Việc mở rộng cửa đón người Việt từ vùng dịch về thông qua các chuyến bay giải cứu, sân bay Vân Đồn đã “cất cánh” bằng sự tiên phong gánh sứ mệnh chung tay vì cộng đồng.
Hơn một năm trước, sân bay Vân Đồn đã “mở đường” cho tư nhân tham gia vào một lĩnh vực mà ngay cả trên thế giới, cũng không nhiều nước cho phép tư nhân tham gia. Còn nay, mở rộng cửa đón người Việt từ vùng dịch về thông qua các chuyến bay giải cứu, sân bay ấy đã “cất cánh” bằng sự tiên phong gánh sứ mệnh chung tay vì cộng đồng.
*Cất cánh bằng sự dấn thân
Những ngày này, trên báo chí dày đặc thông tin về các ca nhiễm COVID- 19. Thông tin những chuyến bay giải cứu, đưa đồng bào Việt từ các vùng dịch trên thế giới về nước an toàn cũng nhiều không kém.
Cùng với các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Vân Đồn suốt 2 tháng qua đã và vẫn đang tiếp tục làm trọn vẹn nghĩa cử cao đẹp: đón những chuyến bay đặc biệt đó.
29 chuyến bay, 4.423 hành khách là những người Việt Nam và du khách nước ngoài tới Việt Nam từ những quốc gia, lãnh thổ đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã được đón tiếp, theo một quy trình đặc biệt được Sun Group xây dựng tại Sân bay Vân Đồn. Một quy trình an toàn cao khiến vị giám đốc sân bay tự tin chia sẻ rất hài hước: “đồng bào cứ yên tâm ‘hạ cánh nơi anh’”.
Những gì đã và đang diễn ra ở sân bay Vân Đồn những ngày này đã cho thấy một sân bay tư nhân có thể làm được cho nền kinh tế, cho Tổ quốc nhiều hơn hai chữ “kinh doanh” hay “có lãi”.
“1 giờ sáng ngày 10/2, tôi lặng nhìn các "chiến sĩ" của mình trong trang phục bảo hộ trắng toát như trong những bộ phim khoa học giả tưởng, xúc động đan xen những cảm xúc dâng trào. Các em cũng như tôi, không ngủ được từ ngày hôm trước. Tất cả đều nín thở chờ đợi, giữ nguyên tư thế sẵn sàng, ngay cả khi chuyến bay bị lùi xuống 5h sáng mới hạ cánh. Trong những cuộc trao đổi liên tục, khẩn trương cho chuyến bay lịch sử giữa không khí căng như dây đàn, một cán bộ đứng cạnh chợt nói với tôi: "em hồi hộp quá, cảm thấy như đang chờ đón người thân trở về anh ạ!".
Tôi nhìn gương mặt căng thẳng, thoáng lo lắng nhưng bình tĩnh của các em sau lớp kính bảo hộ, cảm kích hơn bao giờ hết.
Từ đó tới nay, đã 23 chuyến bay cập cảng. Khó khăn chưa phải là hết, bởi chẳng chuyến bay nào giống chuyến bay nào, nhưng "biệt đội" của tôi đã ngày càng vững tâm, ngày càng chuyên nghiệp. Các em có biết về nguy cơ nhiễm bệnh đối với người ở tuyến đầu không? Chắc chắn có.
Các em có chạnh lòng trước những ánh mắt nghi ngại của cộng đồng khi biết các em làm việc ở sân bay Vân Đồn, đón người từ vùng dịch về không? Chắc chắn có. Các em có phải nỗ lực tinh thần gấp đôi người thường, khi phải vừa động viên chính mình, vừa động viên gia đình hay không? Chắc chắn có.
Các em có thấm mệt vì phải trực chiến 24/7, sẵn sàng vào việc bất kể giờ giấc, ngày đêm do đặc thù những chuyến bay gấp gáp sẽ cập bến, thậm chí chỉ biết trước 1 giờ đồng hồ không? Chắc chắn có. Nhưng các em có sẵn sàng không? Chắc chắn có!”…
Chia sẻ của Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn- ông Phạm Ngọc Sáu trên chuyên mục Góc nhìn của VnExpress.net đã khiến nhiều người rơi lệ.
Và câu trích dẫn một lời bình luận trên mạng dưới thông tin sân bay quốc tế Vân Đồn đón đồng bào về nước: "Chúc mừng Sun Group! Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể chưa cất cánh về mặt kinh tế, nhưng đã khởi đầu bằng một nhiệm vụ quốc gia nặng nghĩa nặng tình!" có lẽ đã đúc kết một cách trọn vẹn nhất về những gì mà sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã làm được.
Trong một bài phỏng vấn trên báo chí, ông Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CHK Việt Nam Lại Xuân Thanh đã nói thế này về sân bay Vân Đồn: “Nếu nói về hiệu quả kinh tế, không biết đến bao giờ hoạt không khai thác ở đây mới thu lãi để duy trì hoạt động bay, chưa nói đến chuyện thu hồi vốn đầu tư hạ tầng. Nhưng tại sao nhà đầu tư vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra làm? Bởi khi có cảng hàng không, có đường bay sẽ mang lại những hiệu quả khác, những lợi ích khác cho nhà đầu tư. Còn đối với địa phương rõ ràng sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, an ninh quốc phòng, phát triển du lịch…”
Hiệu quả, khi chưa thể đo đếm bằng doanh thu, thì nó đang được đo đếm bằng nghĩa tình, bằng tiềm năng và cơ hội cho cả một vùng đất.
Từ đây, Vân Đồn sẽ cất cánh, như lịch sử hàng trăm năm trước, huyện đảo này đã là một thương cảng sầm uất.
*Mở cánh cửa hẹp cho lĩnh vực hàng không
Ba năm trước, khi báo chí rầm rộ đưa tin một doanh nghiệp tư nhân trong ngành du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí đầu tư làm sân bay Vân Đồn, đã có rất nhiều ý kiến, đồng thuận, ủng hộ cũng có, mà phản đối lại càng nhiều.
Câu chuyện lỗ lãi của các cảng hàng không trong nước được dịp đem ra mổ xẻ, phân tích.
Bởi cả Việt Nam, có tới 22 sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đang quản lý, khai thác nhưng tới tận bây giờ vẫn chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng có lãi hoặc cân đối được thu - chi.
Các sân bay còn lại hiện ACV vẫn phải bù lỗ để duy trì vận hành, trong đó sân bay Điện Biên, đơn vị chủ cảng đang phải bù lỗ cả chục tỷ đồng.
Rất nhiều chuyên gia kinh tế đã đưa ra những phản biện trước việc cho tư nhân đầu tư sân bay, bằng những bài tính toán khoa học, hết sức thuyết phục. Nhưng trước thời cơ mới cho huyện đảo Vân Đồn khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên định mời Sun Group đầu tư.
Sân bay Vân Đồn ra đời, chỉ sau gần hai năm xây dựng. Và nó đã trở thành ví dụ điển hình cho cái gọi là “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo Quảng Ninh, của một Tập đoàn kinh tế tư nhân khi đó chỉ mới 10 năm tuổi như Sun Group.
Hơn 1 năm vận hành, đến nay, sân bay Vân Đồn hiện đang triển khai các đường bay nội địa đi Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh, cùng với các đường bay quốc tế Vân Đồn – Thẩm Quyến (Trung Quốc), Vân Đồn – Incheon (Hàn Quốc) được khai thác bởi các hãng hàng không: Vietjet, Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Donghai Airlines.
Tính tới cuối tháng 3/2020, sân bay Vân Đồn đã đón tổng cộng 2.450 lượt cất hạ cánh (trong đó 2.246 lượt nội địa và 204 lượt quốc tế). Tổng lượng khách là 302.680, trong đó 285.746 lượt khách nội địa và 16.934 lượt khách quốc tế.
Rõ ràng, câu chuyện có lãi đối với sân bay Vân Đồn nếu dựa vào những con số trên là chưa thể.
Nhưng ít nhất, sự ra đời của sân bay này cũng đã mở ra cánh cửa mới dù hẹp cho hàng không trong nước, với tiềm năng được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Và nếu xét tầm nhìn đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá nằm trong 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới, theo như ông Nguyễn Công Bằng - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ tại Hội nghị và triển lãm quốc tế “Air Freight Logistics Vietnam” (Hậu cần Vận tải hàng không Việt Nam) ngày 20/9/2019 tại Tp. Hồ Chí Minh.
“Con chim đầu đàn” ấy đã tiên phong mở đường, để chứng minh rằng tư nhân có thể tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội lớn lao, mà xưa nay vốn chỉ doanh nghiệp nhà nước làm được./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/hieu-qua-kinh-te-tu-nhan-nhin-tu-cac-chuyen-bay-giai-cuu-nguoi-viet-ve-van-don/152930.html