(Pháp lý) - LTS: Dự Luật hoạt động Hành chính công được xây dựng từ sáng kiến của nữ Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh. Dự Luật hiện gồm 7 chương, 54 điều. Để Dự Luật được thông qua, tạo “cú hích” tới nền hành chính nước nhà... thì còn rất nhiều việc phải làm. Chuyên mục Diễn đàn – Luật gia kỳ này, Pháp lý trân trọng đăng tải các ý kiến của các chuyên gia pháp luật kỳ cựu góp ý cho Dự Luật.
Bài 1: Nhiều quy định tiến bộ...
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật thì lý do mà nhiều người kỳ vọng vào Dự Luật hoạt động Hành chính công (LHĐHCC) sẽ tạo “cú hích” cho nền hành chính bởi Dự Luật có những quy định mới nhằm tăng cường kỉ luật trong hoạt động hành chính, bít kín những kẽ hở nảy sinh tham nhũng vặt và tham nhũng lớn, chặn lợi ích nhóm, tăng trách nhiệm người đứng đầu…
Cụ thể hóa các nguyên tắc Hiến định về tăng cường quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý và tham gia quản lý nhà nước; góp phần tạo hành lang pháp lý để khắc phục những bất cập của nền hành chính trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện dự án LHĐHCC được xây dựng gồm 7 chương và 54 điều với nhiều quy định đáng chú ý.
Phân cấp, quyền và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu
“Hành chính công” được giải thích theo nghĩa rộng, theo đó: “Hành chính công là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng nguồn lực công để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ hành chính công theo quy định của pháp luật”.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc tổ chức chính quyền địa phương hiện nay có sự “Phân cấp”, “Phân quyền”. Tuy nhiên chưa có sự phân định rõ ràng dẫn đến việc chồng chéo, không phân định được quyền và trách nhiệm cụ thể của các cấp. Bởi vậy, dự Luật HĐHCC nêu rõ “Phân cấp là việc chuyển giao nhiệm vụ quyền hạn trong quản lý hành chính nhà nước từ cấp trên xuống cấp dưới theo quy định của pháp luật” (khoản 6 điều 3). “Phân quyền là việc phân chia thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước giữa các cơ quan hành chính và chính quyền các cấp nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả của mỗi cơ quan trong quản lý hành chính nhà nước” (khoản 7 điều 3). Từ việc phân cấp, phân quyền trên xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động hành chính công.
Việc phân cấp hành chính gồm hành chính công cấp Trung ương, hành chính công cấp tỉnh, hành chính công cấp huyện, bộ phận một cửa thuộc xã thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định, quy trình mà dự luật này quy định. Với quy định rõ ràng như vậy, nếu để xảy ra khó khăn, vướng mắc không thực hiện đầy đủ dẫn đến phiền hà cho người dân thì người đứng đầu các cơ quan này phải chịu trách nhiệm. Đây là một quy định được đánh giá là tiến bộ, cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, thúc đẩy việc giám sát cơ quan cấp dưới làm việc.
Truy trách nhiệm kể cả khi đã về hưu
Đồng thời, nội dung dự luật cũng quy định về xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu kiện hành chính, bồi thường trong hoạt động hành chính công. Gần đây, có hiện tượng các quan chức về hưu thì mới phác lộ vi phạm, tuy nhiên chưa có quy định đặc hiệu để xử lý. Bởi vậy dự Luật này quy định rõ: Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới phát hiện được những hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực thi công vụ khi còn đương chức, gây thiệt hại lớn về tài sản, môi trường, sức khỏe, danh dự, uy tín của người khác, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm và hậu quả đã xảy ra thời còn đương chức.
Kiểm soát quyền lực trong hành chính công
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013 quy định vấn đề “Kiểm soát quyền lực” nhưng đến nay vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong phạm vi điều chỉnh dự án LHĐHCC, vấn đề “Kiểm soát quyền lực trong hành chính công” dự kiến được quy định trong một chương. Theo đó, kiểm soát hành chính công là hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, đánh giá của cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền và giám sát, đánh giá của cá nhân, tổ chức đối với việc sử dụng nguồn lực công để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, cung ứng dịch vụ hành chính công theo quy định của pháp luật.
Để kiểm soát quyền lực trong Hành chính công, Dự Luật quy định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc kiểm soát quyền lực này. Điều 34 quy định dạng liệt kê các cơ quan làm nhiệm vụ kiểm soát hành chính công là: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, kiểm toán nhà nước, Thanh tra, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức trực thuộc, các cơ quan tư pháp, báo chí và đặc biệt là người dân. Trong dự Luật cụ thể hóa, quyền giám sát các hoạt động của công dân với hành chính công thông qua việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, tham gia hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng…
Pháp luật của các nước theo cơ chế thị trường từ lâu quy định vấn đề đánh giá chất lượng hoạt động hành chính. Ở Việt Nam, vấn đề này chưa được quy định cụ thể trong Luật nên trong thực tiễn triển khai còn nhiều khó khăn, lúng túng. Nhằm khắc phục từng bước vướng mắc này, dự Luật HĐHCC quy định về vấn đề này. Dự luật cũng đưa ra các tiêu chí và thẩm quyền để đánh giá về chất lượng, hiệu quả và thủ tục hành chính. Nhiều người kì vọng các quy định này sẽ góp phần giảm bớt những trì trệ của hoạt động hành chính hiện nay.
Hạn chế việc tùy tiện trong áp dụng pháp luật
Điều 7 dự thảo của Luật đưa ra yêu cầu đối với việc quy định và thực hiện thủ tục hành chính. Theo đó, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ thủ tục hành chính phải tuân thủ các nguyên tắc trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bảo đảm quyền bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử về giới; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Bảo đảm đơn giản, thuận tiện, dễ hiểu, kịp thời, chính xác. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến bảo đảm kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu điện tử giữa các cơ quan, tổ chức; không phụ thuộc vào địa giới hành chính, không yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp giấy tờ, hồ sơ, dữ liệu khi đã có sự kết nối liên thông, chia sẻ thông tin, dữ liệu điện tử giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tôn trọng sự lựa chọn của cá nhân, tổ chức về cách thức thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật. Áp dụng cơ chế một cửa; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu, người có thẩm quyền trong giải quyết thủ tục hành chính. Bảo đảm quyền phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính”… Việc quy định nghiêm ngặt như vậy nhằm hạn chế sách nhiễu, cửa quyền, gợi ý hay làm khó của cán bộ công chức đối với công dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Bổ sung loại Hợp đồng mới – “Hợp đồng hành chính công”
Nhiều chuyên gia cho rằng, ở các nước thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ từ lâu đã sử dụng “Hợp đồng hành chính” hoặc “Hợp đồng đối tác công- tư” là một trong những phương thức thực hiện hợp tác, cung ứng dịch vụ công giữa nhà nước và cá nhân, tổ chức ngoài nhà nước. Ở Việt Nam từ trước đến nay, khoa học và thực tiễn pháp lý mới chỉ quy định “Hợp đồng lao động”, Hợp đồng dân sự”, “Hợp đồng kinh tế”, “Hợp đồng thương mại”...Vì vậy, nhiều quy định pháp lý hiện hành không thể giải quyết hết được các quan hệ pháp lý phát sinh giữa cơ quan hành chính nhà nước với cá nhân, tổ chức. Ví dụ: Tuyển dụng cán bộ, công chức chỉ “có vào mà không có ra”, “không tinh giảm được ai”; sử dụng nguồn tài sản công để hợp đồng đối tác công tư nhằm trục lợi cho cá nhân, lợi ích nhóm (các vụ Vinashine, Vinaline...).
Để góp phần khắc phục những bất cập trên đây trong quản lý, điều hành hành chính công và “hoàn thiện thể chế hóa về hợp đồng” theo Nghị quyết hội nghị lần thứ 5 (khóa XII) của Đảng, việc bổ sung “Hợp đồng hành chính công” trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Vì vậy, dự Luật HĐHCC quy định:
“Hợp đồng hành chính công là văn bản thỏa thuận của hai hay nhiều bên, trong đó một bên là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước để thực hiện công vụ, thuê, mua dịch vụ công” (khoản 9)
Dư luận thời gian qua xuất hiện tình trạng “biếu xén trá hình” giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Ðiều đó phần nào tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, dấu hiệu của tham ô, tham nhũng. Luật hoạt động hành chính công còn điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp (Điều 48). Cụ thể: Mối quan hệ của cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp là mối quan hệ hành chính phục vụ và đối tác công- tư. Cơ quan hành chính nhà nước khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm sau đây: Tôn trọng, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật”.
Luật hóa các yêu cầu của chính phủ điện tử
Hiện nay, vấn đề xây dựng “Chính phủ điện tử” (theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị và Nghị quyết XII của Đảng) mới được Chính phủ quy định tại Nghị quyết 36/NQ-CP ngày 14/10/2015. Trên thực tế, hoạt động của Chính phủ điện tử ngày một mạnh mẽ nhưng chưa được thể chế hóa trong luật. Pháp luật hiện hành chưa quy định việc áp dụng Chính phủ điện tử trong hoạt động hành chính công; chưa quy định đồng bộ phương pháp, cách thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương trong việc sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức. Việc không được luật hóa chính phủ điện tử khiến cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công còn chậm, thiếu quyết liệt, gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí; việc kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, thông suốt và khó thực hiện.
Để khắc phục những hạn chế này, dự Luật HĐHCC quy định khá cụ thể về “Chính phủ điện tử”. Theo đó “Chính phủ điện tử là phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương sử dụng hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông để giải quyết công việc thuộc thẩm quyền trong mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức trong hành chính công” (khoản 8 điều 3). Theo đó Luật hóa các yêu cầu của chính phủ điện tử trong hành chính công, kiến trúc của chính phủ điện tử, xây dựng phát triển chính phủ điện tử, bảo đảm truy cập thông tin và khai thác dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu chính phủ điện tử...
Sự phát triển chênh lệch giữa các vùng miền ở nước ta là một thách thức đối với chính phủ điện tử. Để khắc phục vấn đề này, dự Luật cũng đưa ra trách nhiệm đảm bảo truy nhập thông tin và khai thác dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, nhà nước có trách nhiệm tổ chức và khuyến khích các tổ chức cá nhân triển khai các điểm truy cập internet công cộng, hướng dẫn phương pháp truy nhập và sử dụng thông tin, dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời nhà nước cũng có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận, truy nhập thông tin và dịch vụ công trực tuyến.
Phan Minh