(Pháp lý) - Trong dòng chảy thời sự tháng 11 có một ngày đặc biệt, ngày 9/11 – Ngày Pháp luật Việt Nam. Ngày Pháp luật Việt Nam được đặt ra nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật của toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức Nhà nước. Làm thế nào để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với người dân nói chung, đội ngũ cán bộ công chức là một vấn đề lớn hiện nay.
Những ngày đầu tháng 11, dư luận cả nước bất bình và quan ngại về hành động coi thường pháp luật, bất chấp chuẩn mực đạo đức của một số cán bộ, viên chức. Xin dẫn chứng 3 vụ việc gần đây nhất được đưa tin trên báo chí.
Ngày 5/11, tại ngã ba Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), một ông già đi tập thể dục và một phụ nữ đi xe máy xảy ra va chạm giao thông, cũng không có ai bị thương tích, nhưng bất ngờ một thanh niên đi ô tô đến, nhảy xuống đánh ông già đến mức phải đi bệnh viện. Ông già bị hành hung là TS Nguyễn Khanh, 76 tuổi, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội và người đi ô tô xuống hành hung ông Khanh là Nguyễn Đức Hoàng, 39 tuổi, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại Hà Nội (thuộc Sở Ngoại vụ). Viên Phó Giám đốc này xuống hành hung ông cụ ngót 80 vì người phụ nữ đi xe máy vừa va chạm là vợ của anh ta.
Trong một vụ việc khác xảy ra trước đó, ngày 1/11, viên cán bộ thanh tra cầu đường bộ trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội có tên là Đào Vịnh Thuấn bị chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải khỏi cơ quan công quyền vì hành vi trái pháp luật. Trước đó không lâu, tại Sân bay Nội Bài xảy ra vụ hành khách Trần Dương Tùng và Đào Vịnh Thuấn đi chuyến bay VN7265 chặng Hà Nội - TP HCM, đã làm thủ tục cấp thẻ lên tàu bay, nhưng đến cửa ra tàu bay muộn nên không được vận chuyển. Hai hành khách sau đó đã lăng mạ, chửi bới nhân viên làm thủ tục tại quầy số 38. Khi bị chị Nguyễn Lê Quỳnh Anh, Đội phó Dịch vụ hàng không chuyến bay đi (thuộc Trung tâm khai thác Nội Bài của Vietnam Airlines) quay clip, hai hành khách đã hành hung khiến chị Quỳnh Anh bị chấn thương phần mềm và choáng.
Ngay sau đó Thành ủy Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân vụ việc, có biện pháp xử lý nghiêm. Kết quả là Đào Vịnh Thuấn bị sa thải.
Hai vụ việc làm nóng dư luận trên đây cho thấy, hai vị cán bộ cơ quan công quyền đã quên pháp luật, hung hăng côn đồ, bất chấp chuẩn mực đạo đức thông thường khi cậy mạnh hành hung người khác, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, mặc dù đó là phụ nữ, đó là người cao tuổi. Cả hai vụ việc đều diễn ra nơi công cộng, đông người qua lại, thậm chí có cả khách quốc tế. Như vậy là họ không cần che giấu hành vi trái pháp luật của mình. Người dân lo lắng nghĩ rằng những cán bộ như thế khi thực thi quyền lực, khi chỉ có họ với đương sự, với quyền lực và thói ngông cuồng đó, họ sẽ hành dân đến thế nào.
Có thể thấy diễn dịch của người dân có lý, khi liên hệ với một sự kiện trong tháng 11 nữa, đó là ngay trong Ngày Pháp luật Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM công bố quyết định cách hết các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Văn Quý - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy Công an huyện Bình Chánh. Trước đó, ông Quý đã bị Tổng Cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an cách chức Trưởng Công an huyện Bình Chánh.
Nguyên do là ông Quý đã vi phạm trong việc điều tra, khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn (chủ quán cà phê Xin Chào) tội Kinh doanh trái phép và Nguyễn Văn Bỉ (xây chuồng ngỗng) tội Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Nếu không có sự lên tiếng của báo chí, sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị rà soát toàn bộ vụ án thì không biết người dân vô tội còn bị hành hạ tới đâu.
Chỉ vài sự kiện diễn ra trong tháng 11 liên quan đến cán bộ, công chức trên đây đủ thấy thực trạng chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ đáng lo ngại đến thế nào. Ở tầng nấc cao hơn sẽ là tham nhũng, biển thủ, ức hiếp, trù úm, bè phái lợi ích nhóm. Còn nhớ khi đương chức, Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan từng phát biểu tại một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội rằng: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.
Làm thế nào để bảo vệ đạo đức xã hội, củng cố nâng cao ý thức pháp luật đối với người dân nói chung, đội ngũ cán bộ công chức nói riêng là một vấn đề rất lớn hiện nay. Do đó, tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam là hoạt động rất có ý nghĩa và cần tổ chức tuyên truyền thường xuyên.
Trở lại với các vụ việc nêu trên, dư luận cho rằng về mặt nhận thức bình thường, mỗi cán bộ công chức đều nhận thức được và buộc phải nhận thức được những chuẩn mực đạo đức ứng xử, những quy phạm pháp luật tối thiểu khi hành xử với dân, khi thực thi công vụ. Nhưng vì sao họ vẫn ngang nhiên vi phạm? Có lẽ cần chế tài nghiêm khắc hơn, công bằng hơn trong việc xử lý các cán bộ sai phạm. Đối với cán bộ, công chức có chức có quyền thì càng phải xử lý nghiêm khắc hơn so với nhân viên, so với người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế.
Nghị quyết số 04-NQ/TW mới đây của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30-10 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ và đề ra các giải pháp khắc phục.
Trung ương chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Trong đó có 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống được chỉ mặt đặt tên rất rõ ràng. Đó là cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; Mắc bệnh "thành tích", háo danh, thích được đề cao; Quan liêu, xa rời quần chúng; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân; Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên; Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội…; Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan; Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.
Và Trung ương cũng đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trong đó có giải pháp: “kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức... Trước mắt, rà soát kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Như vậy, “bệnh” đã được chỉ ra, “thuốc” đã được xác định, một số cán bộ vi phạm đã bước đầu được xử lý nghiêm. Người dân trông đợi và kỳ vọng ở sự nghiêm minh, quyết liệt hơn nữa trong hành động chống tham nhũng, tiêu cực từ phía các cơ quan chức năng. Phải biến Nghị quyết, biến tinh thần Ngày Pháp luật Việt Nam thành những hành động cụ thể. Giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật: Hãy bắt đầu từ cán bộ. Và cần xử lý rốt ráo hơn nữa, nghiêm khắc hơn nữa, kiên quyết sàng lọc ra khỏi bộ máy những cán bộ sai phạm, những cán bộ cậy quyền cậy thế coi thường pháp luật. Có như vậy lòng dân mới yên, kinh tế - xã hội ổn định phát triển.
Trần Vị Lương