Đại diện Bộ KH&ĐT khẳng định: Việt Nam không hề "ngồi yên", thụ động chờ các tập đoàn lớn trên thế giới mà chúng ta đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của các nước, từ đó tìm ra những giải pháp cạnh tranh hơn cho mình trong cuộc đua thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển.
Cụ thể, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), cho biết vừa qua, Tổ công tác đặc biệt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Chính phủ đã làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ, dự án lớn… có giá trị lớn từ 500 triệu USD đến hàng tỷ USD.
Chủ động tiếp cận nhà đầu tư
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, đây đều là những dự án mà Việt Nam mong đợi. Tuy vậy, theo yêu cầu từ các tập đoàn, phía Việt Nam phải bảo mật không tin, không được phép công bố ra ngoài.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận: Việt Nam có nhiều yếu tố hấp dẫn vốn FDI như thị trường gần 100 triệu dân, nguồn nhân lực trẻ dồi dào, chi phí cạnh tranh, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới ngày càng được nâng cao, nằm trung tâm Đông Nam Á…
Tuy vậy, để không bị động trong cuộc cạnh tranh thu hút làn sóng FDI dịch chuyển, Bộ KH&ĐT cho biết đã nghiên cứu chính sách ưu đãi của nhiều nước xem họ đang làm gì. Từ đó, Việt Nam tìm ra giải pháp cạnh tranh hơn.
Về cải thiện môi trường đầu tư, vừa qua, Quốc hội thông qua ba luật quan trọng là: Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) giúp đơn giản thủ tục, tăng cường phân cấp, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, minh bạch từ khâu chuẩn bị, cấp giấy chứng nhận tới tiếp cận thị trường.
Đáng chú ý, trong Luật Đầu tư, ông Hoàng nhấn mạnh tới tới việc sẽ có thêm ưu đãi đầu tư đặc biệt. Đây là điểm cạnh tranh khác biệt so với các nước.
"Điều này làm cho nhà đầu tư, công ty công nghệ đánh giá cao với Việt Nam", ông Hoàng cho biết. Đồng thời, ông cho biết sắp tới sẽ đề xuất Thủ tướng miễn cách ly COVID-19 đối với lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn lớn đi chuyên cơ riêng đến Việt Nam để xem xét quyết định đầu tư.
Điều này cho thấy viễn cảnh thu hút FDI trong thời gian tới khá sáng, tuy nhiên, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cũng đề nghị, để đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài, điều quan trọng là phải nâng cấp trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam. Theo đó, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH cần triển khai các chương trình liên kết đào tạo để đáp ứng được yêu cầu trên. Cũng như, doanh nghiệp Việt cần phải tự nâng cấp, tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia.
Chính sách thu hút FDI theo kiểu "may đo"
Ở góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nhìn nhận cơ hội ai cũng thấy nhưng vấn đề cốt lõi nhất vẫn là tận dụng cách nào. Việt Nam đang có lợi thế vượt trội hơn các nước là chúng ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tư do với các thị trường lớn trên thế giới. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của Việt Nam so với các nước khác. Do vậy, chúng ta phải nhìn một cách thực tế, cứ nói dịch chuyển nhưng điều quan trọng là mình muốn gì, đạt được những gì.
Nhìn vào thực tế thu hút FDI thời gian qua, ông Cung đánh giá vốn FDI vào Việt Nam chỉ tập trung vào các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc. Trong khi đó, rất ít nhà đầu tư từ Hoa Kỳ, châu Âu. "Tại sao lại như thế, rõ ràng là bao năm qua mình vẫn kỳ vọng thu hút FDI chất lượng cao, sử dụng công nghệ hiện đại để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng", ông đặt vấn đề.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chính sách thu hút FDI trong thời gian tới là phải xây dựng theo kiểu "may đo" với từng nhà đầu tư. Đơn cử, với các nhà đầu tư châu Âu hay Hoa Kỳ, điều họ muốn là chính sách, luật pháp của chúng ta phải ổn định, văn bản cụ thể dự đoán tương lai được, không phát sinh chi phí không chính thức.
Điều này đòi hỏi, việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam cần phải quyết liệt từ cấp trên đến cấp dưới, thay vì chỉ cao tốc là bằng phẳng, trong khi đường làng, đường tỉnh đầy chông gai.
Mặt khác, ông Cung lưu ý, thu hút FDI là cuộc chơi cùng thắng. DN FDI sẽ giúp nâng cao năng lực cho chính doanh nghiệp Việt để chúng ta giữ lại giá trị cho đất nước của mình. Nếu không làm được điều này thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi thế của chúng ta.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng bản thân các doanh nghiệp FDI đều tìm tới mục đích là lợi ích trước mắt, trung hạn và dài hạn. Chúng ta thỏa mãn điều kiện này thì doanh nghiệp đến.
Theo đại diện VAFIE, Việt Nam có nhiều lợi thế nhưng vấn đề vẫn nằm ở hành động. Đơn cử, chúng ta cứ cho rằng nguồn nhân lực Việt Nam yếu, tính kỷ luật, làm việc theo khuôn mẫu… nhưng điểm mạnh của nhân lực Việt Nam là làm việc linh hoạt. Đây là lợi thế của chúng ta trong Cách mạng công nghiệp 4.0 mà mình phải phát huy.
"Hay chúng ta cứ nói doanh nghiệp mình nhỏ khó tham gia vào chuỗi của tập đoàn đa quốc gia. Tại sao không đặt vấn đề là Việt Nam vẫn còn nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ sức làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ. Liên kết sẽ tạo ra sức mạnh để Việt Nam chơi được, bắt tay được với người khổng lồ", ông Toàn nhìn nhận.
Theo doanhnghiephoinhap.vn
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/he-lo-ke-hoach-thu-hut-nha-dau-tu-ty-do-vao-viet-nam.html