẽ lan truyền rất rộng. Vừa qua, các cơ quan đã nâng tầm xử lý tin giả từ thông tư lên nghị định. Nghị định quy định rõ hành vi, trách nhiệm các bên liên quan, thời gian các nhà mạng phải hạ thông tin xấu độc từ 48 giờ rút xuống còn 24 giờ, có thông tin đặc biệt chỉ trong 3 giờ.

Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ TT & TT cho rằng phải dùng công nghệ. Các nhà mạng phát triển công nghệ phát hiện cuộc gọi rác và chủ động ngăn chặn. Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và mọi người dân trong việc làm sạch không gian mạng, nâng cao sức đề kháng trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu độc.

Cần xây dựng Luật tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Về mua bán dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, đây là tài sản cá nhân được nhắc đến trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân đều cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Doanh nghiệp thu thập thông tin cần thực hiện đúng pháp luật, cụ thể, khi thu thập dữ liệu cá nhân cần có hợp đồng mẫu, quy định rõ trong hợp đồng mục đích sử dụng, cách thức sử dụng thông tin này.

Về nguyên nhân dẫn đến lộ, lọt dữ liệu cá nhân, số điện thoại, Bộ trưởng cho rằng, mỗi cá nhân rất dễ dãi khi đến các cơ sở mua bán, các cửa hàng xin dữ liệu cá nhân số điện thoại mà người dân không hỏi mục đích doanh nghiệp thu thập để làm gì, có trong hợp đồng hay không, họ có đưa cho bên thứ 3 hay không. Đây là vấn đề thuộc về nhận thức của mỗi cá nhân. Do vậy, Bộ TT-TT cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ bí mật dữ liệu cá nhân.

Bộ trưởng cho biết, Bộ đã bước đầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tăng mức phạt gấp 2 lần với các trường hợp vi phạm, nhưng vẫn còn ở mức thấp. Giải pháp để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như trách nhiệm của Bộ, trong năm 2022 này, Bộ TT-TT sẽ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về việc thu thập, xử lý đảm bảo an toàn và đầu năm 2023, Bộ TT & TT sẽ thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp bưu chính vì họ cũng thu thập nhiều dữ liệu liên quan đến hầu hết người dân và các mạng xã hội lớn, kể cả trong nước và các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời kiến nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

Theo ông Hùng, nếu coi Facebook và YouTube là hai nền tảng chính thì tỉ số đang là 50-50 giữa mạng xã hội Việt Nam và mạng xã hội nước ngoài. Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu của người Việt Nam tại Việt Nam". Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, các cơ quan sẽ ban hành nghị định và tiến tới xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tạo hành lang pháp lý vững chắc.

Trả lời các đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tình trạng mua bán, thu thập dữ liệu thông tin cá nhân đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát. Bộ Công an kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế đặc thù về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hoàn thiện pháp luật để xử lý nghiêm các vụ lừa đảo trên không gian mạng 

Trước thực trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cờ bạc qua mạng xu hướng gia tăng, nguyên nhân và giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho rằng đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà có ở hầu hết quốc gia. Các đối tượng sử dụng rất nhiều phương tiện, trong đó có điện thoại và các trang web. Thời gian qua, Bộ đã hoàn thiện văn bản thể chế, định nghĩa rõ các hành vi, quy định, quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển công an xử lý hình sự.

Một trong những giải pháp Bộ TT & TT quan tâm là xử lý là công khai các đầu số điện thoại 156, trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về hoạt động vi phạm, lừa đảo, đồng thời phát triển công cụ, công nghệ quản lý không gian mạng.

Bộ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện rà quét, ngăn chặn hơn 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo. Nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ có khoảng 3,1 triệu người truy cập và xác suất lừa đảo là rất lớn".

Thời gian vừa qua, việc đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông làm là hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, định nghĩa rõ các hành vi và quy định, quy trình xử lý hành chính, cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự.

Về số điện thoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung xử lý các sim rác. Đây là một trong những công cụ để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu cụ thể, về xử lý sim rác có 3 công đoạn lớn là: 

Thứ nhất, tất cả thuê bao không có đầy đủ thông tin sẽ xoá khỏi hệ thống. Năm 2018 có 22 triệu thuê bao chưa có thông tin và đến nay, tất cả thuê bao đều có thông tin.

Thứ hai, thông tin đó có chính xác không, hiện nay, chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Các nhà mạng đang đối soát. Đến đầu năm 2023 sẽ rà soát xong.

Thứ ba, một người đăng ký nhiều sim, gọi là sim không chính chủ. Theo đó, vấn đề ở đây là xử lý sim không chính chủ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng xử lý xong vấn đề này, chúng ta sẽ ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, cuộc gọi rác.

Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị 4 giải pháp về An ninh mạng

Chất vấn lĩnh vực TT-TT liên quan đến BCA có 3 vấn đề, 1 là tồn tại hạn chế quản lý về an ninh mạng, 2 là mua bán trái phép thông tin cá nhân và giải pháp ngăn chặn xử lý. 3 là chia sẻ kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Theo đánh giá của Bộ Công an về an ninh mạng thì có có 5 nhóm, có nơi còn khoán trắng cho cơ quan chuyên trách. Công tác  xử lý vi phạm còn chưa hiệu quả. Phần lớn nền tảng dịch vụ công nghệ hiện không có pháp nhân đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam để phối hợp xử lý, quản lý.

Về việc thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân diễn ra rất phức tạp hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công an kiến nghị 4 giải pháp:

Một là hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách đặc thù trên không gian mạng.

Hai là ban bộ ngành địa phương phải chủ động hiện đại hoá cơ sở hạ tầng đảm bảo an ninh, dịch vụ công nghệ lưu trữ thông tin dữ liệu cá nhân. Dữ liệu là tài sản quốc gia cần đảm bảo kể cả dữ liệu bí mật cá nhân.

Ba là xây dựng nhân lực chất lượng cao để bố trí nhân sự có khả năng năng lực hoàn thành công việc này. Tất cả các cơ quan liên quan bảo vệ dữ liệu đều phải làm vấn đề này.

Bốn là đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức mạnh về bảo mật, tích cực tham gia xây dựng sáng kiến quy chuẩn quy tắc bảo vệ an ninh dữ liệu.

Bộ TT & TT sẽ thanh tra xử lý hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội 

Trước tình trạng hàng giả, hàng nhái chào bán công khai trên Facebook và các mạng xã hội khác, đây là vấn nạn cần siết chặt và xử lý.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tình trạng quảng cáo sai sự thật khá nhức nhối hiện nay. Có tình trạng trang thông tin điện tử, báo điện tử bán các khoảng trống trên trang để quảng cáo nhưng buông lỏng quản lý, gần như doanh nghiệp quảng cáo gì cũng được.

Từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông sửa các văn bản, nghị định, thanh tra, kiểm tra, thì các cơ quan báo chí, trang tin đã ý thức hơn. Việc quảng cáo sai trên các trang này cơ bản đã được xử lý. Tuy nhiên, vấn đề quảng cáo sai hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, YouTube, với rất nhiều quảng cáo trái quy định pháp luật.

Về giải pháp, Bộ trưởng Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về vấn đề quảng cáo trên các nền tảng.

Bộ trưởng Bộ TT & TT đặt câu hỏi "Thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là thực phẩm chức năng, thì cần xác minh quảng cáo đã đúng pháp luật chưa? Đồng thời đề nghị các bộ, ngành địa phương trong thẩm quyền của mình cùng rà soát không gian, lĩnh vực của mình, thẩm tra, đánh giá, xử lý việc quảng cáo sai sự thật trên nền tảng xuyên biên giới”.

Xử lý nghiêm tình trạng báo hóa Tạp chí, báo hóa trang tin

Trước câu hỏi của đại biểu về tình trạng báo hóa các trang thông tin, trang mạng và mạng xã hội, Bộ trưởng Hùng cho biết, hiện nay cơ quan đã công khai dấu hiệu, biểu hiện thế nào là một tạp chí báo hóa, một trang thông tin báo hóa để toàn dân cùng giám sát.

Bộ trưởng cho biết trong số 650 tạp chí, cơ quan chức năng đã phát hiện khoảng 30 tạp chí có dấu hiệu báo hóa, không nhiều. Các trang tin được cấp phép là khoảng 2.000 trang, số có dấu hiệu báo hóa cũng khoảng 30 trang.

Đảng, Nhà nước cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý, tiến hành xử phạt, nhắc nhở, yêu cầu đối với nhiều cơ quan để đảm bảo từng bước giải quyết vấn đề này.

Thành Chung
Bạn đang đọc bài viết "Hoàn thiện hành lang pháp luật để bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử lý nghiêm các vụ lừa đảo trên không gian mạng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin