Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vừa được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai bên ở nhiều lĩnh vực; trong đó có dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xem xét cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.
Mặc dù cam kết này sẽ được tiến hành tự nguyện giữa các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam và các tổ chức tín dụng của châu Âu. Tuy nhiên, cam kết chỉ có hiệu lực trong vòng 5 năm và không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank.
Bên cạnh đó, việc các tổ chức tín dụng của EU tham gia nắm giữ vốn điều lệ tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định về thủ tục mua bán và sáp nhập cũng như các yêu cầu an toàn và cạnh tranh khác, bao gồm hạn chế hoặc giới hạn về tỷ lệ cổ phần sở hữu áp dụng cho nhà đầu tư là cá nhân hoặc tổ chức trên cơ sở đối xử quốc gia theo pháp luật và quy định của Việt Nam.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc nới room ngoại của các tổ chức tín dụng EU theo cam kết của EVFTA được kỳ vọng thu hút sự tham gia của các ngân hàng EU mạnh mẽ trong những năm tới.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng trong nước vốn dĩ vẫn trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ, nhu cầu tìm kiếm đối tác, nguồn vốn đầu tư quốc tế là rất lớn. EVFTA sẽ là cơ hội để các ngân hàng gia tăng nội lực tài chính cũng như tranh thủ các mô hình kinh doanh, quản trị và công nghệ hiện đại từ châu Âu.
Theo báo cáo Cơ hội từ Hiệp định EVFTA đối với ngành ngân hàng do Công ty chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) mới phát hành, so với các ngân hàng châu Âu, thị trường Việt Nam tỏ ra hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng châu Á do một phần liên quan đến đặc điểm địa lý.
Hiện chỉ có 3 ngân hàng từ EU có Chi nhánh hoạt động tại Việt Nam (bao gồm ngân hàng BNP Paribas và BPCE IOM Bank của Pháp; Deutsche Bank của Đức), nhưng chưa có ngân hàng 100% vốn từ EU đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh đầu tư, IVS cho rằng, các ngân hàng Việt Nam có sức hấp dẫn lớn với các tổ chức quốc tế. Rào cản lớn nhất trên khía cạnh này liên quan đến quy định pháp lý về mức trần giới hạn sở hữu 30% của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam.
Do vậy, với cam kết từ EVFTA, các ngân hàng châu Âu hiện đầu tư mạnh tại thị trường Việt Nam (Deustche Bank, Norges Bank) và khu vực Đông Nam Á sẽ hứng thú hơn cả.
Theo chuyên gia của IVS, khi được nới room, ngân hàng mục tiêu sẽ được tiếp cận nguồn vốn lớn, hỗ trợ mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng bị giới hạn tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) ở mức 85% theo Thông tư 22/2019/TT-NHNN giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nước ngoài.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội lớn để ngân hàng mục tiêu có thể tiếp cận bộ máy quản trị hiệu quả từ ngân hàng rót vốn cũng như có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Thực tế, các ngân hàng châu Âu đều có thế mạnh về quy mô, kinh nghiệm cũng như chuẩn mực quản trị cao, hầu hết đều đang áp dụng Basel III và tiến hành đến Basel IV.
Vì vậy, việc lựa chọn đối tác phải dựa trên các tiêu chí nhằm đảm bảo được lợi nhuận đầu tư (biên lợi nhuận tốt); kiểm soát rủi ro hiệu quả, nâng cao hình ảnh của tổ chức (cơ hội tăng trưởng và có thế mạnh trong phân khúc khai thác).
Đặc biệt, phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế trong khâu quản trị vận hành như Basel II và Basel III, báo cáo theo chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)…
Đến nay, việc ngân hàng nào được nới room ngoại vẫn là ẩn số. Để đáp ứng được tiêu chí để các tổ chức tín dụng châu Âu nâng room ngoại lên 49% phải chờ phía EU xem xét và sự cân nhắc của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, theo xếp hạng tín nhiệm của Moody công bố tháng 12/2019, Techcombank, MB, VPBank, VIB và ACB là những ngân hàng thương mại cổ phần (ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước) có xếp hạng cao nhất trong 31 ngân hàng của Việt Nam được xếp hạng.
Hiện có 16 ngân hàng Việt đã hoàn tất Basel II, bao gồm: Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, TPBank, VPBank, VietBank, SeABank, Nam A Bank, LienvietpostBank, BIDV và Ngân hàng Bản Việt./.
Theo bnews.vn
Nguồn bài viết: https://bnews.vn/hiep-dinh-evfta-mo-ra-co-hoi-hut-von-dau-tu-vao-nganh-ngan-hang/148324.html