Dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán

Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán áp dụng đối với Thẩm phán công tác tại các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp cả trong trường hợp chưa được bổ nhiệm lại hoặc đã nghỉ hưu; được áp dụng để đánh giá về phẩm chất đạo đức của những người được tuyển chọn, đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán.

9
Theo dự thảo, Bộ quy tắc đạo đức có những yêu cầu chung như: Thẩm phán phải là người trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật; giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật. Các Thẩm phán phải là những tấm gương về phụng công, thủ pháp, chí công vô tư; liêm chính, độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Đồng thời, Thẩm phán phải xử sự bản lĩnh, đúng mực, khoan dung, nhân ái, lịch thiệp và thận trọng khi thực hiện nhiệm vụ cũng như trong đời sống cá nhân để gìn giữ sự tin tưởng, tôn trọng của người dân và xã hội đối với Thẩm phán và Tòa án. Thẩm phán không được làm những việc ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng cao cả của Thẩm phán - người được giao nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thẩm phán phải không ngừng học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ.

Chuẩn mực về đạo đức và quy tắc ứng xử

Quy tắc quy định 7 chuẩn mực về đạo đức của Thẩm phán cụ thể: Tính độc lập; sự vô tư, khách quan; sự liêm chính; sự công bằng, bình đẳng; sự đúng mực; sự tận tụy và không chậm trễ; năng lực và sự chuyên cần.

Dự thảo cũng quy định 8 quy tắc ứng xử của Thẩm phán: Ứng xử khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thẩm phán; Ứng xử tại cơ quan, đơn vị; Ứng xử với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí; Ứng xử với các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; Ứng xử tại nơi cư trú; Ứng xử tại gia đình; Ứng xử tại nơi công cộng; Ứng xử đối với các hoạt động bên ngoài nhiệm vụ xét xử.

Trong đó đáng chú ý, những việc Thẩm phán không được làm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Thẩm phán là: Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật công tác của mình và của cán bộ, công chức khác thuộc Tòa án và các ngành khác; tiết lộ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của bị can, bị cáo, đương sự và những người tham gia tố tụng khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác...

Đối với các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, Thẩm phán phát biểu quan điểm của mình thông qua bản án, quyết định. Thẩm phán không được phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ việc khi chưa ban hành bản án, quyết định. Thẩm phán không được cung cấp bản án, quyết định cho các cơ quan, tổ chức có quan hệ công tác và thông tấn, báo chí, trừ thông qua các hình thức công khai bản án, quyết định của Tòa án đã được pháp luật quy định.

Ngoài ra, Thẩm phán phải thực hiện tốt các quy định của Bộ quy tắc này mà không phụ thuộc vào bất cứ hình thức khen thưởng nào. Thẩm phán có những hành động giúp việc thực hiện Bộ quy tắc này vượt khỏi phạm vi cá nhân thì được khen thưởng theo quy định.

Thẩm phán vi phạm các quy định của Bộ quy tắc này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thẩm phán vi phạm các quy định của Bộ quy tắc này mà hành vi đó chưa được pháp luật quy định thì bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo và không được đề xuất, xem xét dưới bất kỳ hình thức thi đua, khen thưởng nào.

Thẩm phán đã nghỉ hưu theo quy định của pháp luật có trách nhiệm gìn giữ đạo đức Thẩm phán, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nhưng không áp dụng kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do vi phạm Bộ quy tắc này.

Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Theo Chinhphu.vn

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin