Góp ý một số qui định liên quan công tác thẩm định giá trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

11/06/2023 11:09

(Pháp lý). Theo kế hoạch, Dự thảo Luật giá sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 đang diễn ra . Bài viết sau đây, tác giả Nguyễn Duy Huy (Học viện Cảnh sát nhân dân) có một số ý kiến góp ý liên quan các qui định về thẩm định giá.

1-1685589032.jpg
 

Ảnh minh họa

Đề nghị bổ sung khái niệm về “Giá trị phi thị trường”

Điều 3 dự thảo, quy định về Áp dụng Luật Giá và các Luật có liên quan mới quy định về “Giá thị trường” để làm cơ sở thẩm định giá. Tuy nhiên, các hệ thống quy định về giá tính thuế đều đang sử dụng cơ sở hình thành “Giá trị phi thị trường” nhưng chưa được thừa nhận như: xác định giá trị còn lại của ô tô đã qua sử dụng làm căn cứ tính thuế chuyển nhượng; Giá trị nhà tính lệ phí trước bạ; Bảng giá đất làm căn cứ xác định các nghĩa vụ tài chính về đất đai như tính thuế sử dụng đất; Tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (chưa bao gồm thuế chuyển nhượng đất) … không căn cứ vào giá trị cụ thể của tài sản mà áp dụng đồng loạt theo năm sản xuất với ô tô, theo diện tích (m2) với nhà đất. Do đó, đề nghị bổ sung khái niệm về “Giá trị phi thị trường” vào nội dung của Luật để phù hợp với Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá vẫn đang có Tiêu chuẩn về cơ sở giá trị này.

Cần xem xét lại qui định “ …không được tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá…”

Tại điểm d, Khoản 3 Điều 7 dự thảo quy định: Đối với doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá không được "tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng thẩm định giá và tài sản được thẩm định giá, trừ trường hợp được khách hàng thẩm định giá đồng ý hoặc pháp luật cho phép".

Quy định này cần xem xét lại vì các nguyên nhân: Việc sử dụng các thông tin của tài sản cần thẩm định giá với số lượng lớn (ví dụ thẩm định giá trong mua sắm tập trung của ngành, địa phương) sẽ không thể không tiết lộ thông tin bên mua, vì với số lượng lớn như vậy sẽ khó có doanh nghiệp nào có sẵn hàng mà phải có sự chuẩn bị và doanh nghiệp cung cấp báo giá hầu như không báo giá số lượng, giá trị lớn mà không biết chủ đầu tư hay các điều khoản thương mại khác, do đó thẩm định viên phải xin báo giá theo đơn giá rồi tự nhân với số lượng cụ thể theo đề nghị dẫn đến chất lượng báo giá có mức độ tin cậy không cao và hoặc Chứng thư thẩm định giá phải nêu hạn chế làm giảm chất lượng dịch vụ.

Việc tiết lộ thông tin tài sản được thẩm định giá ra thị trường chỉ có lợi cho hoạt động mua sắm, bán đấu giá do có càng nhiều doanh nghiệp biết đến nhu cầu mua sắm, bán tài sản và có thời gian chuẩn bị trước càng có giá tốt nhất. Quy định này không hạn chế việc thông đồng trong đấu thầu, đấu giá vì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu, đấu giá đều đã tính đủ để người quan tâm có thời gian chuẩn bị.

Quy định này dẫn đến thông tin tài sản cần thẩm định giá do khách hàng cung cấp cho Thẩm định viên thường sử dụng cấu hình thầu (thông số kỹ thuật cơ bản) mà không phải là cấu hình cụ thể của tài sản mong muốn, dẫn đến thẩm định viên phải thẩm tra các thông tin của tài sản nhận báo giá có đáp ứng được thông tin mời thầu hay không và phải tìm ra được tài sản chào bán có cấu hình sát nhất, giá thấp nhất là rất phức tạp, ngoài khả năng của thẩm định viên về giá và / hoặc Kết quả thẩm định giá phải nêu hạn chế, giả thiết làm giảm chất lượng tư vấn.

Cần phân định rõ định giá đối với tài sản trong tố tụng hình sự

Theo quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự cũng sử dụng thuật ngữ “định giá” nhưng bản chất lại là “thẩm định giá”. Điều 306 Bộ luật Dân sự quy định “Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về giá tài sản bảo đảm hoặc định giá thông qua tổ chức định giá tài sản khi xử lý tài sản bảo đảm” và “Việc định giá tài sản bảo đảm phải bảo đảm khách quan, phù hợp với giá thị trường”. Như vậy, việc định giá của tổ chức thứ ba không phải người sở hữu tài sản và không thuộc diện Nhà nước định giá thì phải được hiểu đúng bản chất là hoạt động thẩm định giá. Điều 215 và Điều 69 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản” và “Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật”. Sau một thời gian dài có nhiều vướng mắc do chưa có khung pháp lý cụ thể, hiện nay, việc định giá tài sản trong Tố tụng hình sự vừa được quy định rõ trong Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản và Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23/12/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong Tố tụng hình sự. Nếu coi việc định giá tài sản trong Tố tụng hình sự về bản chất là định giá do Nhà nước thực hiện thì không phù hợp với quy định tại Điều 21 Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá của Luật Giá sửa đổi về những hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vì trong nhóm các loại hàng hóa, dịch vụ được quy định tại Điều 21 thì không có trường hợp định giá đối với tài sản trong Tố tụng hình sự.

Về điều kiện hoạt động của doanh nghiệp và chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá

Tại khoản 1 Điều 57, đề nghị bổ sung "Điều 55" và chỉnh sửa thành "Được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đồng thời phải bảo đảm duy trì các điều kiện hoạt động kinh doanh quy định tại Điều 53, Điều 55 và các nghĩa vụ quy định tại Điều 58 Luật này", vì nội dung Điều này còn quy định liên quan đến chi nhánh doanh nghiệp nên cần phải đáp ứng điều kiện tại Điều 55 về chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá. Bên cạnh đó, việc bổ sung còn đảm bảo được thống nhất với nội dung tại khoản 2 Điều 57.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 57, đề nghị xác định rõ thời điểm để tính thời hạn "tối đa 03 tháng" để các doanh nghiệp thực hiện khắc phục nhằm đảm bảo rõ ràng, thống nhất trong quá trình áp dụng. Tương tự, đề nghị rà soát, chỉnh sửa trong toàn bộ dự thảo.

Cần xem lại qui định Hội đồng thẩm định giá cần có tối thiểu một thành viên …

Về chất lượng, yêu cầu của pháp luật là Hội đồng thẩm định giá cần có tối thiểu một thành viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính hoặc đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá được quy định tại Điều 28 khoản 2, Nghị định 89/2013/NĐ-CP, nhưng lại có thể thẩm định tài sản có giá trị lớn mà đã được doanh nghiệp thẩm định giá thẩm định được quy định tại Điều 23 khoản 1 điểm d, Nghị định 89/2013/NĐ-CP, (trong khi người thẩm định tại doanh nghiệp bắt buộc phải là 02 thẩm định viên về giá đã được cấp chứng chỉ thông qua kỳ thi thẻ thẩm định viên được xem là rất khó hiện nay). Trong khi đó, Hội đồng lại làm việc tập thể và quyết định theo đa số, không phụ thuộc vào trách nhiệm và kiến thức chuyên môn của từng thành viên được quy định tại Điều 28 khoản 4, Nghị định số 89/2013/NĐ-CP. Sẽ là một dấu hỏi lớn nếu Hội đồng chỉ có một thành viên duy nhất được đào tạo nhưng lại thuộc về nhóm thiểu số khi quyết nghị, mặc dù pháp luật cho phép thành viên không đồng ý vẫn có quyền bảo lưu ý kiến trong biên bản, nhưng không tác động gì đến quyết định của Hội đồng. Mặt khác, Hội đồng cũng có quyền thuê thẩm định giá đối với chính tài sản mà mình đang thẩm định giá để có thêm thông tin tại Điều 29 khoản 1 điểm b Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, điều đó cho thấy việc thành lập Hội đồng thẩm định giá trong trường hợp này là không cần thiết. Do đó, trong Luật Giá (dự thảo) cũng cần làm rõ những vấn đề này cho phù hợp với các văn bản pháp luật hiện hành.

Trên đây là những đóng góp về nội dung Thẩm định giá trong Luật Giá sửa đổi, kính mong Ban soạn thảo xem xét./.

Nguyễn Duy Huy (Học viện Cảnh sát nhân dân)
Bạn đang đọc bài viết "Góp ý một số qui định liên quan công tác thẩm định giá trong Dự thảo Luật Giá (sửa đổi)" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin