Dự thảo cấm ghi âm, ghi hình: Lời nói thẳng

14/04/2017 09:18

Nếu thiết bị ngụy trang được sử dụng vào mục đích tốt nó sẽ là lợi khí, công cụ có hiệu quả để phòng chống tội phạm và ngược lại.

TS Lê Hồng Sơn, Nguyên Cục trưởng Cục KTVB, Bộ Tư pháp nói về Nghị định Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị

Đây mới là Dự thảo được đưa ra để lấy ý kiến. Đây là việc tốt, đáng hoan nghênh và đúng với quy định hiện hành. Những ý kiến đa chiều cần phải được tập hợp, phân tích kỹ lưỡng. Các cơ quan chức năng cũng phải nghiên cứu xem xét để trình chính phủ thảo luận, quyết định.

 Cấm ghi âm, ghi hình lợi bất cập hại
Cấm ghi âm, ghi hình lợi bất cập hại)

Ở đây cần phải phân biệt rõ mấy loại vấn đề. Loại vấn đề thứ nhất đó là, thẩm quyền cũng như nội dung quy định xác định tổ chức, cá nhân nào có quyền, được phép sử dụng loại trang thiết bị ngụy trang này? Và thứ hai là, vấn đề quản lý việc kinh doanh cũng như quản lý việc sử dụng loại trang thiết bị ngụy trang này?

Trước hết, đọc Dự thảo nghị định, tôi thấy phần định nghĩa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị tuy đã có những ý cơ bản tốt nhưng chưa thật rõ ràng, đầy đủ. Cần phải có sự gia công hơn nữa, xác định rõ hơn nữa loại thiết bị này để có biện pháp quản lý phù hợp.

Đối với những người kinh doanh thiết bị ngụy trang thì rõ ràng đây là một loại kinh doanh có điều kiện. Chính phủ, trong thẩm quyền của mình phải xác định rõ các điều kiện kinh doanh vì đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không cần phải bàn cãi. Tôi thấy những nội dung được chuẩn bị trong dự thảo để quản lý việc kinh doanh, thiết bị ngụy trang này là khá tốt, khá đồng bộ.

Vấn đề sử dụng trang thiết bị ngụy trang, tôi xin nhấn mạnh là do mục đích, yêu cầu của người sử dụng. Ai sử dụng các loại trang thiết bị ngụy trang này và sử dụng với mục đích gì là hết sức quan trọng. Đối với lực lượng chức năng, kể cả phóng viên tác nghiệp cũng như người dân bình thường phòng chống tội phạm, phát hiện các tiêu cực trong xã hội thì việc có các thiết bị này là rất tốt, trở thành lợi khí, công cụ có hiệu quả để phòng chống tội phạm và ngược lại, nhiều khi loại trang thiết bị này lại trở thành công cụ phạm tội nếu nó rơi vào tay kẻ xấu, được những kẻ phạm tội lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Xin quay trở lại với vấn đề xác định quyền được sử dụng loại trang thiết bị này. Ai có thẩm quyền được quy định và quy định cụ thể ai được sử dụng, ai không được sử dụng loại trang thiết bị này lại cần phải bàn. Ở đây có liên quan tới quyền công dân và thuộc thẩm quyền luật định chứ Nghị định không có quyền này. Trong dự thảo của nghị định tôi thấy có ý "Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng". Nếu đọc nội dung này của dự thảo, thì người ta hoàn toàn có thể suy luận là ngoài các cơ quan chuyên trách thì không có bất kỳ cá nhân, công dân nào được quyền sử dụng loại thiết bị ngụy trang này. Trước hết đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của luật. Nội dung này phải do luật định.

Tiếp theo chỉ cơ quan chuyên trách như nội dung của dự thảo vừa nêu, theo tôi là quá hẹp. Vậy còn lực lượng phóng viên sử dụng trang thiết bị để tác nghiệp, phát hiện, tham gia phòng chống tội phạm rất có hiệu quả lâu nay thì có được quyền sử dụng hay không? Và trong những trường hợp thật sự cần thiết, những công dân tốt với mục đích phòng chống tội phạm thì họ có được quyền sử dụng hay không? Đây là vấn đề cần phải được thảo luật kỹ mới có được quyết định chính xác. Như trên đã nói, ở đây có vấn đề liên quan đến quyền công dân và vấn đề hạn chế quyền công dân đã được quy định tại Khoản 2, Điều 14 của Hiến pháp 2013.

Hơn nữa, vấn đề là mục đích, động cơ của người sử dụng loại thiết bị này. Đồng ý là không thể để những loại trang thiết bị này được mua bán, sử dụng một cách tùy tiện, trôi nổi như lâu nay. Theo tôi, nếu đã đụng đến quyền cơ bản của công dân thì luật mới điều chỉnh được. Cụ thể hơn, đối với loại trang thiết bị này, có nên chỉ cho phép các cơ quan chuyên trách sử dụng hay không? Đương nhiên cơ quan chuyên trách sử dụng là đúng rồi. Còn một số loại đối tượng khác cũng cần được sử dụng khi cần thiết như phóng viên tác nghiệp, hoặc công dân tốt muốn phát hiện hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật thì việc cấm là lợi bất cập hại.

Khi đã quản chặt điều kiện kinh doanh đối với loại trang thiết bị này như đã được chuẩn bị trong Dự thảo nghị định, thì mặt khác, cũng có người nêu ra hướng là: khi người nào mua loại thiết bị này đều cần phải có sự đăng ký, quản lý nhất định chứ không để sử dụng tùy tiện như lâu nay. Yêu cầu quản lý chặt chẽ việc sử dụng loại thiết bị này cũng cần được đặt ra và cũng phải có quy định cụ thể để tránh sự lạm dụng, tùy tiện không chỉ đối với công dân ngoài xã hội mà kể cả với các cơ quan chuyên trách. Tôi cho rằng đây cũng là một ý tốt. Liệu có đủ điều kiện để thực hiện việc đăng ký và quản lý sử dụng trang thiết bị này hay không lại là một vấn đề cần được quan tâm thì mới tạo được hiệu quả mong muốn.

Và xin nhắc lại muốn thực hiện cơ chế này thì phải do luật định chứ nghị định của chính phủ thì không đủ thẩm quyền.

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo cấm ghi âm, ghi hình: Lời nói thẳng" tại chuyên mục Bên khung cửa tư pháp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin