Đại biểu Trần Văn Minh, đoàn Quảng Ninh, cho rằng chỉ nên xử lý nợ xấu đến thời điểm 31.12.2016 thôi, không nên mở rộng quá. Vì không nên vô tình để Nghị quyết ban hành trở thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm trong hoạt động tín dụng.
Chiều nay,12.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Nghị quyết xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình với tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết này. Việc ban hành Nghị quyết này cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành chưa đủ mạnh khiến cho việc xử lý gặp khó khăn, khiến cho khối nợ xấu đọng lại đến 31.12.2016 lên tới 600.000 tỷ đồng.
Chỉ xử lý được 300 nghìn tỷ nợ xấu thì không đạt
Hầu hết các đại biểu đều đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, một vấn đề được tiếp thu chỉnh lý đó là Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7.2017 và xử lý nợ xấu phát sinh đến ngày 31.12.2016. Tuy nhiên, vấn đề này lại gây nhiều tranh cãi của các đại biểu Quốc hội.
Trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 7.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, cho biết trong thời hạn 5 năm của Nghị quyết và nợ xấu chốt đến ngày 31.12.2016 thì ngành ngân hàng có thể xử lý được 50% con số nợ xấu, tương đương 300.000 tỷ đồng.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Sỹ Thanh, đoàn Lạng Sơn, cho rằng nếu nợ xấu chốt đến 31.1.2016 chỉ giải quyết được 300.000 tỷ đồng, 50% của con số nợ xấu thì không đạt được mục tiêu.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, cho rằng đã là nợ xấu thì xuất hiện trước hay sau đều là nợ xấu. Nếu nợ xấu xuất hiện sau năm 2016 không được xử lý nợ xấu theo Nghị quyết xử lý nợ xấu thì xử lý theo quy định nào. “Tại sao cùng một nước việc xử lý nợ xấulaij khác nhau?”, đại biểu Phương đặt dấu hỏi.
Không để Nghị quyết trở thành lá bùa chống lưng cho sai phạm
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn, đoàn Lai Châu, cần chốt lại thời điểm xử lý nợ xấu phát sinh đến 31.12.2016, bởi đó là thời điểm nợ xấu phát sinh bởi kinh tế thế giới, khu vực khó khăn. Còn từ năm 2016 trở lại đây, kinh tế thế giới có còn khó khăn nữa đâu, như vậy có phải là tình hình đặc biệt nữa không.
“Khi áp dụng xử lý nợ xấu trong tương lai thì nợ xấu thế nào, có đến mức đặc biệt không. Nếu mở rộng thời gian thì không khuyến khích các ngân hàng đổi mới, giảm nợ xấu, nâng cao năng lực kinh doanh. Hơn nữa, nợ xấu dưới 3% thì có cần xử lý không. Nếu ngân hàng hoạt động tốt, nâng cao năng lực quản trị thì có cần Nghị quyết này không?”, đại biểu Toàn đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Minh, đoàn Quảng Ninh, cho rằng cục nợ xấu lớn hiện nay là một tình huống đặc thù, xuất hiện trong điều kiện kinh tế, khu vực khó khăn, do nhiều khu vực kinh tế tín dụng trong nước thiếu lành mạnh, kém hiệu quả trong thời gian qua.
“Giải quyết các tình huống đặc thù thì phải có những giải pháp và công cụ hết sức đặc thù, do vậy, chúng tôi cho rằng không chỉ là cần thiết mà lẽ ra nghị quyết cần phải ban hành sớm hơn, để đảm bảo sự an toàn lành mạnh của hệ thống tín dụng, sớm khai thông được nguồn vốn tín dụng và làm lãi suất giảm và phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu Minh phân tích.
Đại biểu Minh cho rằng về phạm vi nợ xấu cần xử lý, dự thảo đưa ra 2 phương án, phương án 1 là quy định với mọi khoản nợ xấu trong suốt thời gian Nghị quyết có hiệu lực, kể cả nợ xấu cũ và mới phát sinh.
“Tôi thấy phạm vi điều chỉnh như thế quá rộng. Tôi cho rằng không nên vô tình để Nghị quyết chúng ta ban hành trở thành lá bùa chống lưng cho những sai phạm trong hoạt động tín dụng”, đại biểu Minh nhấn mạnh.
Đại biểu Minh nhấn mạnh Nghị quyết này là thí điểm, do vậy, việc thu lại phạm vi điều chỉnh là phù hợp. “Như tôi trình bày ở trên, Nghị quyết này là tình huống đặc thù để xử lý nợ xấu đặc thù trước đây. Với lý do đó, tôi đề nghị thu gọn lại là chỉ xử lý những nợ xấu đến giai đoạn 31.12.2016. Cần phải để các tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý nợ xấu và kiểm soát nợ xấu phát sinh, theo quy định của pháp luật”, đại biểu Minh đề nghị.
Đại biểu Minh cho rằng cần xem lại thời hiệu nghị quyết 5 năm có phù hợp với việc xử lý nợ xấu hay không hay hết trước hạn hoặc có thể phải bổ sung thêm thời gian.
Khi nghiên cứu hồ sơ dự án, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động của Nghị quyết, đại biểu Minh mới thấy chỉ có đánh giá tác động của từ chính sách, mà không thấy đánh giá tác động từ nghị quyết.
“Do vậy, với công cụ đặc hiệu trao cho là Nghị quyết này, đề nghị Thống đốc làm rõ thêm kết quả dự kiến như có bao nhiêu nợ xấu được xử lý, tỷ lệ nợ xấu được giảm xuống bao nhiêu trên tổng dư nơ cho vay của nền kinh tế (bao gồm cả nợ nội ngoại bảng và nợ tiềm ẩn). Lãi suất cho vay giảm được bao nhiêu %, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các tổ chức tín dụng được cải thiện ở mức độ nào”, đại biểu Minh yêu cầu.
“Tôi đặt vấn đề này vì năm 2016, CAR giảm từ 12,84% thấp hơn mức 13,5% của năm 2015. Bên cạnh đó theo chuẩn kế toán của Việt Nam, thì CAR cao hơn mức tối thiếu nhưng theo chuẩn quốc tế, chỉ đạt 7,5% so với quy định của Basel II là 8%”, đại biểu Minh cho biết thêm.
Mặt khác mô hình tăng trưởng tín dụng của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng của hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ tín dụng so với GDP tăng liên tục trong nhiều năm qua và cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, gấp 3,04 lần so với Indonesia, 8,4 lần so với Philipin.
“Không chỉ vậy, nếu hệ thống tín dụng rủi ro đổ vỡ thì nền kinh tế bị tổn thương, sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Với lý do như trên thì cần Thống đốc giải trình làm rõ trước khi đại biểu bấm nút thông qua”, đại biểu Minh nêu quan điểm.
Theo Danviet