(Pháp lý) - 133 hộ dân nghèo sinh sống bằng nghề te trên hồ Trị An ( Đồng Nai) bị cấm sử dụng te để kiếm cá, đẩy cuộc sống gia đình họ vào chỗ khốn khó. Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp đã chỉ ra nhiều nội dung qui định trái luật, không có cơ sở pháp lý, thậm chí trái Hiến pháp trong qui định của UBND tỉnh Đồng Nai . Nhưng cái sai đó đến nay vẫn không được sửa đổi…
133 hộ ngư dân nghèo kêu cứu
Hồ Trị An ( Đồng Nai) là nơi có đến 1156 hộ dân đăng ký sinh sống bằng nghề khai thác thủy sản, trong đó có 133 hộ với hơn 700 nhân khẩu kiếm sống bằng nghề “te”. Suốt mấy chục năm qua, những người dân vẫn bám vào hồ và ngư cụ quen thuộc của mình để sinh nhai nhưng cuối tháng 5/2015 thì Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai ra thông báo chấm dứt hợp đồng khai thác thủy sản đối với những hộ đánh te, kể từ 1/1/2016 theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai.
Lý do đưa ra là nghề te gây hư hại cho một số ngư cụ khác, trong khi chưa có biên bản nào ghi nhận công cụ te làm hư hại cho ngư cụ khác. Vì vậy, các hộ dân kêu cứu đến UBND tỉnh Đồng Nai, đến Bộ NN-PTNT để đòi lại sự công bằng.
Trong đơn gửi đến Tòa soạn TC Pháp lý điện tử, đại diện các hộ dân này cho hay, họ làm nghề te chủ yếu lấy cá nuôi cá lóc, ba ba để có thu nhập bảo đảm cuộc sống, “nếu không cho bà con nghèo chúng tôi khai thác thì nợ nần đầu tư ghe thuyền, cá giống… liệu xoay xở thế nào”.
Những hộ dân này không có nghề nghiệp kiếm sống nào khác, trong khi làm ngày nào ăn ngày đó, nên việc không cho họ đánh te là đẩy họ đến chỗ bần cùng. Đơn thư cho hay từ trước 1985, khi mực nước hồ Trị An dâng cao thì đất đai, ruộng rẫy bị mất hoàn toàn mà việc bồi thường cũng không được thực hiện. Do đó, họ chỉ có cách bám vào hồ để kiếm cá làm nguồn thu nhập nuôi sống gia đình.
Theo phản ánh của người dân từ 9/6 đến 20/6/2016 Khu bảo tồn đã cưỡng chế, bắt giữ 13 phương tiện và xử lý bằng cách tịch thu ngư cụ, buộc ký cam kết đổi nghề và phạt tiền 3,2 triệu đồng.
Những người dân này đã ra Thủ đô kêu cứu tại Bộ NN-PTNT, Bộ tư pháp, Ban tiếp công dân TƯ. Các cơ quan này đã vào cuộc và Cục Kiểm tra văn bản thuộc Bộ tư pháp đã tiến hành kiểm tra Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đồng Nai.
Nhiều nội dung trái pháp luật
Bản kết luận số 36/KL-KTrVB ngày 20/7/2016 của Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ Tư pháp gửi đến UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra nhiều nội dung trái qui định, không có cơ sở pháp lý, thậm chí trái Hiến pháp của Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND.
Theo đó, khoản 2 Điều 7 Quy định ban kèm Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND qui định: “Tổ chức, cá nhân nuôi, trồng thủy sản phải được chính quyền địa phương giới thiệu”; khoản 1 Điều 11 qui định: “Tổ chức, cá nhân muốn thu mua, tiêu thụ thủy sản phải được chính quyền địa phương giới thiệu và phải đóng góp kinh phí với Khu bảo tồn để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và tái tạo nguồn lợi thủy sản”. Đối chiếu các qui định nêu trên với pháp luật hiện hành cho thấy Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND như vậy là hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân; qui định này trái với Hiến pháp năm 2013 (khoản 2 Điều 14, Điều 33), Luật Doanh nghiệp năm 2014 (Điều 7) và Luật Đầu tư năm 2014 (Điều 7). Bên cạnh đó, qui định “tổ chức, cá nhân muốn thu mua, tiêu thụ thủy sản… phải phải đóng góp kinh phí với Khu bảo tồn” là không có cơ sở pháp lý.
Khoản 3 Điều 7 của Qui định… nêu: “Tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ thủy sản phải có giấy đăng ký kinh doanh do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo qui định” là không phù hợp đối với thu mua, tiêu thụ thủy sản không nhằm mục đích kinh doanh.
Điểm đ khoản 3 Qui định… cấm “Thả các loại thủy sinh vật ngoại lai, không rõ nguồn gốc xuất xứ; loài thuộc danh mục cấm vào hồ Trị An”. Theo qui định hiện hành (Luật Đa dạng sinh học, Thông tư số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Liên Bộ qui định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại) thì chỉ có loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại bị cấm nuôi trồng, nhập khẩu, phát triển. Vì vậy, qui định cấm trên đây không có cơ sở pháp lý.
Khoản 4 Điều 10 Qui định… nêu: “Các công cụ, ngư cụ không được phép hoạt động tại hồ Trị An: Đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã cào, lưới mùng kéo bãi, te các loại, cầu kiều”. Về nội dung này, Luật Thủy sản năm 2003 (điểm b khoản 3 Điều 8) qui định: Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT) định kỳ công bố “… ngư cụ bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng…”; Thông tư số 02/2006/TT-BTS ngày 20/3/2006 của Bộ Thủy sản (khoản 3 Mục II) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 4/5/2005 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản qui định: Bộ Thủy sản qui định cấm phát triển… các nghề te, xiệp, xịch đáy trong sông, đáy biển”.
Như vậy, pháp luật hiện hành chỉ qui định cấm phát triển các nghề te, xiệp, xịch đáy trong sông, đáy biển; không có qui định hay công bố về việc các loại công cụ, ngư cụ nêu trên (đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã cào, lưới mùng kéo bãi, te các loại, cầu kiều) bị cấm hoạt động và cũng không có qui định giao UBND cấp tỉnh qui định về vấn đề này. Vì vậy, việc UBND tỉnh Đồng Nai qui định các loại công cụ, ngư cụ không được phép hoạt động tại hồ Trị An tại khoản 4 Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND là không đúng thẩm quyền và không có cơ sở pháp lý.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn chỉ ra hàng loạt nội dung khác như qui định cấm mua bán, kinh doanh các loại thủy sản chưa đủ kích cỡ; cấm mọi tác động của con người trừ hoạt động tuần tra trong phân khu bảo tồn nghiêm ngặt là không có cơ sơ pháp lý. Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND được ban hành theo đề nghị của Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai, tuy nhiên theo pháp luật hiện hành thì Khu bảo tồn không được giao thẩm quyền trình văn bản QPPL. Việc Khu bảo tồn trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND là không phù hợp về thẩm quyền.
Bộ Tư pháp kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai “tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay những nội dung trái pháp luật tại Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND được nêu tại mục I Kết luận này; rà soát quá trình thực hiện Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các qui định trái pháp luật nêu trên gây ra (nếu có); đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành văn bản trái pháp luật”.
Khu bảo tồn vẫn “bảo tồn” quan điểm?
Sau khi có bản kết luận số 36/KL-KTrVB ngày 20/7/2016 của Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ tư pháp, không rõ UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện kiến nghị của bản kết luận của Bộ tư pháp như thế nào mà ngày 1/9/2016 Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai gửi văn bản trả lời những hộ đánh te tại hồ Trị An khẳng định: “Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động thủy sản hiện nay trên hồ Trị An, việc cấm các loại ngư cụ nêu trên là phù hợp qui định về bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước, trong đó việc cấm 133 ghe te, cào hoạt động trên hồ Trị An sẽ tránh được xung đột giữa các ngư dân với nhau, bảo đảm an ninh trật tự trong hoạt động thủy sản… Việc cấm các loại ngư cụ… là phù hợp với thực tiễn và qui định pháp luật”.
Vậy là Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai không chấp hành kết quả kiểm tra của Cục Kiểm tra VBQPPL Bộ tư pháp, độc quyền chân lý, bất chấp hậu quả mà Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND có nhiều sai phạm gây ra.
Dư luận quan tâm đến cuộc sống của 133 hộ dân nghèo hành nghề te trên hồ Trị An đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có biện pháp kịp thời giải quyết dứt điểm vụ việc, tôn trọng và thực hiện kết luận của Bộ tư pháp, không để tồn tại một tiền lệ xấu về hành động coi thường pháp luật như Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai đang thể hiện.
Đơn thư của các hộ dân còn phản ánh họ đã nhiều lần bị các đối tượng xấu tấn công, phá hủy phương tiện, có người bị hành hung gây thương tích, nên sự việc này càng không thể coi nhẹ.
Pháp luật hiện hành chỉ qui định cấm phát triển các nghề te, xiệp, xịch đáy trong sông, đáy biển; không có qui định hay công bố về việc các loại công cụ, ngư cụ nêu trên (đăng dớn, lưới bao chà, lưới giã cào, lưới mùng kéo bãi, te các loại, cầu kiều) bị cấm hoạt động và cũng không có qui định giao UBND cấp tỉnh qui định về vấn đề này. Vì vậy, việc UBND tỉnh Đồng Nai qui định các loại công cụ, ngư cụ không được phép hoạt động tại hồ Trị An tại khoản 4 Điều 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 06/2015/QĐ-UBND là không đúng thẩm quyền và không có cơ sở pháp lý.
Thái Vũ