Ngày 24/5/2018 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án “Tư vấn pháp luật về hợp đồng hợp tác cho người nông dân dân tộc thiểu số các tỉnh miền Bắc Việt Nam”, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với tổ chức phát triển nông nghiệp Đan Mạch tại châu Á (ADDA) tổ chức hội thảo góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam; Chu Hồng Sơn, Vụ phó Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường; đại diện tổ chức ADDA tại Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban chuyên môn và một số đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo Hội Luật gia các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lê Minh Tâm khẳng định, đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng của sản xuất nông nghiệp, là môi trường sống, địa bàn hoạt động của con người, là hàng hóa đặc biệt, là tài sản lớn của người dân. Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 có nhiều điểm tiến bộ so với Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại cần khắc phục để nguồn lực đất đai thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ, bền vững, trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chẳng hạn, việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra thường xuyên; quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng, là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến, nhiều địa phương lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng không đúng mục đích… dẫn tới hơn 70% các vụ khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai tạo nguy cơ bất ổn định xã hội. Vì thế, đề nghị các đại biểu thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, tiến bộ để sớm hoàn thiện bản dự thảo luật này bảo đảm chất lượng.
Giới thiệu về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013, đồng chí Chu Hồng Sơn cho biết, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, thực tiễn triển khai, thi hành luật còn nhiều hạn chế, bất cập, như: Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định…
Phát biểu tham luận, đồng chí Nguyễn Hồng Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội cho biết: Sau 4 năm thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký đất đai, cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, cho thấy có nhiều vướng mắc. Nhiều trường hợp sử dụng đất ổn định nhưng nằm trong phạm vi thực hiện dự án đã có thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất nhưng đã nhiều năm chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp do quy định hạn mức đất ở trong Luật Đất đai năm 1993, năm 2003, năm 2013 khác nhau nên khi cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỉ cấp diện tích đất ở theo hạn mức, phần còn lại xác định là đất nông nghiệp liền kề. Nay người sử dụng đất chia đất cho con làm nhà ở, khi làm thủ tục tách thửa phải nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất rất cao, nhiều gia đình không có khả năng nộp nên không được làm Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy Chứng nhận làm rồi nhưng không được trao.
Đại biểu Nguyễn Cảnh Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Lai Châu đề cập tới một số phát sinh, vướng mắc, bất cập trong Luật Đất đai năm 2013, đó là: việc lập bản đồ địa chính và quản lý đất đai theo bản đồ còn nhiều sai sót trong quá trình kiểm tra thực địa, chưa điều chỉnh chi tiết lại các bản đồ địa chính vẽ tay trước đây với bản đồ đo đạc bằng định vị GPS hiện tại, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp đất đai có sự sai lệch lớn, gây khó khăn trong giải quyết; Việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra còn chậm; Chưa phân biệt rạch ròi cũng như còn chồng chéo giữa việc giao đất, cấp đất cho doanh nghiệp và việc người nông dân góp đất với doanh nghiệp trong trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả…
Phần lớn các đại biểu cũng cho rằng: việc quy định thẩm quyền, trách nhiệm quản lý đất đai trong luật chưa rõ ràng tạo cơ hội cho một số cán bộ tham nhũng. Do đó, phải làm rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các cấp…
Kết luận buổi hội thảo, đồng chí Lê Minh Tâm cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết. Tuy nhiên, cần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, đồng bộ, ổn định, công bằng, công khai, minh bạch; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, của xã hội và người sử dụng đất, kể cả trước mắt và lâu dài; bảo đảm thuận lợi cho người sử dụng, góp phần hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về đất đai./.
Theo HLG