Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Những vấn đề cần Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng

15/05/2017 17:38

(Pháp lý) - Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đã được Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉnh lý lần thứ 6 để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp Quốc hội sắp tới. Mặc dù vậy, một số vấn đề trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn còn có những ý kiến trái chiều.

Về tiêu chí xác định DNNVV

Sau 6 lần chỉnh lý, Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã thu hẹp đối tượng DNNVV được hỗ trợ bằng cách giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội và giữ nguyên tiêu chí về tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỷ đồng hoặc doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

Bình luận về việc giảm mức trần lao động từ 300 xuống còn 200, phần lớn các ĐBQH đều đồng ý với phương án này của Dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng hiện nay có nhiều người bắt đầu thành lập DN (khởi nghiệp) bằng cách sử dụng nhiều máy móc, nên không sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì thế, việc hạ điều kiện về số lượng lao động là hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Luật Hỗ trợ DNNVV là luật khung, tạo cơ sở để sửa các luật liên quan
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết Luật Hỗ trợ DNNVV là luật khung, tạo cơ sở để sửa các luật liên quan)

Bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến không đồng tình vì cho rằng 200 lao động là quá thấp. Ông Trần Việt Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh lý giải: Phải nhìn một cách rõ ràng rằng, các DN nhỏ, yếu và lao động thủ công mới cần nhiều lao động; DN càng hiện đại, càng lớn mạnh lại càng ít lao động vì đã có nhiều công nghệ kỹ thuật thay thế. Những người cùng quan điểm này còn bổ sung thêm: không nên lấy số lượng lao động làm tiêu chí ưu tiên mà phải chọn doanh thu làm tiêu chí bắt buộc, như vậy mới đánh giá đúng quy mô DN.

Đối với việc bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội, cũng tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều: Ở luồng ý kiến ủng hộ, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm không chỉ thu hẹp đối tượng để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn mà còn tạo cơ sở để DNNVV tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội. Ở luồng ý kiến ngược lại, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về phương án này bởi quy định như vậy sẽ khiến 58% tổng số DNNVV chưa tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị thiếu “sân chơi”.

Về vai trò của các tổ chức hỗ trợ DNNVV

Thay vì quy định quyền hạn và trách nhiệm hỗ trợ DNNVV chỉ giao cho một tổ chức duy nhất là Hiệp hội DNNVV Việt Nam (Vinasme) như trong Dự thảo lần thứ 5, khoản 2 Điều 30 của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV (lần thứ 6) đã quy định Vinasme và các hiệp hội ngành nghề cùng có trách nhiệm chung trong việc hỗ trợ DNNVV. Còn trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn bị tách riêng tại Khoản 1 Điều 30 theo hướng: “Ngoài những nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các DN quy mô lớn với DN nhỏ và vừa”.

 Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc không đồng ý với Điều 30 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc không đồng ý với Điều 30 Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV)

Khá nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quy định này của Dự thảo lần 6. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, việc quy định trách nhiệm của VCCI, Vinasme cùng các hiệp hội ngành nghề như trong Dự thảo Luật sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện. Chủ tịch Vinasme Nguyễn Văn Thân bày tỏ, dự luật này quy định nhiệm vụ trách nhiệm của Vinasme tại Điều 30 là thể hiện sự đổi mới tư duy, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước chuyển giao một số nhiệm vụ trước đây do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cho tổ chức xã hội, trong đó có Vinasme Việt Nam. Ông Thân bày tỏ, nếu dự Luật được thông qua, Vinasme sẽ có chương trình kế hoạch hành động cụ thể góp phần thúc đẩy cộng đồng DNNVV.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, quy định tại Điều 30 mặc dù đã điều chỉnh nhưng vẫn còn bất hợp lý. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc quy định VCCI chỉ có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các DN quy mô lớn với DNNVV là không đúng với vai trò của VCCI – cơ quan đại diện cho toàn bộ cộng đồng DN Việt Nam theo Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị và điều lệ VCCI. Trong khi đó, Vinasme chỉ có vị thế pháp lý ngang hàng với các hiệp hội ngành nghề, nhưng lại được tách riêng vai trò ra khỏi các hiệp hội khác trong khoản 2 Điều 30 là bất hợp lý. Đồng thời, Chủ tịch VCCI cho rằng việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ cộng đồng DNNVV cho Vinasme là chưa phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này. Từ đó, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị Dự thảo Luật chỉ nên thể hiện theo hướng “VCCI và các hiệp hội DN khác” chứ không nên quy định tách riêng “Hiệp hội DNNVV Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề” như vậy.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM cũng kiến nghị: “Vinasme hoạt động ở TP. Hồ Chí Minh hết sức mờ nhạt, gần như hàng ngàn DN không biết hiệp hội này ở đâu, hoạt động như thế nào”. Cũng theo ông Trần Việt Anh, thì ngoài VCCI, DNNVV chỉ nên chịu tác động của 2 hiệp hội chính là hiệp hội ngành nghề và hiệp hội DN địa phương.

Cũng không đồng tình với quy định tại Điều 30, một số đại biểu cho rằng việc quy định quá nhiều thẩm quyền cho Vinasme dường như có bóng dáng của “lobby”, dễ phát sinh cơ chế xin cho. Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa nhận định: “Với 98 – 99% DN là DNNVV nằm rải rác trong các hiệp hội chủ yếu gắn với ngành hàng hoặc hiệp hội DN địa phương. Giờ Dự thảo quy định như thế này các DN phải vào Hiệp hội DNNVV thì mới được hỗ trợ? Hình như điều khoản này có lobby?”

Trước những ý kiến lo ngại vấn đề “lobby” trên đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật Hỗ trợ DNNVV Đặng Huy Đông cho biết không có cơ sở nào thể hiện cơ chế xin cho vì mỗi hiệp hội có tôn chỉ, mục đích riêng và có nhóm cộng đồng quan tâm riêng. Quan điểm một hiệp hội bao phủ các hiệp hội khác đã bị phủ nhận trong các buổi thảo luận trước. Còn việc có một Hiệp hội DNNVV hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và rất phổ biến trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng “càng nhiều tổ chức hỗ trợ DNNVV càng tốt” và đề nghị giữ nguyên như Dự thảo Luật đối với Điều 30.

Tên gọi và mục đích của Luật: “hỗ trợ” hay “bảo vệ”?

Qua rất nhiều dự thảo, song đến nay vẫn có ý kiến băn khoăn về cụm từ “hỗ trợ” trong Dự thảo Luật.

Theo ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí trong thời đại hội nhập sâu rộng như hiện nay, nếu dùng hai chữ “hỗ trợ” sẽ khiến DN lao đao khi quan hệ thương mại với quốc tế. WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều cấm kỵ hai chữ “hỗ trợ” bởi nó tạo ra sự không công bằng giữa các DN. Theo đó, ông cũng đề nghị bỏ ngay từ “hỗ trợ” trong tên luật.

Ông Tuất thẳng thắn: “Thứ DN cần không phải hỗ trợ mà họ cần được bảo vệ, bởi thực tế, họ đang bị thương lái ép giá, bị cạnh tranh không lành mạnh, bị thuế, công an, chính quyền… hành”, ông Phan Đăng Tuất nói.

 Nhiều ý kiến không đồng tình với tiêu chí xác định DNNVV  là DN có “200 lao động  tham gia bảo hiểm bắt buộc” (ảnh minh họa)
Nhiều ý kiến không đồng tình với tiêu chí xác định DNNVV là DN có “200 lao động
tham gia bảo hiểm bắt buộc” (ảnh minh họa))

Khá nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, do vậy không nên nghĩ đến việc hỗ trợ cho các DN theo như nếp nghĩ cũ.

Đại diện cho đơn vị soạn thảo Luật, ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV (Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: Dự thảo Luật không vi phạm các cam kết quốc tế và DNNVV là đối tượng được loại trừ trong các quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban soạn thảo Luật hỗ trợ DNNVV cho rằng: “Nếu nói DNNVV không cần hỗ trợ theo tôi là không đúng cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Tôi nói ví dụ, hỗ trợ về thông tin, DNNVV không có đủ nguồn lực để tự đi điều tra nghiên cứu thị trường thì rất cần dựa vào thông tin của Nhà nước, của các cơ quan, hiệp hội để được giúp đỡ. Hoặc DNNVV khó trong tiếp cận vốn, chúng ta cần giúp cho họ đạt được tiêu chuẩn đi vay vốn. Nhiều người cũng hiểu sai rằng chúng ta cầm tiền, đưa cho các DNNVV nên có cái nhìn không tích cực và đúng đắn về Luật hỗ trợ DNNVV”.

Cũng theo các đại diện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vấn đề cốt lõi nhất là Luật không hỗ trợ trực tiếp, không bao cấp, không đưa tiền cho doanh nghiệp, không làm cho DN ỷ lại, nhỏ mãi không chịu lớn.

Về tính khả thi của 7 nội dung hỗ trợ DNNVV

Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV đã quy định 7 nội dung hỗ trợ DNNVV (quy định tại Điều 8 đến Điều 14) bao gồm: tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin và tư vấn, nguồn nhân lực. Khi trả lời báo chí, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định 7 nội dung hỗ trợ này không chồng lấn với 7 Luật chuyên ngành mà được xây dựng và điều chỉnh trên cơ sở đảm bảo sự thống nhất, tương thích với các luật chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại lo ngại: Tương thích thì rõ ràng rồi nhưng tương thích như hiện tại thì không thể khả thi!

Là người có nhiều năm hoạt động trong ngành công thương, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đưa ra ý kiến: “7 lĩnh vực hỗ trợ trong dự thảo cứ như 7 món trong nồi lẩu thập cẩm. 7 món này đều nằm dưới 7 luật chuyên ngành nên...vô dụng. Làm sao qua được Luật Tín dụng, Luật Đất đai và các luật khác?”
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã khẳng định rằng “Luật Hỗ trợ DNNVV là luật chung, luật khung đưa ra nguyên tắc tạo cơ sở pháp lí để sửa các luật khác như các Luật Thuế, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng… Không thể nào quy định tất cả các vấn đề trong luật này”.

Tuy nhiên nhiều ĐBQH cũng băn khoăn, việc sửa đổi các Luật chuyên ngành làm sao đảm bảo được tính khả thi của 7 nội dung hỗ trợ DNNVV là cực kỳ khó. Ví dụ như trong vấn đề hỗ trợ tiếp cận tín dụng, không thể “ép” các TCTD cho DNNVV vay nếu các DN không đáp ứng được các điều kiện mà TCTD đưa ra. Trong khi đó Luật các TCTD và pháp luật về cho vay hiện nay đang trao rất nhiều quyền tự quyết cho các TCTD trong việc quy định điều kiện cho vay, thỏa thuận lãi suất…Như vậy chỉ riêng nội dung hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng thôi đã rất khó. Chưa kể còn tới 6 nội dung khác liên quan đến 6 Luật chuyên ngành khác, đây quả là bài toán nan giải dành cho Chính phủ và Quốc hội!

Như vậy, có thể thấy vẫn còn một số vấn đề của Dự án Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn chưa nhận được sự đồng tình của giới chuyên gia và cơ quan hữu quan, mặc dù đã được UBTVQH đồng ý đưa ra Quốc hội xem xét và thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2017. Thế nhưng, như bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp đã nói: Có nhiều ý kiến trái chiều, phản biện là rất cần thiết cho việc xây dựng văn bản pháp luật. Việc tranh luận giúp cho Chính phủ và Quốc hội ban hành được một văn bản Luật đảm bảo sự minh bạch, khách quan, hoàn chỉnh và có tính khả thi!

Đàm Thị (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Những vấn đề cần Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin