(Pháp lý) - Dự thảo Luật PCTN đã bổ sung nhiều quy định mới nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, trao đổi với Phóng viên Pháp lý, các chuyên gia kiến nghị ngoài bổ sung các quy định mang tính phòng ngừa, Luật cần chú trọng chế tài, cơ chế xử lý tịch thu tài sản bất minh. Có như vậy mới tăng hiệu quả chống tham nhũng.
Kê khai tài sản không trung thực... không sao cả?
Không ít cán bộ giàu lên nhanh chóng một cách thiếu bình thường, sở hữu khối tài sản có giá trị lớn, như đất, nhà ở những vị trí đắc địa, ô-tô đắt tiền, số lượng lớn cổ phiếu ... giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng, thậm chí cao hơn, nhưng không được giải trình thỏa đáng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm với kê khai tài sản gian dối hiện nay vẫn là chế tài hành chính. Quy định này bộc lộ nhiều nhược điểm, vì trên thực tế, hiếm thấy cán bộ nào bị xử lý khi vi phạm hoặc không trung thực trong kê khai tài sản.
Tuy nhiên, dự Luật PCTN (sửa đổi) hiện nay vẫn đang “bỏ ngỏ” các quy định về xử lý tài sản bất minh không được giải trình một cách hợp lý. Các quy định hiện tại chưa cụ thể, chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa và phát hiện tham nhũng; Thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp PCTN của các cơ quan nhà nước, cơ quan đảng, các tổ chức xã hội nhất là cơ quan chống tham nhũng chưa hợp lý...
Cần quy định cho cơ quan điều tra “vào ngay” khi thấy tài sản bất minh
Giáo sư Lê Hồng Hạnh cho rằng: Luật cần điều chỉnh theo hướng, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của họ và những người thân. Bản kê khai tài sản, thu nhập của quan chức dự kiến được sử dụng khi bổ nhiệm, luân chuyển giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Kê khai tài sản đồng thời phải khai rõ nguồn gốc hình thành tài sản. Nếu tài sản lớn mà hợp pháp, thì đó là “hành trang” tốt cho lãnh đạo bởi người lãnh đạo có nhiều tài sản thì càng yên tâm làm việc. Còn nếu tài sản lớn, nguồn gốc bất minh thì cần phải được điều tra rõ ràng.
Giáo sư Lê Hồng Hạnh kiến nghị bổ sung chế tài nếu kê khai tài sản không trung thực thì phải rời khỏi chức vụ lãnh đạo (Cơ chế – buộc từ chức), bị tịch thu tài sản nếu kê khai không trung thực. Để thực hiện được điều này thì phải có quy định cụ thể rõ ràng trao quyền cho cơ quan điều tra vào điều tra những bản kê khai tài sản, quá trình tạo lập tài sản không trung thực, thiếu minh bạch.
Trước ý kiến cho rằng, khó có cơ chế để điều tra tài sản bất minh khi quá trình sửa đổi BLHS 2015 vừa qua lại chưa luật hóa tội danh làm giàu bất chính hay kê khai tài sản không trung thực. Tuy nhiên Giáo sư Lê Hồng Hạnh cho rằng: Cơ quan điều tra vẫn có thể điều tra việc kê khai tài sản khi thấy tài sản bất minh của quan chức vì đó là dấu hiệu của các tội phạm tham nhũng.
Việc kê khai tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình thu hồi tài sản nếu có tham nhũng xảy ra. Một Thẩm phán đang công tác tại TAND Tối cao cho biết: Thực tế thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng còn hạn chế: Các báo cáo cho rằng mới thu hồi được khoảng 30% số tài sản bị tham nhũng (Cần phải nói rõ là 30 % của số vụ án tham nhũng đã phát hiện, xử lý chứ không phải là 30 % của tổng số thiệt hại, thất thoát vì tội phạm ẩn quá nhiều, không phát hiện được). Thu hồi tài sản bị tham nhũng chiếm đoạt ở nước ta có thể nói là bài toán nan giải khi mà hiện nay, nhà nước chưa thể và không thể kiểm soát được tài sản.
“Khi góp ý sửa đổi BLHS 2015, tôi và một số chuyên gia đã đề nghị dự thảo thiết kế bổ sung hai tội là “Làm giàu bất chính” và “Kê khai tài sản không trung thực” vào Chương tội phạm về chức vụ.
Tuy nhiên, đề xuất này lại không được chấp nhận… Bởi vậy dù có sửa Luật PCTN theo hướng bổ sung các vấn đề này thì có phát hiện quan chức làm giàu bất chính, không chấp hành quy định kê khai tài sản, khai không đúng, không đầy đủ, không trung thực, tẩu tán hoặc kê khai man trá... thì cũng chỉ có thể xử lý kỷ luật hành chính quan chức đó mà thôi, khó truy trách nhiệm hình sự họ được. Quy định của pháp luật như vậy thì chưa thể hy vọng vào hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng được”, vị Thẩm phán thẳng thắn bày tỏ chính kiến.
Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến (Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội) nêu quan điểm: Việc công khai, minh bạch hiện nay còn hạn chế, phổ biến tình trạng cán bộ thiếu trung thực nhưng chưa có chế tài phù hợp. Các điều luật của Luật PCTN sửa đổi chỉ giúp ngăn ngừa nhưng chưa triệt để trong xử lý khi có vi phạm. Ông Tuyến dẫn chứng ngoại lệ, thực tế trong lĩnh vực tư pháp có tình trạng vợ là thẩm phán cấp dưới, chồng là thẩm phán cấp trên. Rõ ràng, nếu xảy ra tình trạng án có vấn đề thì hiếm khi chồng hủy án của vợ. Luật lần này quy định nhiều về liêm chính, xung đột lợi ích, nhưng chưa xử lý được những quan hệ tương tự như thế.
Kết mở
Về cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, hiện nay dự thảo luật quy định: Khi phát hiện tài sản tham nhũng thì Ủy ban kiểm tra Đảng, cơ quan thanh tra nhà nước, Kiểm toán nhà nước phải áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thu hồi; Tài sản tham nhũng phải được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc sung công. Đối với tài sản tham nhũng không xác định được chủ sở hữu hoặc tài sản tham nhũng bị trộn lẫn với tài sản khác không thể phân định được thì được sung công; Việc thu hồi tài sản tham nhũng, tạm giữ, phong tỏa, sung công tài sản liên quan đến tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, đối chiếu với các quy định này thì việc thu hồi tài sản vẫn phải thông qua những bản án có hiệu lực pháp luật sau khi hành vi tham nhũng bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ban soạn thảo cần tiếp tục xem lại quy định này vì nếu chỉ tạo cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua bản án hình sự thì vẫn sẽ “lọt lưới” nhiều tài sản bất minh không rõ nguồn gốc của không ít quan chức hiện nay.
Minh Hải