Hai nữ tướng IMF và dấu ấn đẩy mạnh chống tham nhũng bằng chính sách kinh tế

02/03/2020 18:15

(Pháp lý) - Sự ra đời và hoạt động của IMF – Tổ chức tiền tệ quốc tế là nhằm thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm sự ổn định tài chính, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm nghèo trên toàn thế giới. Và những mục tiêu này không thể đạt được nếu tham nhũng không bị đẩy lùi. Chính vì thế, các lãnh đạo của tổ chức này luôn đặc biệt chú ý đến hoạt động phòng, chống tham nhũng…

Tân nữ tướng IMF

IMF và hai nữ tướng đặc biệt…

IMF nhận định vấn nạn tham nhũng và quản trị kém đang hủy hoại tăng trưởng kinh tế và làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng trong xã hội, theo đó các khuôn khổ chính sách mới của IMF được kỳ vọng sẽ giữ tất cả các nước thành viên phát triển theo cùng tiêu chuẩn - điều mà tổ chức này thừa nhận rằng trước đây "không phải lúc nào cũng được thực hiện". Mặc dù vậy, IMF sẽ không điều tra các trường hợp tham nhũng cụ thể, mà thay vào đó tập trung vào sức mạnh của các thể chế kinh tế chủ chốt như: quản lý tài chính và ngân hàng trung ương, quy định thị trường, quy định pháp luật, các chính sách liên quan rửa tiền và chống tài trợ khủng bố.

Bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc IMF từ năm 2011. Bà Lagarde từng công tác tại một hãng luật danh tiếng và từng ngồi vào vị trí Chủ tịch khi mới 43 tuổi. Năm 2007, Tổng thống Pháp khi đó là ông Nicolas Sarkozy đã tin tưởng giao phó chiếc ghế Bộ trưởng tài chính của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu cho bà Lagarde và một lần nữa, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm cương vị này tại các nước phát triển.

Bà Christine Lagarde, cựu Tổng Giám đốc IMF

Bà cũng chính là người đã dự đoán được từ rất sớm cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu năm 2008. Bà từng cảnh báo về vấn đề mà bà gọi là “cơn sóng thần đang tới” nếu Mỹ để Ngân hàng Lehman Brothers phá sản. Bà Janet Yellen, chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngợi khen bà Lagarde “là một trong số những nhà lãnh đạo hiếm hoi có thể kết hợp giữa tầm nhìn và hành động. Bà ấy đã tiếp cận các vấn đề xưa cũ theo những cách thức mới mẻ, sáng tạo nhằm củng cố các mối quan hệ đã gắn kết nền kinh tế thế giới”. Dưới thời bà Lagarde, IFM đã góp phần không nhỏ trong việc giúp ổn định lại các nền kinh tế Bồ Đào Nha, Ireland và Hi Lạp. Dưới sự lãnh đạo của bà, Quỹ IMF đã luôn đi đầu trong những hoạt động đóng góp vào việc chống tham nhũng.

Nữ tướng đặc biệt thứ hai của IMF đó là bà Kristalina Georgieva (66 tuổi), sinh ra ở Bulgaria. Bà Georgieva đã làm việc ở Ủy ban châu Âu (EC) từ năm 2010 và sau đó đảm nhiệm Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) từ tháng 1/2017. Cũng trong năm 2017, bà đã được một tổ chức xếp hạng uy tín của Anh xếp ở vị trí thứ hai trong danh sách “100 người có ảnh hưởng nhất trong các tổ chức đa quốc gia”. Bà Kristalina Georgieva đã khẳng định tầm quan trọng của chương trình nghị sự chống tham nhũng trong nhiều dịp. Trong bối cảnh phải giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của thời đại, bất cứ ai ngồi vào “ghế nóng” đều cần nắm bắt cơ hội để tăng cường hơn nữa vai trò quan trọng của IMF trong việc chấm dứt tham nhũng.

Đầu năm nay, bà Georgieva được trao giải thưởng “Thành tựu nổi bật” của châu Âu và Huân chương của Hiệp hội Chính sách đối ngoại châu Âu, công nhận những cá nhân có đóng góp cho cộng đồng về các vấn đề quốc tế.

Gia nhập Ngân hàng Thế giới (WB) với tư cách là nhà kinh tế môi trường vào năm 1993, Kristalina Georgieva lần lượt giữ một số vị trí cấp cao khác nhau, bao gồm: Giám đốc WB về Phát triển bền vững, Giám đốc WB của Liên bang Nga, Giám đốc Môi trường của WB và Giám đốc Phát triển Môi trường và Xã hội cho khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Trong những năm 2010, Kristalina Georgieva được bình chọn là “Người châu Âu của năm” và “Ủy viên của năm” vì những đóng góp của bà trong chiến dịch viện trợ nhân đạo và ứng phó khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU), với tư cách là Phó Chủ tịch và Ủy viên hợp tác quốc tế, trước khi trở lại WB từ 01/2017 - 9/2019 với tư cách là Giám đốc điều hành.

Bà Kristalina Georgieva nhậm chức trong bối cảnh kinh tế trì trệ, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục gây thất vọng, khi căng thẳng thương mại vẫn tồn tại và nợ ở mức kỷ lục. Bà là người có nhiều nhiều kiến thức trong lĩnh vực tài chính quốc tế, môi trường, những kinh nghiệm giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ và tị nạn, do đó, Kristalina Georgieva ngoài chống tham nhũng mạnh mẽ, bà được kỳ vọng sẽ ngăn chặn khủng hoảng và đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu.

Sáng tạo và duy trì nhiều chính sách chống tham nhũng

IMF là một tổ chức có nhiều đóng góp với việc chống tham nhũng ở các quốc gia khác nhau. Kể từ năm 1997, IMF đã có các giao thức để giải quyết nạn tham nhũng ở các nước nghèo và ngăn chặn tội phạm tài chính liên quan đến tham nhũng bằng nhiều biện pháp và hoạt động như: Tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế về chống tham nhũng lần đầu tiên ở Thủ đô London, Anh, năm 2006; Tham gia trong cuộc họp cấp cao tại Hội nghị Chống tham nhũng Quốc tế năm 2018 (IACC) tại Đan Mạch, đưa ra các khuyến cáo chính sách với các thành viên để chống tham nhũng hiệu quả.…

Năm 2018, trong một tuyên bố đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị mùa Xuân IMF - Ngân hàng Thế giới (WB), bà Christine Lagarde nêu rõ chính sách mới của IMF sẽ chặt chẽ hơn, đồng thời cũng tập trung giải quyết thực trạng các nước giàu đang góp phần vào "bức tranh" tham nhũng ở các nước đang phát triển bằng việc không ngăn chặn hiệu quả nạn tham nhũng, rửa tiền hoặc cho phép sở hữu công ty ẩn danh. Chính sách chống tham nhũng mới của IMF có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

Theo các chính sách mới được ban lãnh đạo IMF thông qua, quỹ này sẽ chú trọng cách thức quản trị được đề cập trong các đánh giá kinh tế thường niên của các nước thành viên. IMF cũng sẽ dựa trên những phát hiện của các nhà hoạt động minh bạch bên ngoài để xác định các dòng tài chính bất hợp pháp đến và đi từ các nước nghèo.

Báo cáo Giám sát Tài chính của IMF tập trung đặc biệt vào việc kiềm chế tham nhũng, bên cạnh các khuyến nghị thông thường cho chính sách tài chính công của Chính phủ các nước. IMF cũng có tiếng nói quan trọng để hỗ trợ các nỗ lực chống tham nhũng tại các cuộc họp của Nhóm Công tác chống tham nhũng G20. Năm 2018, Quỹ đã cho ra mắt một tổ chức mới để tham gia với các quốc gia về các vấn đề liên quan đến quản trị và tham nhũng. Quỹ khuyến cáo cần thực thi các biện pháp cụ thể để tăng tính minh bạch, tính liêm chính và trách nhiệm giải trình. Cơ cấu tổ chức mới phải là một cách để đánh giá và đề xuất các khuyến nghị chính sách cụ thể.

Một phần quan trọng trong các khuyến nghị của TI là sự minh bạch về người thực sự sở hữu các công ty. IMF có thể chống tham nhũng đáng kể bằng cách đánh giá liệu chủ sở hữu thực sự của một công ty có được xác định rõ ràng hay không, với thông tin sẵn có công khai với công chúng trong sổ đăng ký trực tuyến miễn phí do chính quyền xác minh. Thứ 2, IMF có thể giải quyết tốt hơn những tác động xấu của tham nhũng do các công ty đa quốc gia gây ra, nếu họ xem xét các quốc gia thành viên trong việc lập pháp và thực thi pháp luật chống lại hối lộ nước ngoài một cách chủ động và thụ động, cũng như những hậu quả của những tội ác đó.

Thứ 3, IMF có thể giúp tăng cường luật pháp ở một quốc gia bằng cách kiểm tra các tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch trong tuyển dụng các thẩm phán và các quan chức tòa án khác; và thủ tục tiêu chuẩn đối với các thông lệ quốc tế để thúc đẩy sự liêm chính tư pháp.
IMF cũng tăng "chế tài" khi các quốc gia được hỗ trợ có tham nhũng. Khi còn đương chức, bà Lagarde kêu gọi sự giám sát nhiều hơn nữa đối với các chương trình cho vay của Quỹ để kiểm tra công tác quản lý bị ảnh hưởng bởi tham nhũng như thế nào. Trong trường hợp của Ukraine, Quỹ đã từ chối đợt hỗ trợ tài chính nhiều lần vì luật chống tham nhũng tại quốc gia này còn yếu. IMF cũng thúc đẩy những cuộc điều tra về tham nhũng.

Trong những phát biểu ở tại các quốc gia thành viên sau ngày nhậm chức, bà Kristalina Georgieva cũng thường xuyên nhấn mạnh, chống tham nhũng là nhiệm vụ hàng đầu nếu những quốc gia đang phát triển muốn thoát khỏi tình trạng trì trệ, đói nghèo và phát triển. Bà Christine Lagarde, vị Giám đốc nhiệm kỳ trước được coi như người nhóm lửa, còn bà Kristalina Georgieva là người có nhiệm vụ tiếp tục giữ lửa cho hoạt động chống tham nhũng ở tổ chức này.

Minh Minh (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Hai nữ tướng IMF và dấu ấn đẩy mạnh chống tham nhũng bằng chính sách kinh tế" tại chuyên mục Đọc chuyên sâu. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin