Hỗ trợ hàng không thoi thóp thời Covid-19 kiểu... ACV

Với phí sân đậu tàu bay, ACV hoàn toàn không miễn, giảm, khi vẫn đang duy trì tính ở mức 32.000 đồng/tấn/ngày, trong bối cảnh máy bay đậu la liệt các sân giai đoạn này vì không có khách.

Ảnh minh họa.

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có thông báo miễn, giảm 7 loại dịch vụ nhằm "chia sẻ khó khăn" cho các doanh nghiệp hàng không. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn giảm này chỉ mang nặng tính hình thức.

Cụ thể, ngày 23/3, ACV đã phát đi thông báo miễn, giảm với 7 loại dịch vụ, bao gồm: Dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%. Các dịch vụ này được miễn giảm giá từ ngày 01/3/2020 đến hết tháng 8/2020.

Song những dịch vụ mà ACV "chọn" để miễn, giảm phí dường như lại không phải là những dịch vụ tác động nhiều đến các hãng hàng không.

Theo tìm hiểu của PV, trong số 7 loại dịch vụ được ACV miễn, giảm cho các hãng hàng không, phí dẫn tàu bay được ACV giảm 50%, nhưng vấn đề là hiện nay, phần lớn máy bay của các hãng hàng không đều đang “đắp chiếu” do vắng khách, thì vốn đã không có nhiều chuyến bay để áp phí.

Dịch vụ được giảm nhiều nhất là miễn 100% phí dịch vụ thuê văn phòng đại diện nếu các hãng dừng bay và giảm 30% với các văn phòng còn lại cũng không mang nhiều ý nghĩa, bởi hầu hết hoạt động của các văn phòng đại diện mà doanh nghiệp thuê của ACV đều đã… đóng cửa.

Trong khi đó, các dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất - vốn chiếm đáng kể trong chi phí hiện tại của các hãng hàng không - thì lại chỉ được giảm… 10%.

Đặc biệt, với phí sân đậu tàu bay, ACV hoàn toàn không miễn, giảm, khi vẫn đang duy trì tính ở mức 32.000 đồng/tấn/ngày. Với trọng lượng máy bay từ 77 - 200 tấn/chiếc, tính ra các hãng hàng không phải trả cho phí đỗ 3 triệu đồng/ngày/máy bay, trong bối cảnh máy bay đậu la liệt các sân bay giai đoạn này vì không có khách.

Miễn, giảm mang tính hình thức

PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính

Trao đổi với PV, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính nói, dịch bệnh Covid-19 đang gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế, và ảnh hưởng nhiều nhất chính là ngành du lịch, hàng không.

"Do đó, doanh nghiệp nên cùng nhau chia sẻ rủi ro. Việc miễn, giảm phí dịch vụ của ACV vừa qua chỉ mang tính đối phó, chứ không có tác động nhiều với các hãng hàng không", ông Long bình luận.

Ông nhắc lại con số uớc tính thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam đã lên tới con số 30.000 tỷ và thậm chí vẫn còn tăng lên, và nhận xét, tại nhiều nước đã có những gói hỗ trợ rất cụ thể. Tại nước ta, Chính phủ đã đưa ra yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Riêng trong lĩnh vực hàng không, hiện tại ACV đang “độc quyền” khai thác 22/23 cảng hàng không. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có doanh thu và lợi nhuận hàng năm rất lớn, trong khi các hãng hàng không Việt Nam lại chịu rủi ro cao do sự “độc quyền” này.

Do đó, ông Long nhấn mạnh quan điểm, Chính phủ cần trực tiếp vào cuộc cùng với ACV để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phải giảm thuế, phí những loại mà doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ giảm mang tính hình thức.

Đối với những loại thuế phí thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp thì ACV cần thực thi để chia sẻ cho các hãng hàng không, còn loại thuế, phí nào của Bộ GTVT, Bộ Tài chính thì ACV cần trình lên cấp cao hơn để “cứu” doanh nghiệp.

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP.HCM, nếu ACV tiếp tục duy trì thế độc quyền tại sân bay thì hành khách và các hãng hàng không vẫn phải “chịu thiệt”. Bởi hiện tại, 1 chiếc máy bay đang phải chịu hơn 20 loại phí. Chỉ tính riêng năm 2019, phí phục vụ tại nhà ga của các hãng hàng không đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, phí điều hành bay trên 1.500 tỷ đồng, phí đỗ máy bay cũng lên tới hàng chục tỷ đồng/năm…

Đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài khiến các hãng hàng không phải cắt, giảm chuyến hàng loạt, máy bay "đắp chiếu", nhân viên phải nghỉ việc không lương trong khi vẫn phải “cõng” các khoản chi phí khổng lồ.

Trao đổi với BizLIVE, Phó Chánh văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Uông Việt Dũng cho biết, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ giải quyết. Tất cả những đề xuất của các hãng hàng không đều đã được lắng nghe và tổng hợp để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Về phía ACV, ông Dũng cũng thông tin thêm rằng, ACV là doanh nghiệp nhà nước. Do đó, việc giảm thuế phí cũng phải có chủ trương, đồng ý của Chính phủ.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đạt 19.293 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 8.343 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản, ACV nắm giữ lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và tiền gửi) khoảng hơn 31.000 tỷ đồng.

Theo bizlive.vn

Nguồn bài viết: https://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/ho-tro-hang-khong-thoi-thop-thoi-covid-19-kieu-acv-3539117.html

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin