Khi doanh nghiệp phải đóng góp quá nhiều trong khi lợi nhuận thu về thấp hơn thì nghĩa là môi trường đầu tư không hấp dẫn
TS Nguyễn Ngọc Sơn - Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM cho rằng, bình quân với mỗi 100 đồng doanh thu, doanh nghiệp Việt đóng góp vào ngân sách 5 đồng và lãi trước thuế 3,7 đồng.
Điều này cho thấy, phần lợi nhuận doanh nghiệp thu được thấp hơn phần đóng góp về ngân sách. Hay nói cách khác là trách nhiệm đóng góp của doanh nghiệp đối với ngân sách quá lớn. Cụ thể, ở đây là những khoảng thuế, phí trực thu mà doanh nghiệp đang phải chịu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT (nếu nghĩa vụ đóng thuế thuộc về doanh nghiệp)... đang quá cao đã trở thành những gánh nặng về tài chính cho doanh nghiệp. Chi phí tài chính lớn thì đương nhiên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ thấp đi.
"Khi doanh nghiệp phải đóng góp quá nhiều trong khi lợi nhuận thu về còn thấp hơn cả khoản đóng góp cho ngân sách thì nghĩa là môi trường đầu tư không còn hấp dẫn", ông Sơn nói.
Vị TS cho biết, mức lợi nhuận hợp lý có thể chấp nhận được đối với một doanh nghiệp thường rơi vào khoảng 10%, trong khi nếu tính toán theo Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ này chỉ vào chưa tới 4%, còn thấp hơn cả mức lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến doanh thu của doanh nghiệp bị thấp đi cũng được TS Nguyễn Ngọc Sơn chỉ ra chính là chi phí liên quan tới vận hành doanh nghiệp như điện, xăng dầu... không hề thấp. Ngoài ra, còn những rủi ro về thủ tục pháp lý cũng khiến doanh nghiệp phải mất những khoản chi phí bất thường không hợp lý. Bên cạnh đó, trình độ, tay nghề của lao động cũng là một trong những nguyên nhân đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao.
Cũng theo vị chuyên gia, số liệu trên còn cho thấy sự phân bổ thu nhập của các thành phần kinh tế không đồng đều. Bên cạnh những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả thì lại có nhiều hơn những doanh nghiệp ở các khu vực kinh tế khác nhau rơi vào tình trạng thua lỗ, làm ăn không hiệu quả. Vì thế tổng thu nhập chung của toàn khu vực doanh nghiệp cũng bị kéo tụt xuống theo.
Điều này đã được Tổng cục Thống kê chứng minh bằng số liệu tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp tính đến hết năm 2015, chỉ đạt gần 15 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế và mức đóng góp vào Ngân sách Nhà nước của khu vực này chỉ đạt 552.700 tỷ và 764.400 tỷ đồng, tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng doanh thu.
FDI hưởng lợi
Ngoài những khoản thuế, phí mà doanh nghiệp Việt đang phải đóng góp quá nặng nề, TS Nguyễn Ngọc Sơn còn cho biết, các doanh nghiệp Việt cũng đang phải chịu một sức ép rất lớn trước những doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp khu vực nhà nước.
Đồng tình với quan điểm rằng, Việt Nam vẫn cần khuyến khích những nhà đầu tư lớn để tạo ra lợi thế cạnh tranh, tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Sơn cũng buộc phải thừa nhận cơ chế ưu đãi cào bằng đang gây bất bình đẳng, gây khó cho doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, ở ngay chính sách thuế, phí cũng đã nhìn rõ sự bất bình đẳng. Trong khi các doanh nghiệp Việt đang phải dành 40% lợi nhuận để đóng thuế và khoản đóng góp có thể còn cao hơn nhiều vì phải chịu thêm nhiều khoản chi phí "không tên" khác nữa thì các doanh nghiệp FDI và DNNN có thể phải đóng góp thấp hơn nhờ các chính sách ưu đãi.
Ông Sơn cho biết, về mặt chủ trương Việt Nam luôn mong muốn xây dựng một chính sách hướng tới mục tiêu là đối xử công bằng giữa các thành phần kinh tế trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn đang tồn tại những chính sách từ cả trung ương và cả những chính sách hướng dẫn từ địa phương làm lợi cho doanh nghiệp FDI nhưng đang khiến những doanh nghiệp Việt vốn đã yếu lại càng thêm yếu.
Phá sản vì không chịu được áp lực
Từ những vấn đề phân tích ở trên, TS Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đó được xem là một trong nhiều nguyên nhân giải thích vì sao hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã bị xóa sổ, phá sản trong năm vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nữa.
"Tôi biết một doanh nghiệp sản xuất nước trái cây đang làm ăn rất tốt ở Việt Nam nhưng buộc phải bán lại cho đối tác khác. Tôi hỏi vì sao lại phải đóng cửa trong khi một năm anh đang thu về cả triệu USD? Chủ doanh nghiệp cho biết, họ bán lại vì đang phải đối diện với quá nhiều rủi ro.
Rủi ro đầu tiên là nguyên liệu đầu vào không an toàn. Ông chủ nói với tôi, chính sách nông nghiệp của Việt Nam không nhất quán, nông dân làm ăn tự phát nên không thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm.
Rủi ro nữa đến từ các chính sách thuế liên tục thay đổi, áp lực về các chính sách tài chính và quan trọng hơn là áp lực về chính sách cơ chế phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp trong nước và những doanh nghiệp nước ngoài. Họ bán lại doanh nghiệp vì tự nhận thấy sự lăn lộn của họ đã không mang lại lợi ích gì cho họ", ông Sơn kể.
Theo ông Sơn, khi phải đứng trước quá nhiều khó khăn, áp lực trong khi kinh nghiệm thương trường chưa vững vàng thì việc đặt mục tiêu xây dựng và phát triển những doanh nghiệp nội địa xứng tầm, có khả năng vươn ra quốc tế là vô cùng khó khăn, thậm chí là bế tắc.
Vì vậy, ông Sơn khẳng định, những vấn đề về vốn vay, quy mô hoạt động không phải là vấn đề lớn nhất dối với những doanh nghiệp có năng lực. Ông cho biết, vấn đề của Việt Nam bây giờ là làm sao tạo ra một chính sách phát triển ổn định, không gây ra gánh nặng tài chính cũng như những gánh nặng pháp lý và những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp mới là quan trọng.
Theo Bao Datviet