(Pháp lý) - Từ Nga về Hà Nội, lịch làm việc của GS. Viện sĩ Nguyễn Huy Hoàng rất bận rộn. Ông làm diễn giả trò chuyện về nước Nga, đi hội thảo, làm việc với nhà xuất bản, chỉnh sửa tập thơ dịch trước khi gửi tới nhà in, gặp gỡ những người bạn... Dường như, ông luôn cố gắng hết mình để những trăn trở thời cuộc, trăn trở xã hội được quan tâm giải quyết.
Tiếp Phóng viên trong một căn nhà chung cư cũ ở phố Dịch Vọng, Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng hồ hởi: “Tôi mới từ Nga về được vài ngày, tôi sống nhờ ở căn nhà của một người quen”. Quan sát căn phòng nhỏ được bài trí giản đơn, chiếc máy tính để làm việc và những bản thảo dở dang..., thắc mắc về sự đơn giản, Giáo sư Hoàng giãi bày: “Tôi có lối sống đơn giản. Tôi như cây vạn niên thanh sống bằng khí trời và nước lã”.
Sống ở Nga nhưng luôn hướng về biển đảo quê hương
Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng sinh năm 1953 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông được đào tạo học hành căn bản, học chuyên văn từ nhỏ, lại sinh ra trong một dòng tộc có truyền thống khoa cử, văn chương Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… Sau khi được giữ lại khoa Văn học - ĐH Tổng hợp giảng dạy chừng hơn chục năm, vào quãng năm 1990, ông cùng vợ, bà Đặng Kim Tiến được cử đi làm nghiên cứu sinh về văn học Nga tại ngôi trường danh tiếng - ĐH Tổng hợp Lomonosov. Luận án của ông khi ấy được đánh giá xuất sắc.
Nếu chỉ vậy, có lẽ ông đã trở về nước, có một vị trí trong xã hội, đào tạo các thế hệ học trò, sẽ hướng dẫn Thạc sĩ, Tiến sĩ, được phong Giáo sư... Nhưng rồi năm tháng định mệnh ấy đã có một tai họa ập đến với gia đình ông. Cô con gái Quỳnh Nga sinh năm 1981 mất tích khi theo gia đình người bạn ông đến nghỉ mát ở bãi biển Sochi, miền Nam nước Nga.
Ngay khi nhận được tin dữ, ông đã gửi lại cô con gái thứ hai Nguyễn Thảo Nguyên, sinh năm 1991, cho bà nhũ mẫu người Nga, vượt chặng đường dài hơn 2.000 cây số xuống Sochi tìm Quỳnh Nga. Không kể ngày đêm, ông lùng sục mọi chốn tìm con. Cứ như vậy, ông không ăn, không ngủ, không buồn để ý đến bản thân mình. Vợ chồng ông đã thuê một căn phòng ở Sochi sống tạm qua ngày để tìm kiếm con gái… Dường như nỗi buồn dai dẳng ấy theo ông suốt cuộc đời chẳng dứt, vì ông chưa thể tìm lại người con gái yêu thương của mình.
Đã có bao đêm đông, tôi đứng hàng giờ bên cửa sổ, vai trùm một tấm chăn mỏng ngắm những bông tuyết rơi miên man, không vui, cũng không buồn, chỉ cảm thấy cô đơn và bé mọn. Những lúc đó, chẳng có ai để san sẻ nỗi lòng, chẳng có ai để trút vợi đi một dòng nước mắt âm thầm chảy, đành gửi gắm nỗi buồn vào những vần thơ…
Chính bởi sống trong hoàn cảnh ấy nên thơ của ông thường da diết và thương buồn. Và đó cũng là lý do mà ông sống đa số thời gian ở Nga nhưng luôn nặng lòng với nước Việt.
Chia sẻ với Phóng viên về một kỷ niệm gần nhất của ông ở Việt Nam, ông kể: Tôi vừa có chuyến đi Trường Sa. Trường Sa trong tôi thiêng liêng lắm, ở đó có những người gác đảo, có sóng biển quê hương, có những người lính … Tôi tin tưởng vào sức mạnh Tổ quốc. Với tôi, Trường Sa tuyệt đẹp. Cũng bởi tấm lòng hướng về biển đảo nên khi đặt chân lên những hòn đảo quê hương, cảm nhận của nhà thơ cũng khác. Ông nhìn xuyên thấu quá khứ, ngẫm tương lai và cảm tình “chưa xa đã nhớ Trường Sa”. Những vần thơ sau, được viết khi ông quay trở lại Nga:
“Mái chùa lộng gió biển khơi
Tiếng chuông vọng một góc trời nước non
Tấm bia thắm chữ vàng son
Những người nằm xuống như còn trối trăng
Thân dù gửi lại biển xanh
Vong linh còn mãi đứng canh đất trời”.
Say mê làm nhịp cầu văn hóa
“Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, trong chuyến hải trình đến thăm và động viên cán bộ, nhân dân và chiến sĩ Trường Sa, đoàn công tác của Hội Luật gia Việt Nam đã đồng hành cùng 12 đoàn trong nước và 22 đoàn kiều bào nước ngoài. Chuyến công tác đặc biệt ấy đã để lại cho những người đến Trường Sa rất nhiều kỉ niệm và cũng từ nhân duyên ấy, chúng tôi biết Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ, Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, một người giản dị và chứa đầy nỗi niềm... Hội Luật gia Việt Nam sau đó đã mời ông Nguyễn Huy Hoàng đến nói chuyện về nước Nga. Cuộc trò chuyện của ông giúp những cán bộ, Luật gia có thêm những hiểu biết, cảm tình với nước Nga” - Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam Trần Đức Long chia sẻ với Phóng viên Pháp lý.
Ngoài vai trò Nhà thơ, Giảng viên văn học thì nhiều người biết đến ông như một diễn giả am tường văn hóa, văn học, con người Nga. Dù sống ở Nga nhưng sách của ông được xuất bản khá đều đặn ở Việt Nam. Hiện ông là tác giả của gần hai mươi tác phẩm gồm đủ các thể loại (thơ, truyện ngắn, ký sự, chuyên luận về văn chương, sách dịch). Tiêu biểu nhất là đóng góp của ông trong mảng dịch sách phải kể đến là cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” – dịch từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Cuốn sách được ông dịch cùng các dịch giả khác. Cuốn sách ngợi ca tình yêu, đức hi sinh và sự dâng hiến của giới trẻ cho Tổ quốc, khơi dậy tình yêu Tổ quốc trong lòng mỗi người Việt. Sau khi xuất bản, sách được ra mắt tại Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cùng sự chứng kiến của thân mẫu liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Tiếp đến là cuốn “Gia tộc Tổng thống V.V Putin” được dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt có sự đóng góp của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng. “Gia Tộc Tổng thống V.V. Putin” là cuốn sách do Aleksandr Putin – một nhà nghiên cứu trong gia tộc vị Tổng thống Nga chấp bút. Cuốn sách không chỉ là những thông tin về gốc tích nông dân của dòng họ nhà Putin, mà còn là biên niên sử nước Nga suốt bốn thế kỷ, là một tác phẩm nghiên cứu văn hóa, lịch sử, dân tộc học. Dịch giả Nguyễn Huy Hoàng dịch cuốn sách cùng dịch giả Mai Quang Huy, Trần Đình Hậu biên dịch, NXB Công an nhân dân ấn hành. Nói về cuốn sách này, dịch giả Nguyễn Huy Hoàng, chia sẻ: “Khi dịch cuốn sách này, chúng tôi được tiếp thu nhiều kiến thức về phong tục tập quán của Nga, hiểu được rằng Tổng thống Putin xuất thân từ gia đình thuần túy nông dân, một gia đình thuần túy Nga không pha tạp dòng giống khác. Gia đình Tổng thống Putin tuy xuất thân từ nông dân nhưng ông lại là người yêu nước Nga nồng nhiệt, gắn bó với nước Nga trên tinh thần công dân mãnh liệt”.
Trăn trở để người Việt ở Nga được trợ giúp pháp lý tốt hơn
Liên Xô sụp đổ và tan rã năm 1991, khủng khoảng tài chính năm 1998 và chợ Vòm đóng cửa năm 2009, cháy chợ người Việt ở Nga là những dữ liệu thời sự liên hệ trực tiếp đến sự sống còn của cộng đồng người Việt trên đất Nga. Tôi bị ấn tượng mạnh với sự vất vả của cộng đồng người Việt ở Nga khi nhắc nhớ về những sự kiện trên. Thế nhưng theo tôi, đó chỉ là một vất vả nhỏ trong hàng trăm vất vả của người Việt ở Nga. Sống nhiều năm ở Nga, thân thiết với nhiều người Việt nặng lòng mưu sinh và sống tại Nga, ông Hoàng tâm tư: Người Việt có trình độ tiếng Nga còn thấp, nhiều công ty của người Việt kinh doanh manh mún… và vất vả nhất của người Việt là vấn đề hiểu biết pháp luật Nga. Ví dụ như những người Việt không có tấm thẻ cư trú dài hạn, họ sống không ổn định, thậm chí là sống bất hợp pháp.
Tôi vẫn còn nhớ như in một kỷ niệm buồn. Đó là vào cuối năm 2009, kênh truyền hình Nga truyền đi hình ảnh một người phụ nữ chới với giữa dòng sông lạnh giá. Đó là cảnh một công nhân người Việt do cư trú bất hợp pháp, trong cơn sợ hãi chạy trốn cơ quan chức năng Nga đã liều mình nhảy xuống sông. Chị ấy là một trong nhiều trường hợp người Việt sống trên đất Nga mà thân phận pháp lý không rõ ràng.
Trong chuyến về Việt Nam lần này, Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng dành một buổi nói chuyện với các cán bộ đang công tác tại T.W Hội Luật gia Việt Nam về nước Nga, về người Việt sống ở nước Nga. Tại đây, ông bày tỏ và mong muốn Hội Luật gia Việt Nam giúp đỡ, trợ giúp pháp lý cho đồng bào xa quê đang sống ở Nga. “Tôi luôn mong Hội Luật gia Việt Nam với thế mạnh của một tổ chức chính trị xã hội, có lực lượng cán bộ Luật gia đông đảo, có kiến thức pháp luật sâu, tới đây sẽ có những khảo sát về người Việt ở Nga, tổ chức những hội thảo với các chuyên gia pháp luật, mời Đại sứ quán Nga tại Việt Nam… để từ đó, cùng với Bộ Tư pháp, Chính phủ Việt Nam đặt vấn đề với Nga, để nước bạn công nhận cộng đồng người Việt ở Nga là một cộng đồng thiểu số, đề xuất những chính sách có lợi cho người Việt ở Nga”, ông Hoàng đề xuất mong muốn.
Đồng cảm sâu sắc với tâm tư gửi gắm của Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, TS. Nguyễn Văn Quyền đã lắng nghe, chia sẻ và hứa tới đây, sẽ cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Luật gia VN nghiên cứu để có thể đề xuất các giải pháp hỗ trợ về mặt pháp lý cho cộng đồng người Việt ở Nga một cách thiết thực nhất.
Phan Phan