Gián điệp kinh tế - nỗi lo của Chính phủ nhiều nước

20/12/2018 10:24

(Pháp lý) - Trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ bắt gián điệp, bắt do tình nghi hoạt động gián điệp … Hoạt động gián điệp thường được gắn với yếu tố chính trị. Tuy nhiên, gián điệp kinh tế cũng đang là một trong những nỗi lo lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp lớn trên phạm vi toàn cầu. Đối với các nước phát triển và đang có tham vọng vượt lên dẫn đầu, hoạt động gián điệp song song với bảo mật thông tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và được kiểm soát nghiêm ngặt nhất hiện nay...

Lần đầu tiên gián điệp Trung Quốc bị dẫn độ đến Mỹ xét xử

Ngày 11/10, báo chí Mỹ đồng loạt cho hay, hôm 10/10, Bộ Tư pháp nước này đã đệ đơn kiện một người tình nghi là gián điệp Trung Quốc, lên án người này "tìm cách đánh cắp bí mật thương mại hàng không vũ trụ của Mỹ", đồng thời cho rằng "đây là lần đầu tiên gián điệp Trung Quốc bị dẫn độ đến Mỹ xét xử".

Theo báo chí Mỹ ngày 11/10/2018, người bị xác định là gián điệp Trung Quốc có tên là Từ Diên Quân, là một Phó Giám đốc Sở an ninh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Tháng 4/2018, Từ Diên Quân đã bị bắt ở Bỉ, đến ngày 9/10/2018 bị dẫn độ đến Mỹ. Giới chức Mỹ cho rằng, động thái dẫn độ Từ Diên Quân đánh dấu việc "gián điệp Trung Quốc lần đầu tiên bị dẫn đến Mỹ để đưa ra tòa". Bill Priestap, quan chức bộ phận chống gián điệp của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết, đây là một hành động "chưa có tiền lệ trong lịch sử".

Theo tờ Washington Post, Từ Diên Quân hoạt động gián điệp bắt đầu từ năm 2013 và cho đến tháng 4/2018 mới bị bắt, ông ta đã nhằm đến một số công ty hàng không của Mỹ, thu lấy thông tin công nghệ "rất nhạy cảm". Những công ty hàng không này bao gồm GE Aviation, thậm chí có những công ty chưa được phía Mỹ chỉ rõ tên như "công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới", nhà chế tạo chủ yếu máy bay phản lực thương mại và hệ thống quốc phòng, vũ trụ và an ninh, người đi tiên phong về công nghệ máy bay không người lái.

Trong thời gian hoạt động, Từ Diên Quân luôn coi các chuyên gia làm việc ở các công ty hàng không trong và ngoài lãnh thổ Mỹ là mục tiêu. Ông ta dùng thân phận là quan chức khoa học công nghệ để che đậy, thường xuyên lấy lý do mời đối phương đến trường đại học phát biểu để tuyển mộ chuyên gia đến Trung Quốc.

Ngày 10/10, Từ Diên Quân lần đầu tiên bị xét xử ở toà án liên bang ở Cincinnati, bang Ohio, Mỹ. Ông ta bị tố cáo 4 tội danh, trong đó bao gồm tội thông đồng và có ý đồ tiến hành hoạt động gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại.

Theo hãng tin CNN Mỹ ngày 11/10, tại Mỹ, trách nhiệm hình sự cao nhất của tội thông đồng và có ý đồ tiến hành hoạt động gián điệp là 15 năm tù, còn âm mưu đánh cắp bí mật thương mại sẽ có hình phạt cao nhất là 10 năm tù. Nếu bị định tội, Từ Diên Quân có thể đối mặt với hình phạt nhiều nhất 25 năm tù và bị xử phạt về kinh tế.

 Mỹ chỉ trích gián điệp Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ hàng không. Ảnh: Sohu.
Mỹ chỉ trích gián điệp Trung Quốc đánh cắp bí mật công nghệ hàng không. Ảnh: Sohu.)

Hoạt động gián điệp ở Nga, bị bắt giữ và xét xử

Hãng thông tấn RIA của Nga mới đây cho biết: Công dân Na Uy bị bắt giữ có tên là Frode Berg, 62 tuổi, từng là lính biên phòng tại biên giới Nga-Na Uy. Người này bị bắt giữ sau khi cơ quan an ninh Nga FSB phát hiện ông nhận tài liệu mật về hải quân Nga từ một người khác có quốc tịch Nga, theo Reuters.

Nhà chức trách Nga đã cho bắt giữ một công dân Na Uy bị tình nghi hoạt động gián điệp tại nước này.
Nhà chức trách Nga đã cho bắt giữ một công dân Na Uy bị tình nghi hoạt động gián điệp tại nước này.)

Luật sư của ông Frode Berg cho biết: “Phía gia đình ông khẳng định các cáo buộc gián điệp là quá khó tin. Ông ấy bị bắt khi đang làm du lịch và gặp gỡ những người quen cũ từng làm việc chung. Gia đình đã biết tin ông Frode Berg bị bắt giữ một thời gian. Họ nghĩ rằng có sự hiểu lầm và mọi chuyện sẽ sớm được sáng tỏ”. Theo hãng RIA, ông Berg sống tại TP Kirkenes, Na Uy, cách biên giới Nga khoảng 15 km.
Na Uy hiện là quốc gia thành viên của liên minh quân sự NATO, vốn đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga sau sự kiện nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine. Chính phủ Na Uy cho biết đã liên lạc và gặp gỡ được với công dân của mình, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Na Uy thông tin. Mức phạt tối đa với tội danh gián điệp tại Nga là 20 năm tù, còn mức tối thiểu là 10 năm tù, hãng tin Reuters cho biết.

Trong một vụ việc khác, tại Viện Nghiên cứu Chế tạo máy Trung ương Nga (TSNIIMASH), một nhà khoa học đã bị bắt do nghi ngờ tuồn thông tin mật về tên lửa siêu thanh cho gián điệp phương Tây. “Chuyên gia Viktor Kurdryavtsev thuộc TSNIIMASH đã bị bắt”, người phát ngôn của Cơ quan Không gian Vũ trụ Nga (Roscosmos) Vladimir Ustimenko ngày 22/7 cho biết, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo TASS, ông Viktor Kurdryavtsev bị bắt vì cáo buộc phản quốc. Tòa án quận Lefortovo ở thủ đô Moscow, nơi thường xét xử các vụ án liên quan tới cáo buộc phản quốc, hiện chưa xác nhận hay bác bỏ thông tin về vụ việc. Đại diện của TSNIIMASH cũng chưa đưa ra bình luận chính thức.

Trước đó, nhật báo Kommersant đưa tin một nhóm các nhà điều tra của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã tiến hành khám xét văn phòng của các chuyên gia TSNIIMASH và văn phòng của Dmitry Paison, Giám đốc trung tâm phân tích và nghiên cứu của Roscosmos, để phục vụ cho cuộc điều tra về cáo buộc phản quốc.

Khoảng 10 chuyên gia về khoa học vũ trụ của Nga bị nghi làm việc cho các gián điệp phương Tây. Báo Kommersant cho biết FSB nghi ngờ các gián điệp phương Tây đã tiếp cận được các dự án tên lửa siêu thanh bí mật của Nga.

Văn phòng báo chí của Roscosmos cho biết giám đốc điều hành của Roscosmos Dmitry Rogozin đã được thông báo về vụ việc và chỉ đạo hỗ trợ cho cuộc điều tra. Trong khi đó, phát ngôn viên Vladimir Ustimenko của Roscosmos nói rằng ông Paison đã đệ đơn xin từ chức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hé lộ về những vũ khí siêu thanh trong Thông điệp Liên bang hồi tháng 3, trong đó có thiết bị siêu thanh Avangard được mệnh danh "bất khả chiến bại" và tên lửa Kinzhal có khả năng phá hủy tàu sân bay. Cả hai đều có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân và được cho là thách thức mọi hệ thống phòng thủ tối tân hiện nay.

Cựu nhân viên tình báo Mỹ bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Ngày 2/6/2018, Cục điều tra liên bang Mỹ đã bắt giam Ron Rockwell Hansen, 58 tuổi, khi ông này đang trên đường ra sân bay quốc tế Seattle-Tacoma để bay chuyển tiếp đến Trung Quốc. Reuters dẫn thông tin từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Hansen bị buộc tội cố gắng truyền tải thông tin quốc phòng cho Trung Quốc và nhận "hàng trăm nghìn USD" khi hành động bất hợp pháp như một nhân viên tình báo cho chính phủ Trung Quốc.

Các công tố viên cho hay Hansen nói thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Nga.

Trụ sở Cục Quân báo Mỹ tại Washington. Ảnh: AP.
Trụ sở Cục Quân báo Mỹ tại Washington. Ảnh: AP.)

Ông này từng chịu trách nhiệm tuyển dụng và điều hành các đặc vụ cho Cục Quân báo khi còn trong nghĩa vụ quân sự giai đoạn 2000-2006, và sau đó tiếp tục làm cho quân đội với vai trò nhân viên dân sự và nhà thầu. Hansen cũng từng có quyền tiếp cận tài liệu tối mật trong nhiều năm.

Chính phủ Mỹ cho biết, từ năm 2013 đến năm 2017, Hansen đã qua lại giữa hai nước, tham dự các hội nghị và cung cấp thông tin mà mình có được cho tình báo Trung Quốc. Hansen được trả công qua chuyển khoản ngân hàng, tiền mặt và thẻ tín dụng. Ông này cũng bị cáo buộc bán công nghệ kiểm soát xuất khẩu bất hợp pháp.

"Các hành động như cáo buộc của ông ta là một sự phản bội an ninh quốc gia và nhân dân Mỹ, một sự sỉ nhục cho những cựu đồng nghiệp trong ngành tình báo", John Demers, người đứng đầu Vụ An ninh quốc gia của Bộ Tư pháp tuyên bố.

Trước đó, cựu đặc vụ CIA Jerry Chun Shing Lee đã bị truy tố vì âm mưu thu thập hoặc cung cấp thông tin quốc phòng cho Trung Quốc. Một cựu nhân viên tình báo Mỹ khác có tên Kevin Mallory đang bị xét xử tại bang Virginia, cũng liên quan đến việc bán bí mật cho Trung Quốc.

Iran bắt giữ hàng chục gián điệp làm việc cho nước ngoài

Ngày 28-8, Bộ trưởng Tình báo Iran cho biết, lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ hàng chục gián điệp làm việc trong các cơ quan nhà nước, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran với phương Tây và Mỹ.

Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi không cho biết thời gian, địa điểm diễn ra các vụ bắt giữ cũng như quốc gia đã tuyển lựa công dân Iran làm gián điệp, nhưng ông tiết lộ nhiều người trong số bị bắt giữ mang hai quốc tịch.

 Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi
Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi)

"Tôi đã nhiều lần yêu cầu lực lượng chống gián điệp của Bộ Tình báo trao đổi kịp thời nếu đối tượng bị bắt giữ mang hai quốc tịch. Đơn vị chức năng đã xác định thành công và bắt giữ hàng chục gián điệp trong cơ quan chính phủ Iran”, hãng tin ISNA trích dẫn phát biểu của bộ trưởng Alavi.

Việc bắt giữ công dân mang hai quốc tịch đã gia tăng kể từ khi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho biết, đã có "sự xâm nhập" của các mật vụ phương Tây trong các cơ quan ra quyết định của Iran.
Hãng Reuters đưa tin vào năm 2017, lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ của Iran đã bắt giữ ít nhất 30 công dân mang hai quốc tịch trong những năm gần đây, chủ yếu là do hoạt động gián điệp.

Căng thẳng giữa Tehran và một số nước phương Tây gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với kinh tế nước này.

Iran là quốc gia không công nhận công dân mang hai quốc tịch và thường xuyên không công bố các vụ bắt giữ hoặc buộc tội những công dân này, khi họ có quyền nhận trợ giúp lãnh sự được ghi nhận trong Công ước Vienna.

Ngoài ra, Bộ trưởng Alavi cũng cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ một thành viên của nhóm phiến binh Hồi giáo ở miền nam Iran và giải tán một nhóm khủng bố ở miền bắc nước này.
Bộ tình báo Iran cũng đã đập tan một số âm mưu đánh bom tại các ga tàu điện ngầm và các trường đại học, nhưng không công bố bất cứ chi tiết nào vào thời điểm bắt giữ vì yêu cầu bí mật.

Thành Chung (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Gián điệp kinh tế - nỗi lo của Chính phủ nhiều nước" tại chuyên mục Kinh doanh - Quốc tế. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin