Giải pháp nào gỡ vướng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư?

04/08/2021 09:10

Sáng nay (3/8), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến: "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn về lựa chọn nhà đầu tư".

Tại hội thảo, bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 06) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị định 25) của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư được ban hành đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lựa chọn nhà đầu tư nói chung và các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng.

Tuy nhiên, nửa năm triển khai vừa qua cho thấy một số nội dung của Thông tư 06 vẫn gây khó khăn, lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư.

6-1628042964.jpg

Nhiều doanh nghiệp gặp lúng túng trong quá trình thực hiện các thủ tục về lựa chọn nhà đầu tư (Ảnh minh hoạ)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch tập đoàn Hợp Lực cho biết, hiện nay hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong cả nước đang băn khoăn, lo lắng do các địa phương đang lúng túng trong việc xác định “giá trị nộp ngân sách nhà nước tối thiểu (m3)” đối với các dự án có sử dụng đất đã hoàn thành bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Một số địa phương đã có phương pháp tính riêng nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, chính sự thiếu thống nhất và chậm trễ trong việc xác định giá trị m3 đang khiến cho hàng trăm doanh nghiệp bất động sản rơi vào cảnh lao đao, người lao động mất việc làm, ngân sách nhà nước thất thu, kìm hãm sự phát triển của đất nước”, ông Đệ nói.

Ông Đệ nói thêm, các địa phương nếu áp dụng cách tính giá trị m3 theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 47 Nghị định 25/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 06/2020 của Bộ KH-ĐT về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25, sẽ tạo ra sự khác biệt quá lớn.

Cụ thể, Nghị định 25 hướng dẫn  lấy hệ số điều chỉnh giá trị tăng bình quân sau trúng đấu giá của các khu đất, quỹ đất tham chiếu có tính đến yếu tố tương đồng vào tính toán giá trị m3 nhưng tại Thông tư số 06 lại hướng dẫn lấy tất cả các dự án đã đấu giá thành công trên địa bàn cấp huyện trong 2 năm. Việc thiếu sự thống nhất giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn nêu trên dẫn đến việc thiếu sự công bằng giữa các doanh nghiệp trong cùng khoảng thời điểm là trước và sau hiệu lực của Thông tư số 06 và có thể dẫn đến nguy cơ đổ vỡ, phá sản của doanh nghiệp.

Ông Đệ lấy ví dụ, cùng một dự án sử dụng đất có quy mô 175ha, nhưng trước khi Thông tư số 06 có hiệu lực thì giá trị m3 khoảng 2 tỷ đồng (theo hướng dẫn tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư hoặc theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP).

“Tuy nhiên, sau khi áp cách tính tại Thông tư số 06 thì giá trị m3 có là khoảng 580 tỷ đồng (giá trị này độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp), gấp 290 lần so với trước. Tương tự như vậy, một dự án có quy mô 20 ha, trước thời điểm trước và sau Thông tư số 06 có hiệu lực 10 ngày, thì giá trị m3 lần lượt là khoảng 200 triệu đồng (giá trị này độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp), và khoảng 100 tỷ đồng. Việc tính giá trị m3 như hướng dẫn tại Thông tư số 06 không thực tế vì sự khác biệt lợi thế thương mại giữa các khu đất trong cùng địa bàn cấp huyện là quá lớn và không tương đồng về quy mô, vị trí, tính chất, chức năng…”, ông Đệ phân tích.

Ông Đệ cho rằng, sự ban hành chính sách chưa thực tế, thiếu sự tham chiếu trước, trong và sau của các văn bản pháp luật liên quan đến đấu thầu dự án sử dụng đất của một số cơ quan tham mưu văn bản pháp luật cho Chính phủ ban hành đã khiến cho nhiều doanh nghiệp thực hiện dự án trước thời điểm Thông tư số 06 có hiệu lực có nhiều thuận lợi, nhưng lại gây hại nghiêm trọng và mất công bằng đối với nhiều doanh nghiệp khi áp dụng này.

Vị đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết: “Mặc dù, một số địa phương đã kiến nghị bằng văn bản tới Bộ Kế hoạch Đầu tư đề nghị làm rõ và hướng dẫn chi tiết cách xác định giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước tối thiểu (m3) đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên, việc hướng dẫn chưa rõ ràng, cụ thể của Bộ Kế hoạch Đầu tư đã xảy ra tình trạng nhiều địa phương lúng túng không biết thực hiện thế nào hoặc đùn đẩy, né tránh, sợ chịu trách nhiệm giữa một số bộ, ngành trung ương và địa phương nên không dám tổ chức triển khai thực hiện. Điều này cũng đang tác động xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh tại các địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng tới quá trình đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân thụ hưởng các dự án bất động sản hiện nay.

Theo thuonghieucongluan.com.vn

Nguồn bài viết: https://thuonghieucongluan.com.vn/giai-phap-nao-go-vuong-thu-tuc-lua-chon-nha-dau-tu-a142142.html

Bạn đang đọc bài viết "Giải pháp nào gỡ vướng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư?" tại chuyên mục Thông tin đầu tư. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin