Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện và xử lý tội phạm chứng khoán.

(Pháp Lý). Thực tế cho thấy, bên cạnh các mặt tích cực, tình trạng vi phạm pháp luật chứng khoán diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, công tác phát hiện và xử lý loại tội phạm này đang gặp một số khó khăn vướng mắc, đòi hỏi các cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có những giải pháp mới phù hợp thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm chứng khoán.
anh-1-1656303633.jpg
Tình trạng vi phạm pháp luật chứng khoán diễn ra  phức tạp, nghiêm trọng

Trải qua hơn 20 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ thị trường chỉ bao gồm sản phẩm là cổ phiếu, đến nay đã đa dạng hơn với sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền. Trên thị trường cơ sở, tính đến ngày 30/9/2021, tổng số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đã lên tới 1648 mã, trong đó có 904 mã giao dịch trên sàn UPCOM, 403 mã giao dịch trên sàn HOSE, 341 mã giao dịch trên sàn HNX. Tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 7.872.915 tỷ đồng, tương đương 126,72% GDP, tăng hơn 30% so với năm 2020. Thanh khoản thị trường tăng cao, giá trị giao dịch bình quân tính đến tháng 9/2021 đạt 24.087 tỷ đồng/ phiên trung bình, tăng 226% so với năm 2020. Chỉ số VNIndex liên tục phá đỉnh, hiện nay duy trì ở mức 1350 (tăng gần 22% so với năm 2020). Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù mới được vận hành từ tháng 8 năm 2017, nhưng đã cho thấy sự phát triển nhanh chóng, vượt các kỳ vọng đề ra. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị khớp lệnh trung bình lên tới 27.660 tỷ đồng/ phiên, khối lượng khớp lệnh trung bình đạt 204.780 hợp đồng/ phiên; kỉ lục giao dịch mới đã được xác định với 403.266 hợp đồng vào phiên giao dịch ngày 12/7/2021.

Bên cạnh các mặt tích cực, tình trạng vi phạm pháp luật cũng diễn ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán, đi ngược lại với lợi ích chung của thị trường, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Một số vi phạm phổ biến trên thị trường chứng

1. Vi phạm trên thị trường chứng khoán cơ sở

Thứ nhất, vi phạm về thao túng thị trường chứng khoán

Bản chất của hành vi gian lận trên là tạo ra cung và cầu giả bằng nhiều hình thức khác nhau, phổ biến nhất là sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác thông đồng để đặt lệnh chờ với số lượng rất lớn, sau đó hủy lệnh và thực hiện giao dịch ngược hướng với thị trường gây ảnh hưởng giả tạo đến giá chứng khoán; hoặc liên tục tạo các giao dịch khớp trùng giá và khối lượng nhằm tạo thanh khoản, đẩy giá cổ phiếu lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của doanh nghiệp, nhằm trục lợi, gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư trên thị trường. Điển hình, năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Hinh (nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận, mã CK: KSA) về tội Thao túng thị trường chứng khoán theo Điều 211 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đối tượng Phạm Thị Hinh cùng với sự tiếp tay của môi giới chứng khoán đã sử dụng 69 tài khoản để giao dịch chéo nhằm tăng thanh khoản và đẩy giá cổ phiếu KSA lên cao, thu hút sự chú ý của nhiều đầu tư tham gia mua cổ phiếu KSA, gây thiệt hại 8,1 tỷ đồng cho nhà đầu tư và 3 công ty chứng khoán cấp margin cho cổ phiếu KSA hơn 200 tỷ đồng.

Thứ hai, vi phạm quy định về chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ

Vi phạm trên chủ yếu ở dạng: doanh nghiệp thực hiện chào bán thêm chứng khoán ra công chúng để tăng vốn nhưng không xin phép Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, không thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc chậm công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn thu được từ phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ… Chẳng hạn như: năm 2018, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định số 81/QĐ-UBCKNN xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Rau quả I (quận Hoàng Mai, Hà Nội ) vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Công ty không báo cáo UBCKNN trước và sau khi thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu và thưởng cho cán bộ lãnh đạo; đồng thời công ty không đăng ký với UBCKNN khi thực hiện phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông chiến lực, không báo cáo UBCKNN về kết quả đợt phát hành cổ phần riêng lẻ. Đây có thể coi là việc phát hành “chui” cổ phiếu nhằm làm lợi cho một số nhóm người gây thiệt hại cho các nhà đầu tư khác khi phải mua cổ phiếu trên sàn với giá cao hơn gấp nhiều lần.

Thứ ba, vi phạm quy định về công bố thông tin và báo cáo

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Ủy ban chứng khoán nhà nước ban hành khoảng 100 – 150 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về công bố thông tin và báo cáo. Trong đó, chiếm tỷ trọng nhiều nhất là hành vi chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, chậm công bố các thông tin về thay đổi nhân sự, báo cáo phải có kiểm toán đối với tổ chức,…; chậm công bố thông tin hoặc không công bố thông tin về giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công bố đối với cá nhân là cổ đông lớn hoặc người có liên quan của công ty niêm yết. Ví dụ như: doanh nghiệp đưa ra con số ước tính kết quả kinh doanh khả quan, sau đó đưa ra báo cáo tài chính tự lập với con số tích cực, các nhà đầu tư dựa trên cơ sở đó để quyết định đầu tư vào doanh nghiêp. Nhưng sau kiểm toán, lợi nhuận giảm đáng kể do hạch toán không đúng khoản mục, chưa đủ cơ sở ghi nhận,… Trước khi giá cổ phiếu giảm sâu, các cổ đông lớn hoặc người có liên quan hoặc một “nhóm” nhà đầu tư với lợi thế tiếp cận được thông tin về hoạt động tài chính thực tế của doanh nghiệp đã bán ra toàn bộ hoặc một phần cổ phiếu nắm giữ, thu lợi nhuận không hề nhỏ mà không báo cáo với Ủy ban chứng khoán nhà nước.

2. Vi phạm trên thị trường chứng khoán phái sinh

Mặc dù mới vận hành được 4 năm, nhưng đến nay thị trường chứng khoán phái sinh đã nảy sinh một số nguy cơ tiềm ẩn vi phạm pháp luật khi có dấu hiệu thao túng chỉ số VN30 khiến chỉ số này biến động mạnh ngay trước phiên ATO, ATC hoặc trong ngày đáo hạn phái sinh nhằm trục lợi. Điển hình như phiên 19/1/2021, chỉ trong 15 phút phiên ATC, chỉ số VN30F2101 đã giảm hơn 70 điểm, gần trở về mốc xuất phát đầu năm 2021. Điều này xuất phát từ quy định: trong ngày đáo hạn phái sinh, giá sử dụng để tất toán hợp đồng tương lai VN30F là giá đóng cửa của chỉ số VN30, do vậy, nhiều cá nhân, tổ chức cố tình mua vào hoặc bán ra các cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường cơ sở, có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số VN30 như VCB, VHM, VIC, MSN,… nhằm thao túng, khiến cho chỉ số VN30 biến động mạnh theo chủ đích, từ đó trục lợi trên thị trường phái sinh, gây méo mó, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cơ sở.

Như vậy, có thể thấy tình hình vi phạm pháp luật xảy ra trên thị trường chứng khoán ngày càng phức tạp, gây thiệt hại ngày càng lớn cho nhà đầu tư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Tuy nhiên, trong phát hiện, xử lý hình sự tội phạm trên thị trường chứng khoán vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

anh-2-1656303723.jpg
Cơ quan quản lý cần nghiên cứu để có những giải pháp mới phù hợp thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm chứng khoán.

Khó khăn, vướng mắc trong phát hiện và xử lý tội phạm

Thứ nhất, các tội danh trong lĩnh vực chứng khoán tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (từ Điều 209 đến Điều 212) quy định vẫn còn chung chung, chưa có hướng dẫn thi hành nên gây khó áp dụng trong thực tiễn điều tra, xử lý. Chẳng hạn như đối với tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán, không quy định cụ thể thế nào là “cố ý công bố thông tin sai lệch”, thế nào là “che giấu thông tin” trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán… Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết cách thức xác định số tiền “thu lợi bất chính” hoặc “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” từ hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, trong khi đó hậu quả thiệt hại do hành vi gây ra là dấu hiệu bắt buộc của các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Thứ hai, công tác xác định hậu quả, thiệt hại trong các vụ án về chứng khoán gặp nhiều khó khăn, do phải thu thập, xác minh, phân tích rất nhiều giao dịch, tại nhiều cơ quan, đơn vị (ngân hàng, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm lưu ký chứng khoán…), đặc biệt là phải trưng cầu giám định thiệt hại, dựa vào giám định viên và hệ thống máy tính, phần mềm của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Đồng thời phải làm việc với nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại, dẫn đến thời gian điều tra, xác minh các vụ án, vụ việc, tin báo, tố giác tội phạm xảy ra trên thị trường chứng khoán thường bị kéo dài, thậm chí có vụ việc bế tắc do không thể xác định được nhà đầu tư nào bị thiệt hại và thiệt hại bao nhiêu.

Thứ ba, lĩnh vực chứng khoán có tính chuyên môn đặc thù, bản thân nhà đầu tư và lực lượng chức năng còn thiếu kiến thức chuyên môn về lĩnh vực này, do vậy quá trình điều tra, khám phá, mở rộng và làm rõ bản chất của vụ án còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ tư, khối lượng thông tin, dữ liệu chứng khoán rất lớn, thay đổi liên tục hàng ngày, chủ yếu lưu trữ trên hệ thống máy tính nên việc truy cập trích xuất thông tin từ hệ thống máy tính được quản lý tự động theo chế độ phân quyền được truy cập các dữ liệu trên, người sử dụng cũng sẽ bị lưu lại tên người truy cập, thời gian và địa điểm truy cập. Do vậy quá trình thu thập, tổng hợp nắm bắt thông tin trong lĩnh vực chứng khoán bằng biện pháp trinh sát thực tế rất khó khăn, ít cộng tác viên bí mật nào có vị trí thuận lợi và đủ trình độ để thực hiện nhiệm vụ.

Kiến nghị tăng cường giải pháp phòng, chống

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, xây dựng, ban hành nghị quyết hướng dẫn áp dụng thi hành các tội trong lĩnh vực chứng khoán được quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (từ Điều 209 đến Điều 212). Cụ thể: xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn, làm rõ khái niệm cố ý công bố thông tin sai lệch”, thế nào là “che giấu thông tin” trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán… tại Điều 209 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017; ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cách thức xác định số tiền “thu lợi bất chính” hoặc số tiền “gây thiệt hại cho nhà đầu tư” cho từng tội danh từ Điều 209 đến Điều 212 Bộ luật hình sự năm 2015.

Thứ hai, lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các ngân hàng trong xác minh, điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, vi phạm sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán hoặc các vi phạm khác trên thị trương chứng khoán; truy xuất các thông tin giao dịch tại tài khoản ngân hàng của các nhà đầu tư. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ủy ban chứng khoán Nhà nước trong các đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên thị trường chứng khoán.

Thứ ba, phối hợp với Ủy ban chứng khoán nhà nước, các cơ quan truyền thông nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức đầu tư và pháp luật về chứng khoán cho các nhà đầu tư cá nhân nhằm nhận diện được các cổ phiếu có dấu hiệu bị thao túng giá, từ đó tránh được thiệt hại.

PHẠM DUY CHIẾN ( Học viện Cảnh sát Nhân dân)

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin