“Quy định về hành chính công, nền hành chính công… chiếm đến 50% số văn bản đã ban hành. Vì vậy, Dự luật Hành chính công nên hướng tới quy định những nguyên tắc chung nhất của nền hành chính công”, TS Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật Bộ Tư pháp góp ý vào Dự luật Hành chính công.
Hôm nay (24-1), Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công đã tổ chức hội thảo khoa học về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự thảo luật. Theo đại biểu Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo Dự luật Trần Thị Quốc Khánh, vấn đề phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự luật đã được rà soát nhiều lần từ năm 2013 trong quá trình nghiên cứu, đề xuất sáng kiến xây dựng Dự luật.
“Vấn đề được nhiều cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm và nổi cộm, bức xúc nhất hiện nay là qui trình thủ tục hành chính, dịch vụ công, Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử, kiểm soát hành chính công”, Trưởng ban soạn thảo Dự luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu.
Qua quá trình nghiên cứu, rà soát, bà Khánh cho hay, trong quản lý điều hành nền hành chính, hệ thống pháp luật hiện chỉ có các qui định mang tính chuyên ngành với những nguyên tắc của từng đạo luật, mà chưa có quy định về những nguyên tắc chung. Chính vì chưa có một đạo luật chung về nền hành chính công, nên từng đạo luật của các bộ, ngành chủ trì soạn thảo không thể khắc phục được tình trạng cục bộ, hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo muốn dành thuận lợi cho cơ quan mình, mà không nhìn thấy khó khăn của các bộ, ngành khác cũng như khó khăn của người dân và doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, nhiều yếu kém của nền hành chính chưa được khắc phục, việc xử lý cán bộ sai phạm còn nhiều khó khăn, việc tinh giản bộ máy chưa được khắc phục triệt để, nhiều qui trình thiếu cơ chế xử lý như buộc từ chức, cách chức khi không còn chức, khắc phục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các đạo luật để bảo đảm tính thống nhất của nền hành chính”, bà Khánh nói.
Đáng quan tâm, ông Lê Hồng Sơn cho rằng, cần đưa Dự thảo Luật ban hành quyết định hành chính đang được soạn thảo thành một chương của Dự luật Hành chính công. “Điều này là một hướng hoàn toàn mới, dễ tạo sự ngỡ ngàng, buộc phải nhận thức lại với nhiều người, nhiều cơ quan có thẩm quyền. Nhưng là hợp lý, vì ban hành quyết định hành chính công là một nội dung rất cơ bản, quan trọng của nền hành chính công”, ông Sơn nói.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, Dự luật phải xác định, phân biệt được phạm vi điều chỉnh với các luật hiện hành. Nền hành chính đã có từ lâu, chứ không phải bây giờ mới xây dựng, và đã có khá nhiều văn bản liên quan đến nền hành chính, nhất là hành chính công. “Vì vậy dự án này phải chọn đối tượng, phạm vi điều chỉnh như thế nào để tránh trùng lặp, có được cái riêng, đáp ứng được yêu cầu phát triển, tạo cơ hội thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo PLXH