Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của một số nước và đề xuất bổ sung ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam

(Pháp lý). Nghiên cứu cho thấy nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ. Hiện Bộ Tài chính của Việt Nam cũng đã hoàn thiện dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chuẩn bị trình Chính phủ trình Quốc hội. Tại dự thảo Luật sửa đổi mới nhất bổ sung nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, cơ quan báo chí…
1-1726189885.jpg

Ảnh minh hoạ

Chính sách ưu đãi thuế của nhiều nước đã đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ.

Chính sách thuế TNDN thúc đẩy phát triển doanh nghiệp của một số nước

- Singapore và một số quốc gia thuộc khu vực Châu Á:

Thuế thu nhập doanh nghiệp của Singapore được tính trên cơ sở nguồn thu nhập. Cụ thể, một công ty chỉ chịu thuế đối với các loại thu nhập: Phát sinh trong vùng lãnh thổ Singapore, hoặc Chuyển đến Singapore từ nước ngoài. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp tại Singapore liên tục được chính phủ điều chỉnh giảm trong nhiều năm và ấn định tại mức 17% ở hiện tại. Mức thuế tương đối thấp này là một trong các lý do thu hút số lượng đầu tư lớn từ nước ngoài.

Ngoài ra, Singapore áp dụng hệ thống thuế doanh nghiệp một cấp (single-tier). Lợi nhuận của một công ty sẽ chỉ bị đánh thuế một lần, và lợi tức được trả bởi một công ty thường trú tại Singapore đến các cổ đông sẽ không bị đánh thuế lần nữa. Điều này nghĩa là thuế thu nhập từ cổ tức tại Singapore bằng 0. Không những vậy, Singapore cũng loại bỏ hoàn toàn thuế trên thặng dư vốn (capital gain tax).

Tại Hàn Quốc và Ấn Độ, các nhà đầu tư được hưởng lợi từ việc giảm thuế thu nhập vốn đối với các khoản đầu tư cổ phần của doanh  nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Điều này được thực hiện thông qua việc cắt giảm một nửa thuế thu nhập vốn ngắn hạn, từ thuế suất 30% xuống thuế suất 15% đối với cổ phiếu niêm yết của các DNNVV

Ở Trung Quốc, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông là 25%, doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi là 20%. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, Trung Quốc áp dụng mức thuế suất 5% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế dưới 1 triệu Nhân dân tệ, mức 10% đối với doanh nghiệp có thu nhập tính thuế từ 1 triệu đến 3 triệu Nhân dân tệ

2-1726189892.jpg

Ảnh minh hoạ

- Các quốc gia thuộc Đông Nam Á

Tại các quốc gia thuộc ASEAN, chính sách ưu đãi thuế được tập trung vào thuế thu nhập doanh nghiệp, đây là loại thuế trực thu đánh vào thu nhập hoặc các khoản lãi có thể tính được tích lũy cho một doanh nghiệp. Các nước Asean đã đặt ra các mức thuế suất tiêu chuẩn khác nhau đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, được xác định bởi nhiều yếu tố tùy thuộc vào ưu tiên của chính phủ, mức độ phát triển và bản chất của nền kinh tế (Shira và Associates, 2018). Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình trong khu vực ASEAN đang giảm dần, từ 25,1% năm 2010 xuống 22,6% năm 2015 và xuống 21,7% năm 2020.

Lào và Thái Lan là 2 nước có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghệp tiêu chuẩn giảm mạnh nhất trong 10 năm qua (2010-2020), từ 35% xuống 20% đối với Lào; từ 30% đến 20% đối với Thái Lan. Indonesia đã giảm xuống còn 22% và Malaysia giảm còn 24% đối với phần thu nhập chịu thuế vượt 500.000 Ring-git, trong đó, doanh nghiệp Malaysia có vốn góp từ 2,5 triệu Ring-git trở xuống được áp dụng mức thuế suất 19% đối với 500.000 Ring-git thu nhập chịu thuế đầu tiên. Singapore là quốc gia đưa ra mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp nhất ASEAN với mức 17% thu nhập doanh nghiệp chịu thuế và không thay đổi trong 10 năm qua; tỷ lệ 18,5% của Brunei thấp thứ hai

Tại Lào, các nhà đầu tư tái đầu tư lợi nhuận ròng của họ vào các hoạt động bổ sung hoặc hoạt động đầu tư đủ điều kiện để được miễn thuế đối với lợi nhuận cho năm kế toán tiếp theo. Còn ở Myanmar, doanh nghiệp được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp nếu lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh được tái đầu tư vào cùng một doanh nghiệp hoặc trong một loại hình kinh doanh tương tự trong vòng một năm. Trong khi tại Myanmar, việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ được cấp cho các dự án dịch vụ đã được phê duyệt. Thời gian miễn thuế tại các quốc gia thuộc ASEAN thay đổi từ 5 đến 20 năm, với thời gian trung bình là khoảng 12 năm. Cụ thể, các DNNVV nằm trong các khu công nghiệp công nghệ cao ở Brunei có thể được cho miễn thuế kéo dài tổng cộng 20 năm. Tùy thuộc vào số vốn đầu tư mới, Bộ Tài chính Indonesia có thể tương tự phê duyệt thời hạn tối đa lên đến 20 năm kể từ năm tài chính mà một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động thương mại, sau khi kỳ nghỉ thuế kết thúc, các doanh nghiệp này được giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong hai năm tiếp theo

- Một số nước giảm thuế suất phổ thông để thu hút đầu tư

Những năm qua, nhiều quốc gia đã giảm thuế suất phổ thông thuế TNDN nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) giảm thuế suất thuế TNDN trung bình từ 32% (năm 2000) xuống 26% (năm 2008) và 25% (năm 2015).

Từ năm 2013 đến nay, Anh đã 4 lần giảm thuế suất thuế TNDN phổ thông từ 24% xuống 19% và dự kiến giảm xuống 17% (từ ngày 01/4/2020). Ngoài ra, từ tháng 4/2016, Anh giảm thuế suất thuế đánh trên thặng dư vốn; xóa bỏ thuế doanh thu xăng dầu. Phần Lan giảm thuế suất thuế TNDN từ 24,5% xuống 20% từ 01/01/2014. Bồ Đào Nha giảm thuế suất từ 25% xuống 23% (01/01/2014) và 21% (01/01/2015). Tây Ban Nha giảm thuế suất từ 28% xuống 25% (01/01/2016). Năm 2017, một loạt quốc gia châu Âu đã cắt giảm thuế suất thuế TNDN như Slovakia giảm từ 22% xuống 21%; Ý giảm từ 27,5% xuống 24%; Na Uy từ 25% xuống 24%…

Tại châu Á, Nhật Bản giảm thuế suất từ 25,5% xuống 23,9% (01/4/2015). Bangladesh giảm thuế suất từ 27,5% xuống 25% (01/7/2015). Malaysia giảm thuế suất từ 25% xuống 24% (năm 2016); Irasel giảm từ 25% xuống 24% (năm 2016) và 23% (năm 2017)…

Ngoài ra, Canada giảm thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ từ 11% xuống 9% theo lộ trình 4 năm: 2016 là 10,5%; 2017 là 10%; 2018 là 9,5%; 2019 là 9%. Ai Cập giảm từ 25% xuống 22,5% (21/8/2015)…

- Chính sách thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch điện tử, hoạt động quảng cáo, mua bán hàng hóa qua mạng của một số nước

Chính sách thuế TNDN ở các nước vẫn tiếp tục được điều chỉnh để bắt kịp với xu thế phát triển của công nghệ và các mô hình kinh doanh số. Indonesia đang xem xét miễn thuế có thời hạn đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động liên quan đến thương mại điện tử, theo đó các doanh nghiệp thương mại điện tử có doanh thu dưới 3,8 tỷ IDR hoặc được xếp loại là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sẽ chịu thuế suất thuế TNDN là 5% (hiện hành là 10%). Tại Singapore, các doanh nghiệp thương mại điện tử hoạt động có hiệu quả được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong thời gian 5 năm đối với thu nhập từ các giao dịch thương mại điện tử với các đối tác bên ngoài Singapore. Israel đang xem xét áp dụng quy định các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử phải đăng ký tài khoản thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thương mại điện tử được bán cho khách hàng Israel chịu thuế suất thuế GTGT 17% và thuế suất thuế TNDN 23%.

Tại Malaysia, công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho người tiêu dùng bị áp dụng tỷ lệ thuế khấu trừ tại nguồn là 10% số tiền mà khách hàng trả cho công ty. Tuy nhiên tỷ lệ thuế khấu trừ tại nguồn có thể được giảm theo các hiệp định thuế giữa Malaysia và các quốc gia. Ấn Độ đang xem xét áp thuế với tỷ lệ là 6% đối với các công ty thương mại điện tử có doanh thu từ các hoạt động quảng cáo điện tử vượt quá 1 triệu INR/năm.

3-1726189892.jpg

Ảnh minh hoạ

Tại Pháp, các doanh nghiệp mua dịch vụ thương mại điện tử từ các doanh nghiệp nước ngoài (không có cơ sở kinh doanh hoặc có cơ sở kinh doanh tại Pháp) phải giữ lại 1/3 số tiền phải trả và nộp toàn bộ số tiền giữ lại này (theo tính chất là khoản thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn) cho cơ quan thuế. Số thuế khấu trừ tại nguồn theo dạng này có thể được giảm theo các hiệp định thuế hiện hành. Doanh nghiệp Pháp không khấu trừ thuế tại nguồn phải chịu một khoản phạt bằng 50% số tiền phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ ở nước ngoài.

Một số đề xuất cho Việt Nam khi sửa đổi chính sách thuế đối với DNNVV

Mặc dù, ưu đãi thuế sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài số tiền thuế miễn giảm sẽ được bổ sung vào nguồn vốn để doanh nghiệp tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập. Do đó, để thúc đẩy sự phát triển các DNNVV, Việt Nam cần có sự điều chỉnh hợp lý đối với chính sách thuế áp dụng cho DNNVV, cụ thể như sau:

- Cần áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức phổ thông đối với DNNVV, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ do vai trò quan trọng của các DNNVV trong nền kinh tế, cũng như việc các doanh nghiệp càng có quy mô nhỏ, thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này đã được thực hiện ở nhiều quốc gia, như: Trung Quốc, Malaysia, Hà Lan, Brazil.

- Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu. Việc giảm thuế nên được thực hiện tạm thời và việc lựa chọn phạm vi giảm thuế cũng cần xem xét tới mức độ đóng góp và mức độ chịu ảnh hưởng trước những biến động của đối tượng được giảm thuế. Biện pháp này vừa khuyến khích phát triển một số lĩnh vực ngành nghề kinh doanh nhất định, vừa giúp minh bạch các chi phí về số thu. Tuy nhiên, khi thực hiện biện pháp này, cần xem xét việc phân định và quản lý lợi nhuận nào đạt tiêu chuẩn được hưởng mức thuế suất thấp để tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận của mình sang doanh nghiệp chịu mức thuế thấp hơn thông qua phương thức chuyển giá.

- Việt Nam cần nghiên cứu giảm việc áp dụng hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế. Hình thức ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế đã hoàn toàn bị bãi bỏ ở các nước phát triển và hiện nay các nước trong tổ chức OECD chỉ áp dụng hình thức giảm trừ thuế hoặc khấu hao nhanh, do đây là các hình thức ưu đãi có mục tiêu cụ thể và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tất cả các ưu đãi thuế phải có cơ sở pháp lý, đồng thời, phải có lịch trình và ngày kết thúc rõ ràng trong luật.

Dự  Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi : Sẽ áp phương pháp tính thuế đơn giản và có nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo

Tại dự thảo Luật, liên quan đến quy định về kỳ tính thuế, dự luật đã bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nước ngoài có thu nhập từ hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành kinh doanh thì kỳ tính thuế thực hiện theo pháp luật về quản lý thuế.

4-1726189892.jpg

Ảnh minh hoạ

Về xác định thu nhập tính thuế đã bổ sung quy định cụ thể về xác định thu nhập tính thuế, thu nhập chịu thuế để luật hóa quy định đang được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập tính thuế để cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư với lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, trừ hoạt động sản xuất, kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế.

Về doanh thu tính thuế TNDN đã bổ sung quy định chi tiết về nguyên tắc xác định doanh thu và thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN trên cơ sở luật hóa quy định tại các văn bản dưới Luật đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua. Và quy định cụ thể các trường hợp đặc thù hiện đang được hướng dẫn tại các văn bản dưới Luật để giao Chính phủ quy định chi tiết việc xác định doanh thu tính thuế TNDN.

Về phương pháp tính thuế dự luật đã bổ sung quy định áp dụng phương pháp tính thuế đơn giản theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng trong trường hợp xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, khuyến khích cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, qua đó, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân và quy định mức thu cụ thể.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về khoản chi phí được tính vào chi phí được trừ trên cơ sở luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật và có rà soát, bổ sung để đồng bộ với quy định của các Luật mới được ban hành (như Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024). Đồng thời, sửa đổi quy định không phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng của Luật hiện hành thành giao Chính phủ quy định một số trường hợp đặc thù không phải đáp ứng điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp đặc thù này để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

Đồng thời, dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định việc áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời hạn 15 năm đối với dự án đầu tư mới tại khu kinh tế nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Đồng thời, giao Chính phủ xác định ưu đãi thuế cho trường hợp vị trí thực hiện dự án nằm trên cả địa bàn được áp dụng ưu đãi thuế TNDN và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi thuế để đáp ứng các yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

 

5-1726189892.jpg

Cơ quan báo chí cần sớm được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Ảnh minh họa.

Đặc biệt dự luật bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành. Bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ Tài chính, tại dự thảo Luật cũng đề cập đến việc sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí đối với những trường hợp được xem xét kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi trên cơ sở luật hóa các quy định đã được thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Bổ sung quy định về áp dụng thuế suất ưu đãi cho các dự án thuộc đối tượng ưu đãi đặc biệt đã được quy định tại Luật Đầu tư năm 2020 để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Dự thảo Luật cũng chú trọng sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian bắt đầu tính miễn, giảm thuế đối với các trường hợp: doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Bổ sung quy định về áp dụng ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư mở rộng cho phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời sửa đổi tiêu chí về mức nguyên giá tài sản cố định tăng thêm đối với dự án đầu tư mở rộng (hiện hành là 20 tỷ đồng đối với dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc 10 tỷ đồng đối với dự án tại địa bàn ưu đãi đầu tư) thành giao Chính phủ quy định cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn.

Đặc biệt, dự án Luật chú trọng bổ sung các quy định về điều kiện để được giảm thuế, mức giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số trên cơ sở luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật.

Lê Phúc – Trần Dương

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin