Đổi nợ xấu DNNN thành vốn góp: Vì đất vàng?

08/02/2018 09:48

Có khi góp vốn không phải vì mục đích phát triển doanh nghiệp mà vì mục đích sở hữu những khu đất vàng của doanh nghiệp - ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng).

PV:- Thưa ông, Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” đã đưa ra các giải pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu của DNNN.

Trong đó có quy định cho phép, DNNN kinh doanh lỗ vốn, không thể trả được nợ ngân hàng thì được chuyển nợ thành vốn góp. Ông bình luận sao về điểm này?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn:- Trước hết, tôi muốn làm rõ quy định cho phép DNNN được đổi nợ xấu thành vốn góp cho ngân hàng là chúng ta muốn hướng tới mục tiêu gì?

 Hoán đổi nợ xấu có xử lý được nợ xấu?
Hoán đổi nợ xấu có xử lý được nợ xấu?)

Từ việc xác định được mục tiêu rồi thì để đạt được mục tiêu đó sẽ phải thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý nào?

Hai câu hỏi trên phải được giải quyết song song, vì nó còn liên quan tới việc xác định giá trị tài sản bảo đảm của DNNN. Nếu chưa làm rõ được điểm này thì giải pháp trên không thể mang lại hiệu quả.

Tiếp theo, liên quan tới câu chuyện định giá tài sản, xác định giá trị tài sản để quy đổi sang cổ phiếu là cả vấn đề lớn phải tính toán. Trong đó, đặc biệt là việc quy đổi phải được thực hiện như thế nào để đảm bảo khách quan, minh bạch, đúng giá trị thực tế, vừa đảm bảo được lợi ích của ngân hàng những cung phải giữ được tài sản của Nhà nước.

Tôi muốn nói thêm, khi thực hiện xác định giá trị tài sản đất trong quá trình cổ phần hóa DNNN, cần phải đảm bảo dựa trên nguyên tắc "đất đai là của Nhà nước".

Vì vậy, trước khi thực hiện định giá doanh nghiệp, phần giá trị đất đai phải được tách riêng để trả lại cho Nhà nước hoặc phải thực hiện đấu giá công khai theo giá trị sử dụng của từng khu vực, từng mục đích cụ thể.

Đây là nguyên tắc bắt buộc phải thực hiện để tránh lặp lại tình trạng như câu chuyện ở Đà Nẵng, coi đất là tài sản riêng, doanh nghiệp có quyền tự định giá, tự hóa giá cho nhau. Rất nguy hiểm.

Tôi nhấn mạnh, công tác định giá tài sản của DNNN phải dựa trên các căn cứ, quy định cụ thể, cũng không nên đẩy hoàn toàn vào cơ chế thị trường. Vì cơ chế thị trường của chúng ta hiện nay còn thiếu tính ổn định, còn quá mơ hồ do đó, thời gian vừa qua khi thực hiện việc quy đổi có xảy ra hiện tượng thông đồng, thỏa thuận, hạ mức giá chuyển đổi để trục lợi.

Theo tôi, mục tiêu quan trọng nhất của đề án là khi cho phép DNNN được chuyển nợ xấu thành vốn góp thì doanh nghiệp đó phải hoạt động tốt hơn, phải nâng cao được hiệu quả và đảm bảo được tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Bởi trước mắt, cách thức này có thể sẽ giúp nguồn vốn của doanh nghiệp ngay lập tức tăng lên, nhưng nếu tăng vốn mà hiệu quả không cải thiện thì chủ trương đổi vốn góp thành cổ phần cũng không thể xem là một cơ chế tốt.

PV:- Từ phía ngân hàng, thỏa thuận đổi nợ xấu thành cổ phần sẽ thực hiện ra sao khi cả hai đều là đối tượng thuộc Nhà nước? Việc quy đổi này liệu có đảm bảo minh bạch sòng phẳng không hay sẽ xảy ra hiện tượng là cái gì ngon thì đổi còn cái gì không ngon thì giữ lại cho cổ phần hóa thị trường và cuối cùng Nhà nước không thu được gì?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn:- Nếu nhìn ngân hàng như một doanh nghiệp thì rõ ràng mục tiêu trên hết của họ chính là lợi nhuận.

Về nguyên tắc, trong quá trình thực hiện việc thỏa thuận, mua bán tài sản hoặc chuyển đổi tài sản thành vốn góp... thì đều dựa trên sự thống nhất của cả hai bên.

Còn trên thực tế liệu có xảy ra hiện tượng bắt tay, thông đồng với nhau hạ giá trị tài sản xuống để trục lợi hay không lại thuộc về lĩnh vực pháp luật hình sự. Tôi biết nhiều người còn lo ngại, bởi khi thực hiện cổ phần hóa, tài sản của DNNN không có gì lớn hơn ngoài đất đai. Trong lịch sử đã từng xảy ra nhiều vụ định giá tài sản đất của DNNN với giá bèo bọt, có những khu đất chỉ được định giá khoảng vài chục tỷ nhưng giá trị thực tế lại lên tới hàng nghìn tỷ, dư luận lo ngại là đúng.

Tôi lấy ví dụ như việc thực hiện cổ phần hóa, tại Hãng phim truyện Việt Nam, đây là ví dụ điển hình cho thấy có dấu hiệu không minh bạch trong quá trình thực hiện.

Hơn nữa, hiện nay nhiều DNNN vay nợ vô tội vạ, nhiều doanh nghiệp số nợ còn lớn hơn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng lại vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư bởi đang sở hữu rất nhiều vị trí đất vàng có giá trị lớn.

Chúng ta phải nhớ, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp và chắc chắn họ không bỏ tiền đầu tư vào một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có năng lực phát triển trừ khi họ có thể nhìn thấy tiềm lực khai thác từ doanh nghiệp này.

Do đó, khả năng đồng ý cho góp vốn của ngân hàng chưa hẳn đã vì mục đích phát triển doanh nghiệp mà vì mục đích muốn được sở hữu những khu đất vàng của doanh nghiệp đó.

Tới đây trong quá trình thực hiện, câu chuyện này cần phải được đề cập và theo dõi rất chặt chẽ.

Ngân hàng xiết nợ DNNN: Lo túi này lọt túi kia

PV:- Vậy theo ông, chủ trương này muốn làm có hiệu quả thì phải làm thế nào?

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn:- Trước hết là vai trò, chức năng của chính những cơ quan được giao nhiệm vụ trực tiếp nhiệm vụ đó phải được đặt lên hàng đầu.

Tiếp đến là trong quá trình thực hiện, yêu cầu thẩm tra, thẩm định các bước thực hiện phải rõ ràng, thận trọng, chính xác.

Vấn đề nữa, là công tác thẩm tra, thanh tra, giám sát phải được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ.

Cuối cùng là những người được giao thực hiện nhiệm vụ này phải có trách nhiệm, phải chịu trách nhiệm với tất cả những kết quả trong suốt quá trình thực hiện. Nếu xảy ra sai sót phải xử lý nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.

PV:- Xin cảm ơn ông!

Theo Bao Datviet

Bạn đang đọc bài viết "Đổi nợ xấu DNNN thành vốn góp: Vì đất vàng?" tại chuyên mục Diễn đàn - Luật gia. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).

Bạn đọc đặt tạp chí Pháp lý dài hạn vui lòng để lại thông tin